SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo: Bứt phá hướng đến năm 2030

03-04-2025
Ngày 3/4/2025, tại Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB), Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đến năm 2030” và công bố Chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp sáng tạo (KNST) năm 2025. Sự kiện thu hút đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, quỹ đầu tư và cộng đồng startup nhằm tìm kiếm những giải pháp đột phá để hiện thực hóa tham vọng đưa TP.HCM vào top 100 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu thế giới.

QUANGCANH.png

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, qua sự kiện, Sở mong muốn lắng nghe ý kiến từ những người trong cuộc, các chuyên gia, nhà khoa học về cách mà TP.HCM nên làm, đi con đường nào, giải pháp ra sao và chọn lĩnh vực nào để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM một cách nhanh chóng, hiệu quả. 

Theo Giám đốc Lâm Đình Thắng, TP.HCM đã xác định khoa học công nghệ và ĐMST là chiến lược phát triển trong suốt thời gian qua, thể hiện qua các kết quả cụ thể như việc Thành phố sở hữu mô hình khu công nghệ cao đầu tiên cả nước, khu công viên phần mềm Quang Trung là mô hình khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên cả nước, Thành phố cũng là tỉnh thành có chương trình chuyển đổi số đầu tiên của cả nước... 

Mục tiêu hiện nay của TP.HCM là đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vào top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất toàn cầu vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm là chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực. 

Cụ thể, về chính sách, Thành phố đang nghiên cứu thiết lập cơ chế “một cửa” cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời xem xét các chính sách ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường nguồn lực tài chính đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Về hạ tầng, Thành phố sẽ đầu tư vào không gian làm việc, mạng lưới các quỹ đầu tư, trung tâm nghiên cứu và kết nối các hệ sinh thái sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt, ông Thắng cho biết, Sở đang chuẩn bị cho lễ khánh thành Trung Tâm Khởi Nghiệp Sáng Tạo HCM tại số 123, đường Trương Định, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, dự kiến sẽ diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 5 năm nay. Đây sẽ là một không gian sinh hoạt và môi trường lý tưởng cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, nơi sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Về nguồn nhân lực, Thành phố sẽ tập trung vào hai nhóm chính là sinh viên các trường đại học, cao đẳng để trang bị tinh thần và năng lực khởi nghiệp; nhóm thứ hai là cộng đồng doanh nhân, người đã khởi nghiệp để bồi dưỡng, cũng như hỗ trợ thêm.

Thành phố cam kết đồng hành và hỗ trợ các ý tưởng, giải pháp, thiết kế khả thi để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM”, ông Lâm Đình Thắng chia sẻ. 

SEPTHANG.jpg

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại sự kiện.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trong năm 2024, Thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút 2.813 dự án tham gia các cuộc thi và chương trình ươm tạo. Một số cuộc thi tiêu biểu như Startup Wheel, Vietnam Youth Startup và Cuộc thi khởi nghiệp xanh đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và sinh viên. Đặc biệt, TP.HCM đã hỗ trợ ươm tạo 202 dự án khởi nghiệp ĐMST, tạo điều kiện cho các ý tưởng tiềm năng phát triển và thương mại hóa.

ONGDONG.png

Ông Trần Ninh Đông - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trình bày báo cáo tại sự kiện.

Hướng đến năm 2030, TP.HCM đặt ra các mục tiêu tham vọng để củng cố vị thế trung tâm khởi nghiệp và ĐMST hàng đầu khu vực. Thành phố phấn đấu: đạt tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST trên 40% tổng số doanh nghiệp; đưa tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lên mức 8-10%; lọt vào nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp năng động nhất toàn cầu; thành lập 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế và bảo hộ sáng chế với mức tăng trung bình 16-18%/năm.

Cũng tại Hội thảo, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB) đã công bố Chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025, triển khai theo Nghị quyết 20/2023/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Chương trình tập trung hỗ trợ các dự án từ giai đoạn tiền ươm tạo, ươm tạo đến tăng tốc, nhằm phát triển toàn diện các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Theo đó, Chương trình gồm bảy hạng mục tuyển chọn dự án, bao gồm: Cuộc thi ý tưởng sinh viên Việt Nam - Hàn Quốc (Univ.Star 2025); Fintech 2025 dành cho công nghệ tài chính; Innovation Quest 2025 tập trung vào trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và chuyển đổi số; Gov.Star 2025 nhằm đổi mới sáng tạo trong khu vực công (y tế, giao thông); GIC 2025 về phát triển bền vững; InnoCulture 2025 tập trung vào công nghiệp văn hóa; Ednovation 2025 hỗ trợ khởi nghiệp trong giáo dục.

