TP.HCM kỳ vọng thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính bằng GRP
13-12-2023Theo chuyên gia, TP.HCM cần chú trọng khởi xướng các chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm nhấn mạnh những lợi ích của GRP và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc triển khai GRP, cũng như định hình nhận thức của công chúng về GRP.
Ngày 13/12/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo quốc tế “Thực hành xây dựng thể chế, quy định tốt để cải cách thủ tục hành chính”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết việc xây dựng thể chế, quy định tốt là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, bởi vì thủ tục hành chính phức tạp và không linh hoạt có thể tạo ra những thách thức đáng kể, đặc biệt là đối với doanh nghiệp và người dân. Chính phủ và TP.HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc xây dựng và thực thi các thể chế, quy định nhằm phù hợp với yêu cầu thực tế thông qua việc cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện.
Theo ông Hà Minh Hiệp (Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), TP.HCM là đơn vị đầu tiên thực hiện triển khai GRP (Good Regulatory Practices) trên cả nước. Ngày nay, GRP càng thể hiện rõ ảnh hưởng đối với năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà hoạch định chính sách có thể giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh trong cộng đồng địa phương cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách áp dụng GRP giúp quy định trở nên dễ hiểu hơn, đồng thời giảm thời gian và chi phí liên quan đến việc tuân thủ.
Được biết, GRP còn được sử dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và củng cố niềm tin của công chúng vào Chính phủ. Đã có rất nhiêu nỗ lực đa phương được thực hiện liên quan tới GRP như hoạt động của APEC (Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương), ASEAN, Chương trình cải cách quy định của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) và Chương trình quy định tốt hơn cho tăng trưởng của Worl Bank (Ngân hàng Thế giới). Anh, Hàn Quốc và Malaysia là những quốc gia đã áp dụng GRP thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh.
GS.TS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore) đề xuất 7 định hướng chiến lược thực hiện GRP gồm: Nâng cao nhận thức và tăng cường cam kết; Tổ chức các buổi đào tạo nghiêm túc; Thực hiện các chương trình GRP thí điểm; Thúc đẩy sự đổi mới và sức sống; Phát động phong trào GRP; Thể chế hóa GRP; Tận dụng GRP như một thế mạnh bền vững dẫn đầu quốc gia trong phát triển. Trong đó, chú trọng khởi xướng các chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm nhấn mạnh những lợi ích của GRP và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc triển khai GRP, cũng như định hình nhận thức của công chúng về GRP như một con đường quan trọng để tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm làm sáng tỏ bối cảnh pháp lý, thúc đẩy kết nối xã hội và thúc đẩy nền kinh tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi về những nội dung quan trọng liên quan đến xây dựng thể chế, quy định tốt như vai trò, tầm quan trọng của xây dựng thể chế, quy định tốt trong cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo rằng kết quả của các chính sách/quy định được ban hành hiệu quả, minh bạch, toàn diện và bền vững. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình xây dựng thể chế, quy định tốt để cải cách thủ tục hành chính của một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Singapore… trong đánh giá tác động của quy định, sự tham gia của các bên liên quan và đánh giá hậu kỳ để cải thiện chất lượng môi trường pháp lý cho doanh nghiệp, người dân và xã hội. Theo đó, GRP có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, thậm chí còn là một lợi thế cạnh tranh đặc biệt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp đáng kể cho sự hợp tác khu vực và toàn cầu.
Hoàng Kim (CESTI)