SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM tổ chức Hội nghị chia sẻ các thách thức, vấn đề cần tìm giải pháp trong lĩnh vực phát triển bền vững

10-10-2024
Sáng ngày 10/10/2024, tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ (SIHUB) đã diễn ra Hội nghị chia sẻ các thách thức, vấn đề cần tìm giải pháp trong lĩnh vực phát triển bền vững. Hội nghị do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì và SIHUB là đơn vị thực hiện tổ chức, nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM - Ho Chi Minh of Green Innovation Contest (GIC 2024).

Theo Ban tổ chức, hiện nay chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với những thách thức về môi trường và phát triển bền vững. Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa các quy trình hoạt động, giảm thiểu chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả. Phát triển bền vững ngày nay được hiểu là việc đáp ứng nhu cầu mọi mặt của xã hội hiện tại nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển cho thế hệ tương lai thông qua việc tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Đặc biệt tại TP.HCM, nơi trung tâm chính trị - kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh sẽ thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế mới giúp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

10102024nl1.jpg

Hội nghị đã thu hút được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp có quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững tham dự

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, chúng ta nhắc rất nhiều về phát triển bền vững và chúng ta cũng nhắc rất nhiều về cái gọi là mục tiêu phát triển bền vững, viết tắt là SDGs. Thực chất đó là một khuôn khổ toàn diện, bao gồm 17 mục tiêu cụ thể của Liên Hợp Quốc để giải quyết những vấn đề mà các nước đang phải đối mặt. Trên thực tế đó là một quá trình phức tạp, khi mà chúng ta đòi hỏi phải có cả là 3 yếu tố là kinh tế, xã hội và môi trường. 

Một mình chúng ta thì không thể làm được. Đó phải là sự liên kết của rất nhiều tổ chức, đơn vị từ Nhà nước, doanh nghiệp cho đến tổ chức xã hội và kể cả người dân. Thông qua Hội nghị chúng tôi muốn truyền tải ba nội dung, thông qua ba bài tham luận. Thứ nhất, những gì chúng ta phải đối mặt khi tham gia vào quá trình phát triễn bền vững, những giá trị cốt lõi, những thách thức thật sự đó là gì? Thứ hai, việc đóng góp của khoa học công nghệ trong những lĩnh vực mà phát triển bền vững yêu cầu để chúng ta sẽ thấy một bức tranh tổng quan chung cũng như sự gắn kết rất là rõ ràng và cụ thể về khoa học công nghệ, việc ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo sẽ giải quyết những vấn đề của phát triển bền vững như thế nào và cuối cùng đó là các chính sách của Nhà nước mà chúng tôi muốn chia sẻ ở đây, một trong số đó là những nhóm chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cuộc thi Green Innovation Contest 2024. Trong buổi Hội nghị này, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, hiến kế cũng như là đề xuất của tất cả các quý vị đại biểu cũng như là các chuyên gia và mục tiêu cuối cùng là giải quyết được một số câu chuyện thực sự mà Thành phố đang phải đối mặt và làm thế nào để những chính sách của Nhà nước thật sự hiệu quả, có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Thành phố cũng như là trong các lĩnh vực phát triển bền vững mà TP.HCM đang hướng tới”, bà Phan Thị Quý Trúc kỳ vọng.

10102024nl2.jpg

Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, chia sẻ về thực trạng và thách thức trong lĩnh vực phát triển bền vững, TS. Trần Thanh Tâm - Phó Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường nhận định, sự biến đổi ngày nay đã tạo nên những thách thức lớn tới Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trên hành trình phát triển bền vững như: Ô nhiễm môi trường; Biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Khai thác tài nguyên thiếu bền vững; Quá tải cơ sở hạ tầng và giao thông; Ý thức cộng đồng và trách nhiệm doanh nghiệp; Chênh lệch kinh tế xã hội; Phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; Chuyển đổi năng lượng sạch vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản; Sự kết hợp giữa khoa học và công nghệ, sáng tạo vào phát triển bền vững chưa khai thác hết tiềm năng… Trong đó, thách thức cần giải quyết của TP.HCM là ô nhiễm môi trường vì không khí, nước, đất bị ô nhiễm nặng nề do hoạt động công nghiệp, giao thông và sinh hoạt; ùn tắc giao thông do hệ thống giao thông không đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân; ngập lụt là vấn đề ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất; chuyển đổi số vì quá trình chuyển đổi số còn chậm so với các quốc gia trong khu vực; bất bình đẳng xã hội do khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, nhiều người dân vẫn còn gặp khó khăn trong cuộc sống; việc quản lý đô thị còn nhiều bất cập, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa…

10102024nl3.jpg

TS. Trần Thanh Tâm - Phó Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường chia sẻ tham luận tại Hội nghị

TS. Trần Thanh Tâm đề xuất một số giải pháp cho phát triển bền vững gồm: (1) Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Từ tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên sang tăng trưởng xanh, bền vững; (2)  Đầu tư vào hạ tầng: Nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, xử lý nước thải, rác thải; (3) Phát triển đô thị thông minh: Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý đô thị, tạo thuận lợi cho người dân; (4) Phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại; (5) Phát triển kinh tế xanh: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sạch, thân thiện môi trường; (6) Cải thiện môi trường sống: Tăng cường không gian xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; (7) Xây dựng cộng đồng: Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển đô thị.

