SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ba dự án giàu tính ứng dụng giành giải Nhất AIoT & Smart Cities

14-10-2019

Các dự án này đều sử dụng công nghệ IoT và AI ứng dụng vào lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, quảng cáo và chăm sóc sức khỏe.

 

Vòng chung kết cuộc thi AIoT & Smart Cities với chủ đề “Thông minh hơn cho cuộc sống tốt hơn” vừa chính thức khép lại vào chiều tối ngày 11/10 với 3 nhóm dự án đoạt giải Nhất ở 3 bảng thi. Cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức bởi Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, dưới sự bảo trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

ckiot

Đại diện dự án Digi Ads nhận giải Nhất bảng 3 của cuộc thi. Ảnh: Hà Thế An.

Cuộc thi nhằm tìm kiếm các giải pháp công nghệ sử dụng IoT (internet of things) và AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Ba dự án ứng dụng đã xuất sắc vượt qua 8 dự án còn lại ở vòng chung kết để giành giải thưởng cao nhất cuộc thi.

Nguyễn Bách Việt, trưởng dự án Digi Ads (giải Nhất bảng 3) cho biết, sản phẩm này sử dụng AI để phân tích hành vi khách hàng trên các bảng quảng cáo công cộng. Máy tính sẽ xác định thời gian, hành vi xem quảng cáo của người dân để có thể thực hiện việc quảng cáo theo nhu cầu khách hàng. Sẽ có một thiết bị smart box nhằm kết nối nhiều màn hình quảng cáo với nhau để phát các loại quảng cáo theo sở thích và nhu cầu khách hàng.

“Khách hàng hoàn toàn có thể tương tác trực tiếp với các bảng quảng cáo bằng cách quét mã QR Code để có thể trực tiếp mua hàng nếu thấy thích sản phẩm được quảng cáo. Hoặc khách hàng có thể đặt mua bằng cách gọi Grab, GoViet để vận chuyển thông qua bảng quảng cáo. Quảng cáo bằng hình thức tương tác đã và đang trở nên phổ biến hiện nay”- Việt chia sẻ.

Dự án “Truy xuất nguồn gốc” của Nguyễn Đức Hiệp (giải Nhất bảng 2) đã sử dụng công nghệ blockchain để gia tăng giá trị của nông sản. Theo đó, mỗi loại nông sản sẽ được định danh bằng một mã QR code và khi quét vào mã này, toàn bộ thông tin về các công đoạn của quy trình sản xuất sẽ hiện ra. Các quy trình này đều phải tuân theo một tiêu chuẩn nhất định và không thể thay đổi thông tin vì sử dụng công nghệ blockchain.

“Nhóm đã hợp tác với đại lý và nông dân xuất khẩu hàng tấn xoài đi Mỹ với việc sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc theo chuẩn GS1 của nước này. Thông tin về sản phẩm đã được chứng thực và đây được coi là tương lai của ngành nông nghiệp trong việc hướng tới xuất khẩu”- Hiệp chia sẻ.

Còn sản phẩm “Thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khỏe từ xa” của nhóm giảng viên ĐH Y dược TP.HCM (giải Nhất bảng 4) hướng tới sử dụng IoT để phục vụ việc châm cứu, vật lý trị liệu cho người bệnh.

Th.s Lê Thị Thanh Tâm, thành viên nhóm dự án chia sẻ, các bệnh nhân sau khi tai nạn được điều trị ở bệnh viện đều phải trải qua quá trình tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Tuy nhiên, các bệnh viện hiện nay tại TP.HCM luôn quá tải. Trong khi đó, bệnh nhân muốn châm cứu, tập vật lý trị liệu phải di chuyển đến bệnh viện rất khó khăn.

ckiot2

Th.s Lê Thị Thanh Tâm hướng dẫn người bệnh châm cứu và trên màn hình laptop có một bác sỹ đang trực tiếp hướng dẫn bệnh nhân châm cứu. Ảnh: Hà Thế An.

Vì thế, nhóm dự án đưa ra giải pháp cho thuê thiết bị châm cứu và sử dụng công nghệ IoT kết nối bệnh nhân và bác sỹ. Như vậy, bệnh nhân chỉ cần ở nhà và kết nối với bác sỹ từ xa là có thể châm cứu tại nhà mà không cần phải tới bệnh viện.

“Từ việc phát triển dữ liệu của bệnh nhân, bác sỹ có thể phân tích và đưa ra những mô hình điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Hiện tại dự án của chúng tôi đã được thử nghiệm và cho kết quả tốt tại bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM. Chúng tôi cần sự hỗ trợ để phát triển công nghệ hoàn thiện hơn và nhân rộng mô hình kinh doanh”- Th.s Tâm nói.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đánh giá cao 11 dự án lọt vào chung kết cuộc thi và đây đều là các dự án tiềm năng. Sở Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM luôn hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có tính ứng dụng với chương trình SpeedUp (hỗ trợ tối đa 2 tỉ đồng/dự án), và các gói thương mại hóa kết quả nghiên cứu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, thị trường, quảng cáo, sở hữu trí tuệ…

 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353