SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM giới thiệu chương trình hợp tác quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

05-06-2023
Ngày 05/6/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo giới thiệu Chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), tuy nhiên vẫn cần những chương trình hợp tác cụ thể, có chiều sâu hơn hướng đến giải quyết các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. Trong năm 2022, Sở KH&CN TP.HCM đã triển khai thí điểm mô hình hợp tác ươm tạo quốc tế thông qua Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) và Tổ chức Tech7 (Israel) với tên gọi VICAP 2022. Đây là chương trình có sự tham gia hợp tác chung giữa hai quốc gia với mục tiêu ươm tạo các nhà khởi nghiệp, tài năng trẻ của cả Việt Nam và Israel. Nhận thấy giá trị và hiệu quả của chương trình này, Sở KH&CN mong muốn giới thiệu đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố để cùng chung tay thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về các chương trình nâng cao năng lực, ươm tạo, kết nối và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần đưa doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đến gần hơn với sân chơi toàn cầu.

09HDKHLVhoithaohoptacqteuomtaoh1.JPG

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng (đại diện BSSC) cho biết, chương trình VICAP 2022 có mục tiêu thử nghiệm mô hình hợp tác ươm tạo khởi nghiệp giữa một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam (BSSC) và một tổ chức tương tự quốc tế (Tech7). Kết quả của chương trình là tuyển chọn được 1 đội xuất sắc nhất (bao gồm thí sinh người Việt Nam và thí sinh người Israel) tham dự chương trình về đổi mới sáng tạo trong vòng 1 tuần tại Israel. Các hoạt động trong chương trình gồm thuyết trình tại demoday; đánh giá từ doanh nghiệp (về khả năng áp dụng thực tế của giải pháp); cập nhật của team, sự tham gia và bài tập nhóm; đánh giá của mentor; làm việc nhóm. Đặc trưng trong chương trình này là xây dựng nhóm (team) với số lượng từ 3 - 5 người, phải đa dạng về quốc tịch, kỹ năng, nền tảng học vấn, giới tính,…

09HDKHLVhoithaohoptacqteuomtaoh3.JPG

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng (đại diện BSSC) chia sẻ những kinh nghiệm qua triển khai chương trình VICAP 2022

Theo bà Hằng, những ấn tượng sau chương trình này là có sự tham gia của nhiều đối tác là các tổ chức, doanh nghiệp và các trường đại học; tác động của chương trình VICAP không chỉ là giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, mà còn là nơi giúp các doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự. Đặc biệt, tỷ lệ tham gia cho thấy, chương trình thu hút 424 thí sinh phía Việt Nam, phía Israel là 23 thí sinh. Trong đó, 394 là sinh viên, 24 là starup và người đi làm, còn lại là du học sinh. Điều này cho thấy các trường đại học của Việt Nam đang có nhu cầu và sự quan tâm lớn đối với việc tham gia các chương trình quốc tế. Đây là động lực để các tổ chức ươm tạo kết nối, phát triển nhiều chương trình hợp tác ươm tạo quốc tế hữu ích hơn nữa.

Qua triển khai chương trình VICAP 2022, bà Hằng chia sẻ kinh nghiệm cần có thời gian để tìm kiếm các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính, sẵn sàng đồng hành và tài trợ cho chương trình với mục tiêu “săn người giỏi” và giải quyết các thách thức đang tồn tại trong doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể nhân rộng mô hình, lựa chọn một số quốc gia phát triển khác, tương đồng về văn hóa, múi giờ,…

09HDKHLVhoithaohoptacqteuomtaoh4.JPG

Sinh viên Nguyễn Châu Anh (đại diện dự án chiến thắng VICAP 2022) chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo

Về các chương trình/chính sách hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ trong hoạt động hỗ trợ hợp tác ươm tạo quốc tế, bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ) cho biết, thời gian qua Sở đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế như mô hình Saigon Innovation Hub; phối hợp các đối tác quốc tế từ Phần Lan, Hàn Quốc tổ chức các hội thảo quốc tế về nhiều lĩnh vực như khởi nghiệp ĐMST, smart city, chuyển đổi số; tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại TP.HCM; hoạt động học tập và tham quan các mô hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các nước như Phần lan, Úc, New Zealand, Canada, Israel,… qua đó tham mưu và đề xuất chính sách cho TP.HCM.

Hiện nay, Sở tập trung vào các chính sách phối hợp với cộng đồng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở 3 nhóm chính gồm Tổ chức huấn luyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tổ chức các sự kiện kết nối, truyền thông hỗ trợ hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; ươm tạo các dự án khởi nghiệp ĐMST.

Quyền lợi của các chính sách này là mỗi dự án hợp tác về khởi nghiệp ĐMST được xem xét phối hợp một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước (30-50% tổng kinh phí thực hiện), thời gian thực hiện không quá 1 năm. Điều kiện của chính sách này là hợp tác với các tổ chức quốc tế thông qua một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST (hiện có 43 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại TP.HCM). Tiêu chí ưu tiên của chính sách là hỗ trợ các dự án thuộc các lĩnh vực mà Thành phố đang quan tâm như chuyển đổi số, AI, IoT, block chain, Big data, y tế, giáo dục, Govtech,… Một số nội dung Sở sẽ phối hợp/hỗ trợ theo quy định nhà nước gồm công tác chuẩn bị, truyền thông chương trình; công tác tuyển chọn; tổ chức các khóa huấn luyện; tổ chức các sự kiện kết nối; thuê cố vấn cho dự án ươm tạo. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST có dự án hợp tác ươm tạo quốc tế có thể đề xuất với Sở KH&CN để ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện.

09HDKHLVhoithaohoptacqteuomtaoh6.JPG

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở KH&CN TP.HCM và Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk (Hàn Quốc) 

Tại hội thảo Sở KH&CN TP.HCM và Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk (Hàn Quốc) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm, với hệ sinh thái hơn 40 vườn ươm cùng nhiều tổ chức hỗ trợ của TP.HCM, Sở mong muốn nhân rộng mô hình VICAP để đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác quốc tế, cũng như giúp cho các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận môi trường quốc tế, không chỉ giải quyết được thách thức của mình mà còn tận dụng được nguồn lực thị trường nước ngoài.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378