TP.HCM thúc đẩy phát triển thị trường KHCN: Phát huy vai trò chủ lực của Sàn giao dịch công nghệ
27-09-2022Thị trường KHCN Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực thu hút được nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp sản xuất tổ chức, các trung gian tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Những năm qua, TP.HCM luôn quan tâm và đặt nhiệm vụ phát triển thị trường KHCN lên hàng đầu trong các chương trình, kế hoạch triển khai hoạt động KHCN trên địa bàn và kết nối với các tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong quá trình triển khai thực hiện. Để phát triển thị trường KHCN, Thành phố đã ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể để thúc đẩy thị trường như: Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 01 tháng 3 năm 2021 về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 19 tháng 1 năm 2022 về ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2022 về phê duyệt Chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 552/KH-UBND ngày 23 tháng 2 năm 2022 phát triển các Trung tâm đổi mới công nghệ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM;…
Việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình/kế hoạch đã và đang góp phần định hướng thị trường KHCN phù hợp với chủ trương của Thành phố. Với sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân, thị trường KHCN đã hình thành các hệ sinh thái trong các ngành trọng yếu, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế Thành phố. Tổng đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 (bao gồm ngân sách và ngoài ngân sách) cho khoa học và công nghệ trên 55.000 tỷ đồng, đạt bình quân 10.006 tỷ đồng/năm. Trong đó, đầu tư từ ngân sách Thành phố cho các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) giai đoạn từ năm 2016 -2021 khoảng 8.920 tỷ đồng (đảm bảo trên 2% tổng chi ngân sách Thành phố hàng năm theo quy định của Luật KHCN).
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của thị trường KHCN là xây dựng và vận hành Sàn giao dịch công nghệ (SGDCN) như là một giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển thị trường KHCN, TP.HCM đã tổ chức các hoạt động của SGDCN với sự tham gia của các bên cung - cầu công nghệ và các tổ chức dịch vụ trung gian. Đến nay, Cổng thông tin đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ TP.HCM (Techport.vn) hiện có tổng số 14.037 công nghệ và thiết bị của 1.942 nhà cung ứng, 2.655 tổ chức, chuyên gia tư vấn, 566 dự án tìm kiếm đối tác. Các công nghệ được quan tâm nhiều trên Techport.vn tập trung vào các lĩnh vực Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Chế biến thực phẩm, Công nghệ sinh học... Năm 2021 đến nay, SGDCN TP.HCM đã tiếp nhận và tư vấn, kết nối, cung cấp thông tin gần 60 yêu cầu công nghệ của doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL, tiêu biểu như kết nối, cung cấp thông tin công nghệ, thiết bị thuộc các lĩnh vực xử lý nước, y tế, nông nghiệp, chế biến lương thực thực phẩm cho Cần Thơ, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long… Qua đó, TP.HCM khẳng định vai trò là trung tâm KHCN của cả nước, sẵn sàng cung cấp các công nghệ mới, công nghệ nguồn cho các tỉnh, thành.
Một buổi kết nối chuyển giao công nghệ tại Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM
Ngoài ra, TP.HCM hiện đang phát triển dịch vụ cung cấp nền tảng Sàn giao dịch công nghệ dựa trên công nghệ điện toán đám mây, cung cấp không gian trên mạng phục vụ hoạt động KHCN&ĐMST trên nền dữ liệu dùng chung với các tính năng giới thiệu công nghệ, thiết bị; tư vấn chuyển giao công nghệ; tìm kiếm đối tác hợp tác nghiên cứu, kinh doanh. Nền tảng được thiết kế với các công cụ tiện ích cho phép các sàn thành viên được tự chủ mọi hoạt động giao dịch của mình đồng thời thiết kế, nội dung vẫn giữ được nét đặc trưng, khác biệt của từng đơn vị. Các sàn giao dịch công nghệ thành viên liên thông sử dụng và cập nhật dữ liệu trên nền tảng dùng chung hơn 10.000 công nghệ và thiết bị, 1.500 nhà cung ứng tạo nên nguồn dữ liệu phong phú, vận hành đơn giản và tiết kiệm chi phí.
Việc liên kết các sàn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy truyền thông, giới thiệu rộng rãi công nghệ và thiết bị đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tại các địa phương để khai thác và sử dụng; Tạo kênh thương mại hóa cho các đề tài đã được nghiệm thu của các, viện trường, trung tâm nghiên cứu của địa phương; Thiết lập mạng lưới trao đổi nhu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị… của các tỉnh thành với mục tiêu để thông tin các bên cung - cầu được quảng bá rộng rãi giúp tăng khả năng kết nối, chuyển giao công nghệ. Hiện nay, TP.HCM đã kết nối, hỗ trợ 2 địa phương khai trương SGDCN gồm SGDCN Bình Phước và Sàn giao dịch CN&TB trực tuyến Tây Ninh. TP.HCM cũng đang đẩy mạnh mở rộng kết nối với SGDCN các tỉnh thành lân cận và khu vực ĐBSCL.