Chương trình hướng đến việc tăng cường hỗ trợ tài chính, đào tạo chuyên sâu và kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Dự án tham gia sẽ được ươm tạo trong thời gian từ 6 đến 12 tháng và nhận kinh phí hỗ trợ tối đa 400 triệu đồng, tùy theo giai đoạn phát triển.

Bà Lê Thị Bé Ba (Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM – SIHUB) chia sẻ, Chương trình không chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính mà còn kết nối startup với các quỹ đầu tư, tổ chức đào tạo chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và chiến lược phát triển thị trường. Theo bà, việc hỗ trợ startup không thể dừng ở mức cung cấp vốn mà phải tạo ra hệ sinh thái giúp họ tồn tại và phát triển.

BABE3.png

Bà Lê Thị Bé Ba (Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM – SIHUB) công bố Chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án ĐMST, KNST năm 2025.

Dù có những tín hiệu tích cực, hệ sinh thái KNST tại TP.HCM vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trong phiên thảo luận tại Hội thảo, ông Trần Duy Hào, đại biểu từ phía doanh nghiệp nhấn mạnh, cần có ưu đãi thuế rõ ràng cho startup, giảm bớt rào cản thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường. Đồng thời, hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp như không gian làm việc chung, quỹ đầu tư công – tư kết hợp và nền tảng công nghệ số cũng là những yếu tố then chốt.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia phía trường Đại học cho rằng, cải thiện liên kết giữa doanh nghiệp, trường đại học và các viện nghiên cứu là giải pháp không thể thiếu. Cùng với đó, nhân lực chất lượng cao là nền tảng vững chắc cho một hệ sinh thái mạnh, nếu không kết nối chặt chẽ với các cơ sở đào tạo thì khó có thể tạo ra thế hệ startup có khả năng vươn xa.

Một số ý kiến khác cũng tỏ ra thận trọng với mục tiêu đưa TP.HCM vào top 100 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Đại diện một tổ chức hỗ trợ startup thẳng thắn nhận xét, thực tế cho thấy khả năng gọi vốn của các startup trong nước vẫn còn thấp, môi trường chính sách chưa thực sự cởi mở và số lượng startup thành công vẫn còn hạn chế. Để vào top 100, TP.HCM cần một cuộc cách mạng thực sự về tư duy hỗ trợ khởi nghiệp. 

THAOLUAN2.png

THAOLUAN3.png

Sự kiện thu hút nhiều ý kiến đóng góp từ đại biểu tham dự.

Qua phần thảo luận tại Hội thảo, một số hướng đi chiến lược được đề xuất nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM tập trung vào các nội dung chính như: cần có sự kết nối giữa doanh nghiệp lâu năm và startup; tổ chức ươm tạo cần tăng cường hỗ trợ không chỉ vốn mà còn cả chiến lược kinh doanh; tạo ra các chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và trường đại học để ứng dụng nhanh chóng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; đầu tư vào các nền tảng công nghệ giúp kết nối startup với nhà đầu tư, các quỹ hỗ trợ và thị trường quốc tế; học hỏi mô hình của các trung tâm khởi nghiệp thành công như Thái Lan, Hàn Quốc, Israel… từ đó áp dụng vào bối cảnh Việt Nam; bổ sung thêm các chính sách ưu đãi thuế, tạo môi trường pháp lý thông thoáng hơn nhằm giúp startup có thể tiếp cận các phòng thí nghiệm, không gian thử nghiệm sản phẩm cũng như các chương trình hợp tác quốc tế nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu…

Rõ ràng, để đạt được mục tiêu vào top 100 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu không đơn thuần là con số về thứ bậc, TP.HCM cần một chiến lược toàn diện và những hành động cụ thể. Với sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng khởi nghiệp, TP.HCM hoàn toàn có thể hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới trong tương lai. 

Minh Nhã (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378