SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TPHCM: Xây dựng, kết hợp chính sách phát triển du lịch hướng đến cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số

12-09-2022

Nét đẹp văn hóa đa dạng, độc đáo của đồng bào và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng chính là ưu điểm trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. 

Ở TPHCM hiện nay, cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã sinh sống lâu đời, hình thành những khu vực cư trú tập trung của mỗi cộng đồng, để lại nhiều dấu ấn sắc nét về lịch sử, dân số, kinh tế, xã hội và văn hóa, góp phần tạo nên diện mạo của một thành phố văn minh, hiện đại, đa dân tộc, đa tôn giáo và đa dạng sắc thái văn hóa. Đặc điểm cư trú tập trung thành cộng đồng trên địa bàn dân cư của các tộc người này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cố kết cộng đồng dân tộc như cộng đồng tôn giáo Hồi giáo (Islam) của người Chăm, Phật giáo Nam tông của người Khmer hay tín ngưỡng thờ nhân thần của người Hoa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, tâm lý truyền thống của mỗi dân tộc. Đồng thời, trong điều kiện cư trú tập trung của các DTTS trong trường hợp người Hoa, người Chăm và người Khmer cũng tạo thuận lợi cho việc thực thi chính sách dân tộc, thực hiện công tác dân tộc trong các DTTS.

Trong giai đoạn 2010 – 2020, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đặc thù cho TPHCM. Các chính sách này đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc và có kết quả trên thực tế. Nhờ đó, Thành phố tiếp tục phát huy vai trò là một trong hai đô thị đặc biệt của cả nước, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế động lực của các tỉnh phía Nam. Đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên, trong đó có đồng bào DTTS. Đa số người dân trong cộng đồng DTTS đều được Thành phố quan tâm về tinh thần, vật chất để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ nhận thức, văn hóa của mỗi cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, cùng với những diễn biến bất thường về sự biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng, tác động của dịch bệnh… đang ảnh hưởng mạnh đến quá trình phát triển và đời sống các DTTS ở TPHCM.

bdt1

Ban Dân tộc TPHCM bàn giao nhà tình thương cho đồng bào DTTS ở Quận 11.

Từ kết quả đánh giá tác động của các chính sách về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh chính trị, môi trường đến đời sống các DTTS ở TPHCM, bà Nguyễn Thị Thanh Nga - chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu kết quả thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2020 và đề xuất chính sách phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035” nhận định: “TPHCM cần thiết lập hệ quan điểm cơ bản và đề xuất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần các DTTS ở Thành phố trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập và tăng tốc phát triển, phát triển nhanh và phát triển bền vững”.

Thực tế cho thấy, các DTTS trong trường hợp người Hoa, người Chăm và người Khmer ở TPHCM hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển. Trình độ học vấn và mặt bằng dân trí đồng bào nhìn chung còn thấp hơn so với trình độ học vấn và mặt bằng dân trí chung của cư dân Thành phố. Điều kiện chăm sóc sức khoẻ, cải thiện và bảo vệ môi trường còn kém, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Cộng đồng người Hoa với truyền thống buôn bán, kinh doanh lâu đời thường có mức sống tốt hơn.

Trong khi đó, đời sống cộng đồng người Khmer và người Chăm còn bấp bênh, thu nhập thấp do nguồn thu chủ yếu là từ buôn bán nhỏ (Chăm) và làm thuê, làm mướn (Khmer) theo tập quán truyền thống của mỗi dân tộc.

Mặc dù người Hoa, người Chăm và người Khmer có dân số trẻ, nhất là đối với lao động nhập cư và lực lượng lao động khá dồi dào, cũng được Thành phố tạo điều kiện để cải thiện trình độ lao động thông qua nâng cao giáo dục và đào tạo nghề nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Nhiều lao động được đào tạo nhưng không có việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Việc kết nối đào tạo nghề với giải quyết việc làm chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, nhiều người chỉ có thể tìm được việc lao động phổ thông, lao động tự do, bán thời gian. Tỷ lệ người thiếu việc làm hoặc không có việc làm vẫn ở mức cao, dù trong gia đình số lượng người trong độ tuổi lao động ở mỗi gia đình là nhiều (từ 2 đến trên 4 người). 

