Cần "không gian thử nghiệm" cho các sản phẩm công nghệ cao
13-05-2019Doanh nghiệp công nghệ cao không quá trông đợi vào các chính sách hỗ trợ mà quan trọng nhất là họ cần những "không gian thử nghiệm" để ứng dụng, đưa các sản phẩm, dịch vụ của mình đến cộng đồng.
Ngày 10/5, Sở KH&CN TP.HCM cùng với Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức hội thảo “Các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM”. Buổi hội thảo nhằm giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp những chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghệ cũng như ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trên cho phù hợp với tình hình thực tế.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho rằng những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, cho ra đời những sản phẩm công nghệ cao. Bản thân Sở KH&CN TP.HCM cũng có nhiều chính sách, chương trình để thực hiện mục tiêu này.
“Tuy nhiên, những chính sách này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đã có một số doanh nghiệp quan tâm và tận dụng được những ưu đãi này nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa biết tới hoặc chưa quan tâm”, GS.TS Phùng nói.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng phát biểu tại hội thảo
Mới đây, UBND TP.HCM đã công bố danh mục gồm 43 sản phẩm công nghệ cao thuộc 6 nhóm ngành được thành phố ưu tiên đầu tư. Tại TP.HCM, tính đến cuối năm 2018, đã có 11 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và hoạt động ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Theo Luật Công nghệ cao (2008), doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế nhập khẩu. Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam sản xuất sản phẩm thuộc danh mục trên cũng được ưu tiên xét chọn tham gia thực hiện dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến 2020 về tạo điều kiện ứng dụng, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao; hỗ trợ một phần kinh phí quảng bá sản phẩm, bảo lãnh vốn vay...
Ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở KH&CN TP.HCM), cho biết ngoài các chính sách trên, TP.HCM còn có nhiều chính sách khác như chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi suất, vốn vay cho các dự án đầu tư xây dựng, trang bị công nghệ, thiết bị; hỗ trợ đến 100% tổng kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố...
Những hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ, sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu cũng được nhiều hỗ trợ, trong đó, ngân sách có thể hỗ trợ đến 30% tổng kinh phí thực hiện.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những chính sách, hoạt động hỗ trợ kể trên.
Tuy nhiên, theo ông Trung, đó không phải điều mà doanh nghiệp cần nhất bởi hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ cao không cần được hỗ trợ mà muốn được cống hiến những kết quả nghiên cứu, sản phẩm của mình cho xã hội. Khi hướng tới thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thay vì trông đợi vào việc xin hỗ trợ từ nhà nước.
Ông Đào Hà Trung cho biết các doanh nghiệp công nghệ cao hiện này mong muốn cơ hội được cống hiến thay vì trông chờ hỗ trợ của nhà nước
Ông Trung nói: “Hỗ trợ của Nhà nước quan trọng nhưng điều các doanh nghiệp công nghệ cao cần nhất không phải là được hỗ trợ mà họ mong muốn được ứng dụng công nghệ của họ. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn Sở KH&CN có thể tạo ra “không gian thử nghiệm” cho doanh nghiệp công nghệ cao có thể ứng dụng thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp và từ đó điều chỉnh về sản phẩm, quy định, chính sách liên quan".
Theo ông Trung, những không gian thử nghiệm này không nhất thiết phải là không gian địa lý cụ thể mà cơ hội kết nối các doanh nghiệp với những đơn vị sẵn sàng sử dụng các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cao.