TPHCM: Sản xuất thành công mẫu sinh phẩm hóa sinh dạng đông khô
19-09-2022Mẫu sinh phẩm hóa sinh đông khô với 6 thông số thường quy có độ ổn định và đồng nhất cao, đủ tiêu chuẩn để có thể triển khai trên quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu của các phòng xét nghiệm hiện nay. Làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất mẫu sinh phẩm hóa sinh đông khô còn giúp đảm bảo nguồn mẫu ổn định, duy trì việc kiểm soát chất lượng xét nghiệm được liên tục, giảm phụ thuộc vào nguồn cung ngoại nhập.
Xét nghiệm hóa sinh là một trong những chỉ định cận lâm sàng thường quy tại các cơ sở y tế. Kết quả xét nghiệm hóa sinh là căn cứ quan trọng cho các quyết định điều trị, chẩn đoán sớm và dự phòng bệnh, trong nghiên cứu khoa học trong y học... Do đó, việc bảo đảm độ tin cậy và chất lượng của kết quả xét nghiệm hóa sinh là hết sức quan trọng, cần tiến hành bằng hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm (bao gồm kiểm tra chất lượng và đảm bảo chất lượng).
Để triển khai được kiểm tra chất lượng xét nghiệm, các các trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm cần phải có mẫu ngoại kiểm, đây là một dạng vật liệu - mẫu chuẩn đảm bảo đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật để có thể tiến hành triển khai ngoại kiểm, đánh giá chất lượng các phòng xét nghiệm một cách khách quan.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng mẫu ngoại kiểm hóa sinh của các phòng xét nghiệm là rất lớn. Tuy nhiên, các mẫu kiểm chuẩn hóa sinh đang có tại Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài như Biorad (Mỹ), Randox (Anh), khiến cho hoạt động ngoại kiểm bị phụ thuộc (điều kiện vận chuyển, chính sách phân phối…) thiếu tính chủ động. Nguyên nhân là vì quy trình sản xuất mẫu sinh phẩm dùng trong kiểm tra chất lượng xét nghiệm thuộc dạng công nghệ được các công ty nước ngoài bảo mật rất chặt chẽ (liên quan đến thương mại). Một điểm yếu dễ thấy nữa, là giá thành cung cấp mẫu ngoại nhập cao, dẫn đến hoạt động ngoại kiểm khá tốn kém. Do đó, Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm TPHCM đã triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu chế tạo mẫu sinh phẩm đông khô dùng kiểm chuẩn xét nghiệm hóa sinh đối với sáu thông số thường quy” nhằm nghiên cứu sản xuất mẫu ngoại kiểm hóa sinh ngay trong nước. Đây là nhiệm vụ rất cấp thiết để các phòng xét nghiệm có thể chủ động nguồn mẫu với mức giá thấp hơn so với mẫu nước ngoài, giúp giảm đáng kể chi phí tham gia ngoại kiểm.
Báo cáo trước Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Sở KH&CN TPHCM tổ chức hồi cuối tháng 6/2022 vừa qua, TS. Trần Hữu Tâm (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết nhóm thực hiện đã sản xuất thành công mẫu sinh phẩm hóa sinh dạng đông khô, phù hợp để dùng trong ngoại kiểm tra chất lượng xét nghiệm hóa sinh. Mẫu chứa 6 thông số thường quy được sử dụng phổ biến tại các phòng xét nghiệm gồm: protein, glucose, cholesterol, triglyceride, Aspartat Aminotransferase (AST), Alanin Aminotransferase (ALT). Các thông số này cũng là những thông số phổ biến trong các chỉ định lâm sàng và cận lâm sàng dùng trong chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh lý.
Mẫu sinh phẩm hóa sinh dạng đông khô
Cụ thể, nhóm thực hiện đã áp dụng công nghệ đông khô (sấy thăng hoa) để sản xuất lô mẫu sinh phẩm hóa sinh (dạng lọ đông khô), đạt độ ổn định và đồng nhất trong thời gian 6 tháng (ở điều kiện bảo quản 25 – 30 độ C, độ ẩm 70 - 80%) tương đương với các mẫu ngoại kiểm hiện có trên thị trường. Mẫu được điều chế theo công thức, có bổ sung một lượng chính xác các thông số biết trước vào chất nền, có nguồn gốc giống với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, với nồng độ các thông số thường quy được kiểm soát và gia giảm có chủ đích nhằm đảm bảo cơ sở khoa học, đáp ứng các yêu cầu đặc biệt trong kiểm chuẩn và đạt được sự đồng nhất cao.