bdt2

Hội quán người Hoa tổ chức đấu giá lồng đèn để gây quỹ chăm lo đồng bào có hoàn cảnh khó khăn

Mặt khác, sự thay đổi của cơ cấu kinh tế cũng như sự phát triển kinh tế không đồng đều ở các tỉnh thành thuộc khu vực Tây Nam Bộ dẫn đến hiện tượng một lực lượng lớn thanh niên người Khmer đã di cư từ các tỉnh ở Tây Nam Bộ vào TPHCM để tìm kiếm sinh kế. Chính những dòng chảy di cư như trên đặt ra nhiều thách thức cho việc đưa ra các chính sách quản lý và hỗ trợ vấn đề về di cư. Đó là những thách thức lớn đối với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao trong các DTTS, đáp ứng yêu cầu thu hút lao động DTTS làm việc trong các thành phần kinh tế, tham gia các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, an toàn sinh kế, an sinh xã hội. 

bdt5

Cán bộ, hội viên phụ nữ Chăm Islam TPHCM tích cực, nỗ lực tham gia các phong trào, công tác an sinh xã hội

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, điểm mạnh trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào DTTS ở TPHCM là vô cùng đa dạng và phong phú. Nhiều công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa, Chăm, Khmer đóng vai trò đặc biệt trong việc giữ vững cấu trúc cộng đồng dân tộc và lưu giữ, cũng như truyền tải giá trị văn hóa bên trong cộng đồng và ra bên ngoài. Tuy nhiên, Thành phố chưa có nhiều chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, các giá trị giải trí tinh thần, các phong tục tập quán, nghệ thuật, ẩm thực đặc trưng của đồng bào DTTS trên địa bàn Thành phố. Chính điều này đặt ra những thách thức trong chính sách phát triển văn hóa và du lịch của TPHCM trong việc tận dụng các nguồn lực văn hóa này. 

bdt3

Hoạt động tết của đồng bào Khmer

Vì thế, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã kiến nghị TPHCM thực hiện việc phát triển du lịch kết hợp với văn hóa du lịch tâm linh của dân tộc Chăm, Hoa, Khmer, hướng đến việc vừa phát triển văn hóa, đồng thời cũng vừa phát triển kinh tế cho cộng đồng. Văn hóa phải gắn với việc phát triển về mặt sinh kế và trong các hoạt động du lịch từ phía cộng đồng. 

Trong đó, xây dựng các chính sách trong việc phát triển du lịch gắn với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng Hoa, Chăm, Khmer nhằm mục đích cải thiện sinh kế của cộng đồng thông qua du lịch. Nhiều nghề truyền thống của các cộng đồng đang dần bị mai một, việc xây dựng các chính sách đầu tư giáo dục phát triển nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp du lịch. Không gian văn hóa công cộng cũng nên được quan tâm, chăm sóc và phát triển để trở thành cầu nối trong việc giao lưu, phát triển văn hóa và cố kết các dân tộc với nhau. Từ đó, hướng đến điều hòa các mối quan hệ dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội và an ninh – quốc phòng. 

bdt4

Một buổi đại lễ tại chùa Pothiwong (quận Tân Bình)

Bên cạnh đó, nhóm thực hiện còn đề xuất Thành phố kiến tạo Trung tâm phát triển cộng đồng để làm nơi kết nối, thông tin các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng. Nơi đây cũng là nơi kết nối giao lưu văn hóa của cộng đồng với nhau. 

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ và nâng cao giáo dục cho cộng đồng Chăm, Hoa, Khmer cũng cần gắn liền với với chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ người trong các nhóm dân tộc để hướng đến sự đa dạng và đại đoàn kết dân tộc, thấu hiểu vấn đề bên trong của cộng đồng hơn, nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu quả trong công tác dân tộc. Từ đó, phát huy vai trò công tác vận động nhân dân của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc; kịp thời phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến ở các lĩnh vực trong đồng bào các dân tộc.

Thông tin liên hệ:
Ban Dân tộc TPHCM
Địa chỉ: 108 Ngô Quyền, Phường 8, Quận 5, TPHCM
Điện thoại: (028) 38552202

Website: http://bandantoc.hochiminhcity.gov.vn/


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378