SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM xây dựng tiêu chí đánh giá các tổ chức khoa học và công nghệ để thúc đẩy hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế

04-04-2025
Chiều 02/4, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN "Khảo sát, đánh giá các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên địa bàn Thành phố nhằm thúc đẩy hình thành các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế".

Nhiệm vụ do Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng chủ trì thực hiện, ThS. Phạm Tiến Dũng làm chủ nhiệm.

Theo nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh KH&CN phát triển nhanh chóng, TP.HCM cần tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực nghiên cứu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng đang tập trung cho mục tiêu hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, xây dựng trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (Đề án CoE) nhằm nâng cao vị thế KH&CN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững.

Thực tiễn cho thấy, việc thiết lập các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế sẽ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư, và tạo ra các giải pháp khoa học công nghệ có giá trị, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố và quốc gia. Để thực hiện mục tiêu này, cần có một bộ chỉ tiêu đánh giá cụ thể và khoa học, dựa trên các quy định của văn bản pháp luật hiện hành và có tham khảo, vận dụng theo các tiêu chí ở một số quốc gia trên thế giới cũng như thực tiễn tại TP.HCM.

02LVKQNCNTDTdanhgiatochucKHCNh2.jpg

Do vậy, nhiệm vụ này tập trung vào các mục tiêu cụ thể như: khảo sát về năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn Thành phố; đánh giá thực trạng các tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn Thành phố về năng lực nghiên cứu (nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất…), kinh nghiệm quản lý, điều hành thực hiện nghiên cứu; xây dựng các bộ chỉ tiêu đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo từng nhóm lĩnh vực ưu tiên tại Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND; đề xuất danh sách các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo từng nhóm lĩnh vực ưu tiên có khả năng phát triển đạt chuẩn quốc tế.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 43/72 tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn Thành phố; các bộ chỉ tiêu đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên tại Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND và Quyết định số 5721/QĐ-UBND.

Cụ thể, nhóm 1: lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ Internet kết nối vạn vật; công nghệ dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt; Robotics, công nghệ tự động hóa; công nghệ in 3D tiên tiến. Nhóm 2: lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ lai tạo, sản xuất giống trong nông nghiệp; công nghệ thế hệ mới trong xử lý, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; công nghệ tế bào gốc; công nghệ vi sinh thế hệ mới; công nghệ dược; công nghệ sản xuất thiết bị, vật liệu kháng khuẩn, kháng virus sử dụng trong y tế; công nghệ dược phẩm, vật liệu y sinh, bộ phận giả, thiết bị y tế kỹ thuật cao. Nhóm 3: lĩnh vực vật liệu nano; vật liệu cho chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và cảm biến thông minh; vật liệu bán dẫn, quang điện tử và quang tử, vật liệu in 3D tiên tiến; vật liệu y sinh học. Nhóm 4: lĩnh vực nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ phát triển Thành phố.

Theo đó, đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc 4 nhóm lĩnh vực nêu trên. Bộ tiêu chí gồm các nhóm tiêu chí chung và nhóm tiêu chí đặc thù, trong đó, các nhóm tiêu chí chung: (1) Nguồn nhân lực; (2) Nguồn lực tài chính; (3) Nguồn lực cơ sở vật chất; (4) Các bài báo, dự án được công bố (trong nước và quốc tế); (5) Hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; (6) Hợp đồng hợp tác nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; (7) Chương trình, dự án khoa học và công nghệ; (8) Năng lực lãnh đạo, phương pháp quản trị tổ chức và hiệu quả hoạt động của tổ chức, đáp ứng mục tiêu phát triển của tổ chức. Nhóm tiêu chí đặc thù (đối với lĩnh vực 1, 2, 3): các bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, văn bằng bảo hộ (giống cây trồng hoặc thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn); nhóm tiêu chí đặc thù cho lĩnh vực 4: chất lượng cơ chế, chính sách phục vụ phát triển Thành phố (đối với các tổ chức thuộc lĩnh vực nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ phát triển Thành phố) tăng đáng kể thông qua hiệu quả ứng dụng.

ThS. Phạm Tiến Dũng cho biết, việc thiết lập bộ chỉ tiêu này giúp xác định các tổ chức có tiềm năng trở thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, từ đó hướng dẫn việc phát triển chiến lược và kế hoạch cụ thể cho các tổ chức. Bằng cách đề xuất danh sách các tổ chức theo từng nhóm lĩnh vực ưu tiên, có thể đảm bảo rằng nguồn lực được tập trung phát triển một cách có chọn lọc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc hình thành các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố và quốc gia trong tương lai. Bộ tiêu chí cũng giúp đánh giá và quản lý có hiệu quả các tổ chức KH&CN, làm cơ sở xác định nội dung hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN công lập khi tham gia Đề án CoE. Đồng thời, làm công cụ quan trọng để Thành phố làm cơ sở đánh giá hiệu quả triển khai Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND.

02LVKQNCNTDTdanhgiatochucKHCNh3.jpg

Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ tại Sở KH&CN TP.HCM chiều 02/4/2025

Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ cho thấy, hệ thống tổ chức KH&CN công lập đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, và chuyển giao tri thức, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều thách thức trong việc khai thác tiềm lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính ứng dụng thực tiễn.

Về tiềm lực khoa học và công nghệ, TP.HCM sở hữu một hệ thống tổ chức KH&CN công lập đa dạng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng và mức độ phát triển giữa các đơn vị không đồng đều. Một số viện nghiên cứu và trung tâm KH&CN đã xây dựng được đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu quan trọng, trong khi một số tổ chức vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài. Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đã có sự cải thiện, song vẫn còn tình trạng thiếu hụt trang thiết bị hiện đại tại nhiều tổ chức, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế.

Về hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng, mặc dù số lượng công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế đã có sự gia tăng, nhưng mức độ thương mại hóa và chuyển giao công nghệ của các tổ chức KH&CN công lập vẫn chưa đạt kỳ vọng. Hoạt động hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp còn rời rạc, dẫn đến nhiều kết quả nghiên cứu chưa được khai thác hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và kinh doanh. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, trong khi sự kết nối giữa nghiên cứu khoa học với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế.

Về năng lực quản lý và triển khai chính sách, mô hình quản trị tại nhiều tổ chức KH&CN công lập vẫn còn mang nặng tính hành chính, thiếu tính linh hoạt và chưa thực sự theo kịp xu thế hiện đại. Cơ chế tài chính chưa tạo đủ động lực để khuyến khích đổi mới sáng tạo, khi phần lớn tổ chức vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, trong khi các kênh huy động vốn từ khu vực tư nhân còn chưa được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, dù TP.HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ KH&CN, nhưng việc triển khai chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để thúc đẩy các tổ chức KH&CN phát triển một cách bền vững và tự chủ.

Dựa trên kết quả đánh giá, nhóm nghiên cứu đã đưa ra danh sách xếp hạng các tổ chức KH&CN công lập có khả năng đạt chuẩn CoE theo nhóm lĩnh vực ưu tiên và mức độ đáp ứng các tiêu chí về năng lực nghiên cứu, quản lý, chuyển giao công nghệ và hiệu quả hoạt động. Đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, từ việc hoàn thiện khung chính sách và cơ chế quản lý trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đổi mới cơ chế tài chính, đến đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Mục tiêu không chỉ là cải thiện hiệu quả hoạt động của từng tổ chức riêng lẻ, mà còn hướng đến xây dựng một hệ sinh thái KH&CN bền vững, góp phần đưa TP.HCM trở thành trung tâm KH&CN hàng đầu khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378