Kết quả tối ưu hóa quy trình đông khô
Nguồn nguyên liệu đầu vào của mẫu sinh phẩm là huyết tương không có sợi tơ huyết, màu vàng cam, âm tính với các loại virus (viêm gan B, viêm gan C, HIV, giang mai…). Mẫu sinh phẩm sau khi đông khô được tạo thành bánh nguyên khối, màu trắng, không bị đứt đoạn và bị trào. Mẫu sau khi hoàn nguyên phải tan hoàn toàn, không có cặn. Nồng độ các thông số hóa sinh củ mẫu đạt yêu cầu. Mẫu không có khuẩn lạc vi sinh vật mọc trên môi trường kiểm tra.
“Dạng mẫu sinh phẩm này khi sản xuất đòi hỏi kỹ thuật cũng như thiết bị sử dụng (cân, dụng cụ đong thể tích…) phải chính xác để đảm bảo độ ổn định và đồng nhất của mẫu. Mặt khác, đơn vị sản xuất cũng cần chuẩn bị sẵn các thiết bị, phương pháp chuẩn nhằm đánh giá mẫu sau khi sản xuất một cách chính xác.”, TS. Trần Hữu Tâm chia sẻ kinh nghiệm sản xuất mẫu sinh phẩm.
Nhóm thực hiện cũng xây dựng quy trình sản xuất mẫu sinh phẩm hóa sinh dạng đông khô với quy mô 100 lọ mẫu/đợt sản xuất, đạt các tiêu chuẩn cơ sở về cảm quan cũng như chất lượng mẫu theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 17043, có tiêu chuẩn cơ sở kiểm tra nguyên liệu và thành phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 17043.
Theo dõi hạn dùng của thông số glucose trong mẫu từ đề tài ở ba điều kiện bảo quản
Các lọ đông khô đã được gửi đến 20 phòng xét nghiệm để chạy thử nghiệm trên 4 dòng máy (Beckman Coulter AU680, Abbott Architect c8000, Mindray BA-88A, Roche Cobas c311) nhằm mục đích đánh giá sự tác động của môi trường thực tế đối với mẫu. Kết quả, 19/20 phòng xét nghiệm cho biết mẫu phù hợp để dùng hằng ngày (hoặc định kỳ) để kiểm chuẩn, giám sát chất lượng xét nghiệm hóa sinh lâm sàng.
Điều này chứng tỏ, mẫu sinh phẩm hóa sinh đông khô với 6 thông số thường quy có độ ổn định và đồng nhất cao, đủ tiêu chuẩn để có thể triển khai trên quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu của các phòng xét nghiệm hiện nay. Từ đó, việc sản xuất quy mô lớn mẫu sinh phẩm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ngoại kiểm, góp phần vào hoạt động nâng cao chất lượng xét nghiệm và liên thông kết quả xét nghiệm trong tương lai. Mặt khác, các cơ sở y tế cũng dễ tuân thủ và đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu về đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Riêng cơ quan quản lý chất lượng xét nghiệm có thể chủ động hoạch định và triển khai các chiến lược, kế hoạch quản lý chất lượng, kiểm chuẩn phù hợp với chính sách, mục tiêu đề ra. Làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất mẫu sinh phẩm hóa sinh đông khô còn giúp đảm bảo nguồn mẫu ổn định, duy trì việc kiểm soát chất lượng xét nghiệm được liên tục.
TS Trần Hữu Tâm và nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị Sở KH&CN TPHCM hỗ trợ nhóm thực hiện mở rộng nghiên cứu thêm các thông số mới, cụ thể như Ure, Creatinin, Albumin, Bilirubin, Acid Uric... nhằm đáp ứng được nhu cầu phân tích hiện nay của các phòng xét nghiệm.
"Bên cạnh đó, để tăng giá trị thương mại hóa của mẫu sinh phẩm hóa sinh đông khô, cũng sẽ cần đến những giải pháp cải tiến nhằm tăng tuổi thọ mẫu, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai chương trình ngoại kiểm", đại diện Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm TPHCM thông tin thêm.
Toàn cảnh hội đồng tư vấn nghiệm thu khoa học - công nghệ
Kết quả của nhiệm vụ chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể tự sản xuất được mẫu sinh phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về mẫu kiểm chuẩn của thế giới. Hơn thế, kết quả này sẽ là cơ sở khoa học để triển khai mở rộng nghiên cứu, tạo ra thêm nhiều mẫu sinh phẩm phục vụ cho kiểm tra chất lượng các xét nghiệm khác như nước tiểu, đông máu, tim mạch,… Từ đó, có thể sử dụng trong đào tạo tập huấn, kiểm tra, hiệu chuẩn quy trình, thiết bị, hóa chất và tay nghề kỹ thuật viên xét nghiệm.
Thông tin liên hệ: Email: kcxntp@csql.vn Website: http://csql.gov.vn |