Công tác xúc tiến chuyển giao công nghệ được tổ chức dưới các hình thức như Chợ công nghệ và thiết bị Thường xuyên - Techmart Daily, Techmart chuyên ngành, đa ngành được triển khai với nhiệm vụ hỗ trợ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ trưng bày, giới thiệu, chào bán các sản phẩm công nghệ đến doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đây là hoạt động mang tính trực quan, sinh động, thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng. Với xu thế chuyển đổi số, từ năm 2021, các kỳ Techmart chuyên ngành được Thành phố tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, giúp các doanh nghiệp, tổ chức và người dân Thành phố nói riêng và khu vực phía Nam nói chung tham quan, tìm kiếm giải pháp công nghệ một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, từ năm 2017, TP.HCM cũng chủ động vận động các doanh nghiệp công nghệ thường xuyên tham gia các sự kiện KHCN tại An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh… để giới thiệu nhiều sản phẩm công nghệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân ở địa phương ở những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ sinh học, chuyển đổi số trong sản xuất - phân phối,…
Chuyên gia tư vấn công nghệ theo yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã tại Techmart chuyên ngành
Trong giai đoạn vừa qua, TP.HCM luôn triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy hình thành hệ thống các tổ chức dịch vụ, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ; các tổ chức xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ. Hiện Thành phố có 240 tổ chức thực hiện các dịch vụ trung gian, bao gồm 1 SGDCN, 1 Trung tâm giao dịch công nghệ, 2 Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ/tổ chức tư vấn, chuyển giao công nghệ, 123 Trung tâm hỗ trợ thẩm định giá, 1 Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, 49 Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN và 63 tổ chức khác.
Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ luôn được chú trọng, góp phần tạo môi trường kinh doanh của Thành phố lành mạnh, thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Giai đoạn 2016 - 2020, số đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của các chủ thể trên địa bàn Thành phố là 91.242 đơn, chiếm 39% cả nước. Đồng thời, Thành phố cũng tập trung triển khai đào tạo sở hữu trí tuệ gắn với hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay với 80 lớp, thu hút 8.599 lượt người tham dự. Trong giai đoạn 2016-2020, số đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của các chủ thể trên địa bàn Thành phố là 91.242 đơn, chiếm 39% cả nước.
TP.HCM cũng hình thành và phát triển mô hình liên kết “Doanh nghiệp - Nhà nước -Viện, trường, Tổ chức nghiên cứu” trong hoạt động KHCN, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Điển hình như chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp thay thế nhập khẩu với chi phí thấp cho 05 lĩnh vực ưu tiên của thành phố gồm: chế biến thực phẩm, dệt may - da, nhựa - cao su, cơ khí nông nghiệp và cơ khí tiêu dùng. Các sản phẩm tiếp tục được chế tạo và chuyển giao trên 265 thiết bị, sản phẩm cho sản xuất có chất lượng tương đương với giá thành rẻ hơn từ 20% - 60% so với giá nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ ước tính gần 282,2 tỷ đồng, hiệu quả đầu tư tính trung bình ước đạt 7,02 lần. Trên 90% đề tài, dự án xuất phát từ yêu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao năng lực thiết kế, trình độ chế tạo của đội ngũ kỹ thuật của doanh nghiệp, kết hợp với đội ngũ KHCN tại các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học. Kết quả đã tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác ba bên, trong đó nhà nước đóng vai trò cầu nối trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Sự hợp tác liên kết là khâu đột phá rất quan trọng, nhằm phát huy năng lực của đội ngũ nhân lực KHCN, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn chung, thị trường KHCN TP.HCM và các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL đến nay đã có những chuyển biến tích cực, thu hút nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp sản xuất, tổ chức trung gian tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các doanh nghiệp sản xuất được tiếp cận dễ dàng với thông tin công nghệ và thiết bị thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, phương tiện truyền thông và các sự kiện xúc tiến kết nối cung - cầu, tạo động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ. Trong đó, SGDCN TP.HCM bước đầu làm tốt vai trò kết nối, thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động, trở thành địa chỉ đáng tin cậy để doanh nghiệp liên hệ tìm kiếm thông tin, giải pháp công nghệ - thiết bị và là môi trường thuận lợi kết nối các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức trung gian với doanh nghiệp sản xuất.
Hoàng Kim (CESTI)