TP.HCM phát triển khoa học công nghệ hướng tới tương lai xanh
26-04-2020Với những chương trình nghiên cứu tập trung vào môi trường, TP.HCM đã thực hiện đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế nhưng vẫn gìn giữ được môi trường tự nhiên.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2020 lấy chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh” nhằm khẳng định trách nhiệm, vai trò của con người với trí tuệ, sự sáng tạo, khéo léo... trong hành trình chung tay xây dựng và gìn giữ màu xanh cho tương lai.
Phát triển đô thị đi cùng với bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu của tương lai. Ảnh: The Independent.
Hoạt động sản xuất công nghiệp của con người là một trong những lý do chính gây nên biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta không thể ngừng quá trình này mà thay vào đó phải phát triển bền vững song song với giữ gìn thiên nhiên. Cùng với các đô thị lớn ở Việt Nam, TP.HCM cũng đã có định hướng phát triển nghiên cứu khoa học đi cùng các nguyên tắc bảo vệ môi trường.
Thành phố cùng doanh nghiệp phát triển xanh
Theo bà Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, từ năm 2011, sở đã triển khai 17 chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm dựa trên Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 của Quốc hội.
Theo đó, trong số này có 3 chương trình nghiên cứu mới phục vụ cho 6 chương trình đột phá của thành phố, đều nhằm tập trung vào an ninh thông tin, chống ngập lụt và ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Điển hình, Sở đã phối hợp cùng Đại học Tài nguyên Môi trường tổ chức các buổi hội thảo để giới thiệu các giải pháp về khoa học công nghệ, về quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Từ những buổi hội thảo, mạng lưới các chuyên gia được tạo nên để tiếp tục cùng nghiên cứu về năng lượng mới, vật liệu mới.
Cũng trong năm 2019, đơn vị trực thuộc sở là trung tâm Saigon Innovation Hub đã đồng hành cùng UNICEF trong chương trình hành động vì khí hậu. Chương trình này đã hỗ trợ 6 ý tưởng xuất sắc nhất, mỗi dự án được tài trợ 1.000 USD để tiếp tục thực nghiệm và hoàn thiện hóa sản phẩm.
Một lớp học được tổ chức trong chương trình hợp tác giữa SIHUB và UNICEF.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm của Sở cũng triển khai chương trình về chất lượng hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội cũng như bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
“Để phát triển tiềm lực khoa học công nghệ cho thành phố, Sở cũng hỗ trợ rất nhiều dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ có ứng dụng cao trong cuộc sống mà đặc biệt là liên quan đến các lĩnh vực về môi trường, nhằm hướng đến một tương lai xanh theo chủ đề ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2020,” bà Hải cho biết thêm.
Giải quyết các vấn đề cấp bách bằng KHCN
Ngoài những chương trình đang phát triển, bà Hải nhấn mạnh thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình mang tính hành động cao để giải quyết các vấn đề cấp bách của môi trường.
Trạm cảnh báo ngập do Sở KH&CN TP.HCM phối hợp cùng Công ty cổ phần Công nghệ Nam Long lắp đặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.
Theo đó, Sở đang tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu như sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó còn có các chương trình cải thiện hoặc khôi phục môi trường ô nhiễm. Đề tài về mô hình tính toán để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội thành phố cũng được đặc biệt chú ý.
Lấy ví dụ thực tế, bà chia sẻ: “Sở đã và đang thực hiện dự án xây dựng bản đồ ngập lụt, đánh giá và giảm thiểu các thiệt hại do ngập lụt gây ra. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ các dự án quản lý và xử lý chất thải rắn, nghiên cứu về năng lượng sạch như điện gió hay năng lượng mặt trời. Đặc biệt, thành phố đang định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn.”
Khu công nghiệp sinh thái, nơi mọi hoạt động sản xuất đều diễn ra khép kín, sẽ sớm được triển khai tại TP.HCM.
Ở mô hình khu công nghiệp sinh thái, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, ứng dụng và dịch vụ đều diễn ra theo xu hướng kéo dài tuổi thọ của vạn vật. Tài nguyên sẽ được tái sử dụng, dòng phế liệu đầu ra lại được dùng như nguồn đầu vào của chu trình sản xuất.
“Quá trình khép kín này sẽ được quản lý để đảm bảo tái sử dụng tài nguyên chứ không tạo ra phế liệu mới, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Đây là hướng đi chủ đạo mà chúng tôi sẽ nghiên cứu và thực hiện ngay trong tương lai gần để phát triển bền vững cho tương lai xa hơn,” bà nhấn mạnh.
Thay đổi ngay từ những thứ nhỏ nhất
Ông Trần Giang Khuê - Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, nhìn nhận, trong nền kinh tế tri thức hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản trí tuệ có vai trò quan trọng, đặc biệt là các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những tri thức mới. Những giá trị tạo mới này không chỉ giúp nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp mà phát triển nền kinh tế của quốc gia.
Nhưng không chỉ sáng tạo để phát triển kinh tế, sáng tạo còn nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy đa dạng sinh học trong tự nhiên. Chính vì những điều này, chủ đề của ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay được chọn là “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”.
Tại TP.HCM, thời gian qua đã có nhiều sáng chế, nghiên cứu khoa học tạo ra các công nghệ vì sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, cho phép chúng ta giải quyết khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Ông Nguyễn Quang Ngọc (phải) bên cạnh sáng chế trồng cây không cần tưới nước của mình.
Có thể kể đến “Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt” của tác giả Trần Kim Qui biến rác thải trở thành tài nguyên để tạo phân bón dinh dưỡng cho cây trồng. Giải pháp của nhà sáng chế 84 tuổi này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Bảo hộ độc quyền Giải pháp hữu ích số 1426, năm 2016. Đây cũng là sáng chế đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng chế toàn quốc năm 2018.
Ngoài ra, những sáng tạo nhỏ cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường như “Chậu trồng cây tiết kiệm nước” của anh Nguyễn Quang Ngọc ở Quận Tân Bình. Sáng kiến nhỏ giúp việc trồng cây của nông dân, cây cảnh, cây xanh đô thị tiết kiệm hơn 80% nước, hơn 60% công lao động, hơn 60% năng lượng và tăng năng suất hơn 30%;
Ở cấp độ rộng hơn như sản xuất công nghiệp cũng có thể hành động vì môi trường xanh, từ bao bì sáng chế, từ tạo ra những cái sản phẩm thân thiện với môi trường, từ sử dụng những cái sản phẩm đã sẵn có để giúp cho môi trường bền vững hơn.
TP.HCM không chỉ năng động phát triển mà còn đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh. Ảnh: The Independent.
“Những hành động dù rất nhỏ cũng có giá trị thay đổi lớn. Nhưng muốn có được điều rất nhỏ đấy thì mỗi người chúng ta phải thay đổi được nhận thức, tư duy và hành động trong mỗi ngày. Chúng tôi rất muốn người dân Việt Nam cùng nhau hành động và cố gắng thay đổi thói quen hàng ngày để tạo nên một tương lai xanh cho chính chúng ta, cho Trái Đất và cho con cháu sau này,” ông Khuê nhắn nhủ.