Khơi dậy nguồn lực trí tuệ
04-11-2019Các nhà khoa học cần đóng góp nhiều hơn nữa trong xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đất nước, trực tiếp nhất là những cơ chế, chính sách để phát triển khoa học công nghệ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong các nhà khoa học sẽ đóng góp nhiều hơn nữa trong xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đất nước, trực tiếp nhất là những cơ chế, chính sách để phát triển khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019 vào ngày 2/11, tại Hà Nội.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta cần đổi mới tư duy để khuyến khích phát triển khoa học công nghệ bằng ưu đãi kinh tế, vật chất, tôn vinh về mặt tinh thần.
"Cơ chế quản lý kinh phí khoa học thay vì tìm cách bịt mọi lỗ hổng để tránh thất thoát thì khơi dậy, cổ vũ các nhà khoa học, bằng lòng tự trọng của người trí thức, sẽ sử dụng nguồn kinh phí đó một cách hiệu quả nhất, có trách nhiệm trước nhân dân, đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại lễ tôn vinh các trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019, vừa diễn ra vào sáng ngày 2/11.
Đây là sự kiện do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Năm nay, có 112 trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu được Liên hiệp hội tôn vinh. Đây đều là các cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương; có sáng kiến được cơ quan có thẩm quyền công nhận, có đề tài khoa học công nghệ được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ cho 7 trí thức tiêu biểu
Các trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu nhận biểu trưng và Bằng khen của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ liên quan rà lại tổng thế chính sách quản lý kinh phí khoa học. Liên hiệp hội cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần trực tiếp tham gia xây dựng khung chính sách quản lý khoa học, công nghệ theo tư duy mới.
Phó Thủ tướng mong muốn Liên hiệp hội tiếp tục huy động, thu hút thêm các trí thức, nhà khoa học tham gia, để “thực sự thành đội ngũ trí thức cách mạng, có vai trò quyết định đối với việc tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Các cấp uỷ đảng, chính quyền cũng cần quan tâm thực sự đến vấn đề này.
“Kinh nghiệm thực tế cho thấy ở địa phương nào mà cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm thực sự đến khoa học, công nghệ, bố trí nhân lực, tài lực và thời gian chỉ đạo thì quy tụ được nhiều trí thức, nhà khoa học hơn”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Phó Thủ tướng tin tưởng với sự đồng tâm nhất trí của đội ngũ trí thức, sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước trong thời gian tới chắc chắn sẽ được tăng cường, có những tiến bộ thực chất, góp phần đưa đất nước nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam không chỉ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học, công nghệ mà còn là những tấm gương sáng của những trí thức yêu nước, góp phần đóng góp, lan toả những giá trị tốt đẹp trong xã hội, đẩy lùi những tác động xấu của cơ chế kinh tế thị trường. Để những giá trị tốt đẹp nhất của đất nước, dân tộc được phát huy, để thực sự Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn”, Phó Thủ tướng nói.
Được biết, trong số 112 trí thức tiêu biểu được vinh danh đợt này, có 62 trí thức thuộc các liên hiệp hội địa phương, 50 trí thức thuộc các hội ngành toàn quốc; 65 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ và tương đương trở lên; 31 người có học vị thạc sĩ, 16 người có học vị cử nhân và tương đương.
Nhiều trí thức có thành tích đặc biệt nổi bật như: Bà Nguyễn Thị Thanh Bình (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định) đã triển khai nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, du lịch, cải tiến dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, xóa đói giảm nghèo...; ông Vũ Văn Bằng (Hội Môi trường giao thông vận tải Việt Nam) đã có những công trình khoa học nghiên cứu độc lập như công trình khảo sát, đánh giá tình hình động đất và độ ổn của đập thủy điện Sông Tranh 2; bà Nguyễn Thu Nhạn (Tổng hội Y học Việt Nam) đã hoàn thành xuất sắc đề tài cấp Nhà nước về mô hình bệnh tật và thực trạng sức khỏe trẻ em sau 25 năm chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình trong cả nước và biện pháp khắc phục, Chủ nhiệm dự án sàng lọc sơ sinh do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế tài trợ, tìm ra tỷ lệ mắc bệnh thiểu năng giáp ở Việt Nam…