Tham luận về công nghệ của các ngành phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, ông Tôn Thất Hạc Minh - Tư vấn trưởng Dịch vụ phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh BYECO2 chia sẻ, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số là quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai, đồng thời tận dụng tối đa các công nghệ số. Định nghĩa mở rộng này nhấn mạnh vai trò của công nghệ số như một động lực chính thúc đẩy phát triển bền vững, tạo ra một xã hội công bằng, hiệu quả và bền vững. Các yếu tố chính bao gồm tính kết nối chặt chẽ giữa kinh tế, xã hội và môi trường; khả năng thích ứng với công nghệ mới và thách thức mới; và tính bao trùm đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

10102024NL4.jpg

Ông Tôn Thất Hạc Minh - Tư vấn trưởng Dịch vụ phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh BYECO2 chia sẻ tại Hội nghị

Ông Tôn Thất Hạc Minh cũng nêu, có rất nhiều thách thức khi ứng dụng công nghệ vào phát triển bền vững như chi phí đầu tư lớn vì xây dựng và nâng cấp hạ tầng công nghệ, mua sắm thiết bị và bảo trì hệ thống đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn. Thứ hai, thiếu hụt nguồn nhân lực, các chuyên gia có kỹ năng cao về công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cũng như khó khăn trong việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên. Thứ ba, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin do rủi ro rò rỉ dữ liệu cá nhân, bí quyết công nghệ và tấn công mạng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân và tổ chức. Ngoài ra, còn khó khăn trong tích hợp và liên kết dữ liệu khi không tương thích về chuẩn do các hệ thống công nghệ khác nhau có thể sử dụng các chuẩn và định dạng dữ liệu khác nhau. Mặt khác, các dữ liệu thu thập có thể không đầy đủ, không chính xác hoặc không đồng bộ và một số người có thể kháng cự việc thay đổi các thói quen và phương thức làm việc truyền thống cũng như văn hóa tổ chức chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi số có thể cản trở quá trình áp dụng công nghệ mới…

“Vậy giải pháp là phải: Đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân viên; Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; Đảm bảo an toàn thông tin, đầu tư vào các hệ thống bảo mật và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho người dùng; Xây dựng các tiêu chuẩn và quy định về dữ liệu, bảo mật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu… Phát triển bền vững không thể thành tựu bởi những nỗ lực đơn lẻ mà bằng sự hợp tác và đồng sáng tạo”, ông Tôn Thất Hạc Minh chia sẻ.

10102024NL5.jpg

Tại Hội nghị các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện các hệ sinh thái khởi nghiệp đã cùng chia sẻ và thảo luận những nội dung về sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh trong thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế mới nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa TP.HCM đạt mục tiêu trong cam kết Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Cùng với đó là các nội dung xoay quanh cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM - Ho Chi Minh of Green Innovation Contest (GIC 2024)...

Cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM - Ho Chi Minh of Green Innovation Contest (GIC 2024)” là cuộc thi do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức với mục tiêu tìm kiếm, hỗ trợ các dự án sáng tạo có giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, phát triển xanh có ứng dụng đổi mới sáng tạo. Cuộc thi được kỳ vọng sẽ là nơi cung cấp một môi trường ươm tạo thuận lợi cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đầy sáng tạo, đầy tâm huyết có thể phát triển. Thông qua đó giúp TP.HCM “xanh” hơn về mọi mặt. Tham gia cuộc thi, các dự án không chỉ gặp gỡ chuyên gia để hoàn thiện mô hình kinh doanh mà còn có cơ hội gặp gỡ các đơn vị chức năng chuyên môn, nhằm khơi gợi bài toán đặt hàng phù hợp với các chính sách của Thành phố. Bên cạnh đó các dự án cũng có cơ hội nhận gói ươm tạo từ 40 triệu đến 400 triệu đồng của Nghị quyết 20 dành riêng cho các dự án tham gia cuộc thi. Hiện cuộc thi đã nhận được sự đồng hành của các đơn vị gồm: Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, New Energy Nexus, BambuUp, Swiss EP và  Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh BYECO2…

Nhật Linh (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537358