SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Hoạt động đo lường hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển

18-01-2021

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đo lường phải tiếp tục thay đổi tư duy và cách làm để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển và phục vụ nhân dân.

Sáng 15/1, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hội Đo lường Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Ngày đo lường Việt Nam (20/1/2021).
 
9661
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: MH
 
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh quốc phòng... Đo lường thống nhất và chính xác là công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế và góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân, cũng như phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
 
Vì vậy, ngay từ những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 08/SL ngày 20/1/1950, thống nhất đo lường của nước ta theo hệ Mét - hệ đơn vị đo lường khoa học và tiên tiến trên thế giới. Cũng từ ý nghĩa trên, cách đây 20 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 155/2001/QĐ-TT lấy ngày 20/1 hằng năm là ngày đo lường Việt Nam.
 
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã trình Quốc hội thông qua 3 bộ luật quan trọng, bao gồm Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, và Luật Đo lường. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, hoạt động đo lường của nước ta vẫn có những thành tựu trong việc phục vụ sản xuất, kinh doanh, và kinh tế - xã hội. “Nổi bật trong đó là việc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp và hỗ trợ tập đoàn Vingroup sản xuất các máy thở để sẵn sàng ứng phó với đại dịch Covid-19”, Thứ trưởng nêu ví dụ.
 
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đo lường nói riêng cần tiếp tục thay đổi cách tiếp cận, tư duy, cách làm để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp phát triển và phục vụ nhân dân.
 
Bởi vậy, ông đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các Sở KH&CN, các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượngđịa phương cần tăng cường quản lý nhà nước về đo lường nói chung và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ ngành như đo đạc bản đồ, khí tượng thủy văn, quan trắc môi trường,… nói riêng. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung và nhiệm vụ của quyết định số 996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
9662
Trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đo lường cho những cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của hoạt động đo lường trong nhiều năm qua. Ảnh: MH
Cũng tại buổi lễ, ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - nhấn mạnh đến vấn đề nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia. “Hiện nay, hạ tầng chất lượng quốc gia của nước ta đang đứng thứ 3 ở ASEAN. Hạ tầng này gồm 3 phần: tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp và đo lường. Trong đó, phần tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp của Việt Nam có thể ngang tầm Malaysia, nhưng phần đo lường đang còn yếu”, ông nói. “Bởi vậy, phần đo lường phải được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.”
 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378