TP.HCM xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H-OIP
25-03-2022H-OIP được định hướng làm nền tảng để các tổ chức ươm tạo, vườn ươm tạo dựng hình ảnh, phát huy thế mạnh và tăng cường sự hợp tác với nhau trong hoạt động ươm tạo, hỗ trợ cho startup
H-OIP (Ho Chi Minh Open Innovation Platform) được ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) công bố tại “Hội nghị Các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022” (diễn ra vào ngày 24/3/2022).
Thực tế cho thấy, các mô hình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công đều dựa trên sự hợp tác và chia sẻ. Do đó, Sở đã triển khai ý tưởng xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H-OIP.
Theo đó, với phương châm “mỗi cơ sở ươm tạo là 1 khách hàng của H-OIP”, các cơ sở ươm tạo có thể liên hệ với nhóm thực hiện H-OIP hoặc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để gửi các yêu cầu hoặc ý kiến đóng góp, phát triển.
Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều startup phải tạm dừng hoạt động trong năm 2021, thu hẹp quy mô, cắt bớt nhân sự và tối ưu hóa các chi phí. Các hoạt động ươm tạo và tăng tốc bị gián đoạn, các cơ sở ươm tạo phải thay đổi cách thức hoạt động và kế hoạch hỗ trợ ươm tạo hầu hết đều phải chuyển sang hình thức online. Trong thời điểm dịch bệnh gần như toàn bộ các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM đều được thực hiện trên các nền tảng online. Có thể thấy rằng, Covid-19 là một bộ lọc hoàn hảo và là bệ phóng cho các startup có khả năng ứng dụng công nghệ trong hoạt động.
Nhưng không vì dịch bệnh mà hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP.HCM lùi bước. Năm 2021 vẫn được đánh giá là một năm hoạt động tích cực của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố. TP.HCM xếp thứ 179 trong Top 200 Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp KH&CN đứng đầu cả nước với 108 doanh nghiệp. Đặc biệt, TP.HCM có 39/63 thương vụ startup với số vốn gọi được là hơn 837 triệu USD (chiếm 50% số vốn ở cả nước). Một số tập đoàn truyền thống về dệt may, da giày, bất động sản, đồ dùng học tập cũng bắt đầu quan tâm đến startup…
Trong năm, Sở đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị thực hiện 09 khóa huấn luyện kiến thức kỹ năng về ĐMST, khởi nghiệp cho hơn 200 doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, nâng cao năng lực, hỗ trợ ươm tạo và kết nối mạng lưới khởi nghiệp. Về chương trình Speedup, có 2 dự án được nhà đầu tư mua lại định giá tăng 1,1-1,5 lần và đã trả lại kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Có 3 dự án đã có lợi nhuận và nộp một phần lợi nhuận của dự án cho nhà nước. Đồng thời, có 6 dự án huy động được từ các Quỹ đầu tư gấp 7,5 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của Chương trình. Hiện nay, Chương trình Speedup đang hỗ trợ cho 61 dự án, Tổng giá trị định giá của 61 dự án khoảng 29,9 triệu USD, phần kinh phí nhà nước hỗ trợ vào khoảng 1,84 triệu USD (6,1%).
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng cũng công bố Bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm theo mô hình vườn ươm quốc tế, gồm 26 tiêu chí đánh giá về hạ tầng cơ sở, hoạt động và dịch vụ, quản lý vận hành, hiệu quả đầu ra. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ hỗ trợ các cơ sở ươm tạo đưa vào vận dụng, tăng hiệu quả hoạt động hỗ trợ startup.
Ông Nguyễn Việt Dũng còn cho biết thêm, ngoài hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vẫn thực hiện hỗ trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ giúp giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội như quản trị khu vực công, giáo dục và y tế.
Hoàng Kim (CESTI)