SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM: Phác thảo bức tranh KH&CN tương lai với 4 chương trình mục tiêu

06-02-2018

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, về mong muốn của Sở KH&CN TP.HCM khi đề ra 4 chương trình nghiên cứu KH&CN mục tiêu giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2025.

Tại hội thảo công bố 4 chương trình mục tiêu sáng 9.2, ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Sở KH&CN TP.HCM, cho biết: “Mục tiêu của 4 chương trình nhằm nghiên cứu giải mã công nghệ, làm chủ công nghệ và phát triển các sản phẩm ứng dụng cụ thể phục vụ các chương trình, đề án trọng điểm của thành phố. Cùng với đó, các chương trình thúc đẩy các hoạt động kết nối, hợp tác đổi mới sáng tạo giữa các cơ quan nghiên cứu với cộng đồng đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp.”

TP.HCM: Phác thảo bức tranh KH&CN tương lai với 4 chương trình mục tiêu - 1

Nghiên cứu tế bào gốc phục vụ chăm sóc sức khỏe là một trong 4 chương trình mục tiêu trong  những năm tiếp theo 

Theo các chuyên gia, hoạt động nghiên cứu phát triển vẫn còn rời rạc, hạn chế trong ứng dụng thực tế trong khi đó nhu cầu với các sản phẩm, công nghệ mới của doanh nghiệp lại đang rất lớn.

Một ví dụ là hiện nay các bưu điện đang rất thiếu hệ thống phân loại hay tự tính kích thước bưu phẩm. Nếu mua các hệ thống này từ nước ngoài thì giá rất đắt. Trong khi đó, các đơn vị, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể nghiên cứu, sản xuất được nhưng lại chưa có ai làm.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, điều này là do thiếu sự hợp tác giữa các bên và việc công bố các chương trình mục tiêu sẽ góp phẩn giải quyết được vấn đề đó.

4 chương trình mục tiêu được Sở KH&CN TP.HCM xác định gồm có: Nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô phục vụ chăm sóc sức khỏe; nghiên cứu công nghệ thông tin phục vụ đô thị thông minh và cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và sản xuất sản phẩm điện tử đầu cuối ứng dụng chip Việt và nghiên cứu chế tạo máy CNC và công nghệ 3D.

Mỗi chương trình có ban điều hành gồm các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực tư vấn, xét duyệt các đề tài phù hợp với nội dung chương trình. Các cá nhân, đơn vị có đề tài đều có thể đăng ký tham gia. Nếu đề tài được hội đồng đánh giá là khả thi và phù hợp với nội dung các chương trình mục tiêu, sẽ được ưu tiên thực hiện.

Đánh giá về cách làm này, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, cho rằng: “Đây là một hướng tốt, Sở không có đủ nhân lực ở hết các chuyên môn. Ban chủ nhiệm 4 chương trình này gồm các chuyên gia trong từng lĩnh vực sẽ giúp định hướng, thẩm định được các đề tài. Ngoài ra, rất cần sự chủ động từ phía các trường, viện, các nhóm nghiên cứu.”

Góp ý cho kế hoạch thực hiện 4 chương trình mục tiêu, các chuyên gia nhấn mạnh việc nghiên cứu để cho ra các sản phẩm mục tiêu không giống như nghiên cứu để có bài báo công bố quốc tế. Nhất là vấn đề khả năng của doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu là yếu tố cần đặc biệt quan tâm.

Đã có kinh nghiệm từ chương trình tế bào gốc Việt Nam, PGS. TS. Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng PTN Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc – ĐH Khoa học tự nhiên, đề xuất cần có lộ trình công nghệ cụ thể và từ đó xác định các đề tài cần nghiên cứu.

“Một điều rất quan trọng là chúng ta cần phải tìm hiểu được hiện trạng của các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận được công nghệ và các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam có thể làm được công nghệ ở mức nào”, TS Phúc đề xuất.

TP.HCM: Phác thảo bức tranh KH&CN tương lai với 4 chương trình mục tiêu - 2

Ông Nguyễn Việt Dũng trao quyết định cho thành viên Ban Chủ nhiệm các chương trình

Bên cạnh các yếu tố trên, sự hợp tác vẫn là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo hiệu quả của hoạt động nghiên cứu KH&CN và phát triển sản phẩm. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, các nhóm nghiên cứu cần phải thỏa thuận, phối hợp để các đề tài thành phần trong từng chương trình mục tiêu ăn khớp với nhau, tạo nên kết quả chung.

Sự hợp tác không chỉ dừng ở phối hợp giữa các nhóm nghiên cứu mà rộng hơn là sự phối hợp giữa khối nghiên cứu với khối doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp. Bởi vậy, ông Dũng đề nghị: “Nhà khoa học phải lắng nghe các doanh nghiệp hiện hữu, doanh nghiệp khởi nghiệp đang vướng mắc những chuyện gì để 2 bên có thể ngồi với nhau cùng giải quyết vấn đề”.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378