SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chatbot là yêu cầu cấp thiết để ứng dụng chuyển đổi số tại địa phương

01-06-2021

Những yêu cầu về quản lý chợ truyền thống, hỗ trợ giải quyết dịch vụ công… đòi hỏi có hệ thống chatbot thông minh có khả năng tư vấn và hỗ trợ người dân.

Ngày 28/5/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức trực tuyến “Hội nghị kết nối cung cầu giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số” nhằm trao đổi, thảo luận những yêu cầu về ứng dụng công nghệ phục vụ chuyển đổi số tại quận, huyện và thành phố Thủ Đức cùng các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hội nghị thuộc chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/1963 – 18/5/2021). Hội nghị thu hút 100 người từ hơn 60 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tham gia trực tuyến.

chatbot

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến

Quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tìm ra được nhu cầu đang mong muốn để thay đổi, từ đó kết nối với các chuyên gia để đưa ra các công nghệ phù hợp để hiện thực hoá nhu cầu.”, bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển đổi số đã lần lượt giới thiệu những giải pháp mà họ đang nắm giữ. Đó là các giải pháp về quản lý nhân sự thông qua truyền thông và phúc lợi BravoHR, giải pháp số hoá trường học bằng hệ thống TK SMART VISION (quản lý trường học, quản lý lịch giảng dạy, quản lý học trực tuyến…), hay giải pháp dùng “người ảo” (digital human, được xây dựng bằng phần mềm 3D và trí tuệ nhân tạo AI) để thay tổng đài viên tiếp cận, chăm sóc khách hàng…

“Quản lý hoạt động chợ truyền thống” là một trong những nhu cầu chuyển đổi số rất thực tế được bà Nguyễn Thị Hòa (Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận Phú Nhuận) đặt hàng tại Hội nghị. Theo bà Nguyễn Thị Hòa, giải pháp mới phải đáp ứng được yêu cầu quản lý số lượng điểm kinh doanh theo sơ đồ tại chợ (kể cả thông tin chi tiết về các khoản phí, giá thuê tại từng điểm kinh doanh,…), biết được tiểu thương hoặc loại nhóm hàng hóa đang kinh doanh tại điểm kinh doanh, sẵn sàng cung cấp và cập nhật thông tin cho người dân và khách du lịch dễ dàng tìm hiểu và liên hệ mua sắm. Giải pháp mới cũng phải tạo được sự liên kết giữa mua bán hàng hóa trên môi trường Internet và xác nhận qua điện thoại, để dễ đặt và giao hàng – nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

chatbot1

Bà Nguyễn Thị Hòa nêu nhu cầu xây dựng ứng dụng quản lý chợ truyền thống

Một nhu cầu thực tế khác là “Chatbot - công cụ hỗ trợ hướng dẫn thủ tục cấp mới, thay đổi, chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh” cũng được đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ pháp lý của hộ kinh doanh và doanh nghiệp ngày càng tăng. Theo bà Thái Thị Mai Trân (Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận Tân Phú), việc sử dụng chatbot sẽ sẵn sàng phục vụ người dân 24/7, nhận phản hồi – hướng dẫn ngay lập tức, đồng thời có thể kết hợp lồng ghép tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý và thói quen tuân thủ pháp luật của người dân.

Mô tả chi tiết hơn về nhu cầu dùng chatbot, ông Phạm Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Quận 1) cho biết trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến thì việc tiếp cận các thủ tục, trình tự đang có những khó khăn nhất định. Vì thế, yêu cầu đặt ra là khi người dân sử dụng chatbot, thì chatbot cần tự đưa ra gợi ý và xử lý thông tin để người dân đạt được mục đích đăng ký dịch vụ công mong muốn chỉ trong 1 lần thao tác duy nhất.

Từ những yêu cầu nêu trên, đại diện các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị đã có những chia sẻ thú vị.

Đối với nhu cầu xây dựng ứng dụng quản lý chợ truyền thống, có thể hỗ trợ cho bà con tiểu thương hiểu và tương tác dễ dàng bằng giọng nói, mà không phải nhấn hay gõ câu trả lời. Ngay cả những thông báo mới nhất, những cảnh báo về hoạt động… của Ban quản lý chợ đều có thể thực hiện thông qua giọng nói, giúp tiểu thương dễ tiếp cận và đón nhận.”, đại diện Công ty TNHH Educommerce đề xuất sử dụng giải pháp chatbot bằng “người ảo”.

Gợi ý về thành phần ứng dụng quản lý chợ, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Titkul) cho biết Titkul đã xây dựng nền tảng cơ bản hỗ trợ thẩm định nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng, sản phẩm, báo cáo thống kê cho cơ quan quản lý, đồng thời hỗ trợ đặt hàng trực tiếp để giảm bớt lượng người đi chợ (trong bối cảnh dịch bệnh). Nền tảng này có khả năng quản lý được bộ data (dữ liệu) từ người cung ứng đến người bán ra sản phẩm.

Từ yêu cầu đặt hàng của các quận nêu trên, rõ ràng việc xây dựng và ứng dụng một hệ thống chatbot thông minh có khả năng tư vấn và hỗ trợ người dân trong giao tiếp, giải quyết các thủ tục hành chính đang rất cần thiết. Ngay cả trong ứng dụng quản lý chợ, đơn vị quản lý hoặc tiểu thương cũng có thể sử dụng chatbot để giải quyết nhanh công việc hoặc tìm kiếm thông tin hữu ích một cách nhanh chóng. 

chatbot2

Bà Chu Vân Hải (phải) trao đổi cùng doanh nghiệp cung ứng công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mong muốn sẽ là cầu nối giữa các quận, huyện cũng như các sở, ngành trong chương trình đổi mới sáng tạo khu vực công, chuyển đổi số trong khu vực công. Chúng tôi sẽ kết nối với các đơn vị công nghệ để tạo kết nối cung – cầu, để các bên ngồi lại với nhau để cùng tạo ra một mô hình chuẩn, có thể triển khai được cho các quận, huyện,”, bà Chu Vân Hải cho biết.

Hoàng Kim - Cesti.gov.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378