Điều trị tuỷ răng vĩnh viễn chưa đóng chóp bằng fibrin giàu tiểu cầu kết hợp MTA
21-05-2024Quy trình điều trị có thể được ứng dụng tại tuyến điều trị cơ sở với chi phí không quá cao và mang lại hiệu quả điều trị rất tốt.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Đánh giá kết quả điều trị tuỷ răng vĩnh viễn chưa đóng chóp bằng fibrin giàu tiểu cầu kết hợp MTA”. Đây là nhiệm vụ do Đại học Y Dược TP.HCM chủ trì thực hiện, PGS.TS. Phạm Văn Khoa làm chủ nhiệm.
Trong điều kiện bình thường, sau khi một răng xuất hiện trong khoang miệng, cần một đến bốn năm để chân răng tiếp tục phát triển và đóng chóp. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này vì một lý do nào đó, tuỷ răng bị hoại tử do các nguyên nhân chấn thương, bất thường cấu trúc răng, sâu răng, thì chân răng sẽ ngừng phát triển dẫn đến bất thường về hình thể ở vùng chóp răng. Ở Việt Nam, cho đến nay các nghiên cứu lâm sàng về điều trị răng tổn thương quanh chóp, sử dụng kết hợp vật liệu MTA (mineral trioxide aggregate) và PRF (fibrin giàu tiểu cầu) trong phương pháp tạo nút chặn chóp còn hạn chế. Nhóm thực hiện nhiệm vụ đã triển khai nhiệm vụ trên bệnh nhân có răng vĩnh viễn một chân chưa đóng chóp có tuỷ hoại tử hoặc có bệnh lý vùng quanh chóp được điều trị nội nha. Cụ thể là nhóm tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng, so sánh hiệu quả điều trị của phương pháp tạo nút chặn chóp khi có và không dùng PRF.
Theo đại diện nhóm thực hiện, việc sử dụng sợi huyết giàu tiểu cầu PRF kết hợp MTA trong điều trị nội nha răng vĩnh viễn có lỗ chóp mở rộng có khả năng ứng dụng và mở rộng trong thực hành lâm sàng vì PRF là một sản phẩm tự thân, tính tương hợp sinh học rất cao, hạn chế nguy cơ gây dị ứng so với sử dụng các chế phẩm nhân tạo, quá trình trích xuất PRF tương đối dễ thực hiện, quy trình tạo và thu thập PRF trong thời gian ngắn. Thiết bị máy móc quay li tâm tạo PRF theo đúng quy trình chuẩn không quá đắt tiền, có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong y học nói chung và nha khoa nói riêng. Đồng thời, kết hợp PRF và MTA cho kết quả lành thương rất tốt, khỏi hoàn toàn các triệu chứng lâm sàng sưng, đau cho bệnh nhân cũng như giảm kích thước các sang thương quanh chóp, tạo sự phát triển tiếp tục của chân răng và kích thích đóng chóp trong một thời gian ngắn, hiệu quả điều trị cao. Hơn thế, Quy trình điều trị có thể được ứng dụng tại tuyến điều trị cơ sở với chi phí không quá cao và mang lại hiệu quả điều trị rất tốt.
Từ kết quả của nhiệm vụ, nhóm thực hiện kiến nghị ứng dụng quy trình kỹ thuật sử dụng sợi huyết giàu tiểu cầu PRF kết hợp MTA trong điều trị nội nha răng vĩnh viễn có lỗ chóp mở rộng tại các bệnh viện và phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt. Đồng thời, đưa quy trình kỹ thuật sử dụng sợi huyết giàu tiểu cầu PRF kết hợp MTA trong điều trị nội nha răng vĩnh viễn có lỗ chóp mở rộng vào chương trình giảng dạy đại học tại các cơ sở đào tạo bác sĩ răng hàm mặt.
Hoàng Kim (CESTI)