SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM: tập huấn cách thức xác lập quyền, quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp

24-10-2024
Sáng 24/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng UBND quận Phú Nhuận tổ chức Hội nghị tập huấn cách thức xác lập quyền, quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) tại doanh nghiệp cho các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn.

TOANCANH.png

 Hội nghị thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Hội nghị là một trong những hoạt động nhằm tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến các phòng ban, hội doanh nghiệp, tập thể cán bộ công chức quận, cùng các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn những nội dung trọng tâm theo pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam, khoa học & công nghệ, doanh nghiệp, luật lao động…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe TS. Nguyễn Hồng Quang (Chánh Văn phòng Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức) phổ biến những nội dung: nhận diện TSTT; cách thức xác lập và bảo vệ quyền SHTT và các giao kết SHTT thường gặp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

TS. Nguyễn Hồng Quang chia sẻ, quản trị TSTT là việc chủ sở hữu thực hiện các biện pháp kiểm soát đối với TSTT nhằm tạo lập, khai thác, gìn giữ, bảo vệ và phát triển giá trị của tài sản đó. Như vậy, việc quản trị TSTT là điều cấp thiết, là nhiệm vụ bắt buộc và đặc biệt quan trọng với bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.

Theo pháp luật SHTT Việt Nam 2005-2009-2019-2022, “sở hữu hóa” là đăng ký xác lập quyền theo thủ tục của các cơ quan SHTT quốc gia, hoặc xác lập quyền bằng các quy trình & thủ tục nội bộ. Trong đó, quyền SHTT gồm quyền tác giả (đối tượng là tác phẩm văn học, khoa học & nghệ thuật, cùng với đó là 4 đối tượng thuộc quyền liên quan, gồm: cuộc biểu diễn, bản ghi âm/ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa); quyền sở hữu công nghiệp (7 đối tượng là sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý); quyền đối với giống cây trồng (2 đối tượng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch).

Về biện pháp quản trị TSTT, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định, quy chế, các điều khoản bảo mật, chuyển giao quyền trong các hợp đồng sản phẩm trí tuệ. Đồng thời cũng cần lưu tâm đến việc thiết lập hệ thống quản trị TSTT để có thể quản trị một cách đầy đủ và hợp lý hơn.

BAOCAOVIEN.png

TS. Nguyễn Hồng Quang (Chánh Văn phòng Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức) chia sẻ tại Hội nghị.

TS. Quang nhấn mạnh, trong quá trình nghiên cứu khoa học, chúng ta tạo ra rất nhiều TSTT khác nhau, nếu không quản trị tài sản chặt chẽ, sau này nếu có một số rủi ro về nhân sự, về giao kết hợp đồng với một đối tác nào đó, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất tài sản. Ông Quang cũng đưa ra các tình huống vi phạm quyền SHTT, cùng các ví dụ về rủi ro của việc không “tài sản hóa/sở hữu hóa” sản phẩm trí tuệ mới, đồng thời, các đại biểu tham dự đưa ra các tình huống xâm phạm đã xảy ra tại đơn vị để cùng trao đổi, bàn luận về thực trạng bảo vệ và thực thi quyền SHTT trên địa bàn. Từ đó, đề ra những gợi ý, giải pháp nhằm nâng cao năng lực, nhận thức cho cơ quan quản lý Nhà nước, người kinh doanh trong việc bảo vệ quyền và xây dựng văn hóa SHTT.

Ông Quang cho biết thêm, các chủ thể sáng tạo và các chủ thể đầu tư cho phát triển công nghệ cần được hỗ trợ tiếp cận kiến thức cơ bản về bảo hộ sáng chế, không chỉ các thủ tục cần thực hiện, mà cả ý nghĩa kinh tế của các sáng chế và các cơ chế giao kết kinh doanh sáng chế. Mặt khác, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà sáng chế cần có chiến lược đầu tư “dài hơi” và có những kế hoạch lộ trình phát triển về TSTT cũng như đánh giá giá trị thực của tài sản mà doanh nghiệp đang sở hữu. Việc đánh giá thường xuyên sẽ giúp cho doanh nghiệp biết được giá trị của các TSTT, từ đó giúp tìm được phương hướng phát triển và đầu tư một cách hiệu quả.

Các nội dung trên đều là những những yếu tố quan trọng, góp phần trang bị kiến thức chuyên sâu về bảo vệ TSTT, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh sản xuất, đảm bảo đáp ứng tốt những yêu cầu trong trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.

Về phía Ban tổ chức, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, những năm gần đây, Sở đã liên tục mở các khóa đào tạo, lớp tập huấn… về quản trị TSTT. Để triển khai, làm tốt công tác xây dựng văn hóa SHTT trong cộng đồng năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện nhằm phổ biến, quán triệt quy định về quyền SHTT, cũng như ban hành đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến nội dung này.

Minh Nhã (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537359