Chọn giống hàu sữa phù hợp bối cảnh biến đổi khí hậu ở TP. HCM và các tỉnh Nam Bộ
05-06-2024Nhiệm vụ đã chọn tạo được giống hàu sữa chất lượng cao, là tiền đề cho chương trình chọn giống quy mô dài hạn từ nguồn vật liệu ban đầu đa dạng di truyền cao.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu chọn giống tăng cường hàu sữa (Crassostrea angulata) và thử nghiệm nuôi thích nghi hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas Thunberg, 1793) tại TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ”. Đây là nhiệm vụ do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Thành Luân làm chủ nhiệm.
Hàu được mệnh danh là "viên ngọc quý" của đại dương bởi hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, vượt trội hơn nhiều thực phẩm khác và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng hơn dẫn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ra hiện tượng ngọt hóa, lượng phù sa lớn từ thượng nguồn đổ về tăng lên hàm lượng các chất lơ lửng và chỉ thị ô nhiễm môi trường vào mùa mưa; sang mùa khô khu vực ven biển Nam Bộ nguy cơ xâm nhập mặn rất cao. Nhiệt độ nước tăng cao, nước các ao nuôi và một số tuyến sông bốc hơi và có thể bị cạn kiệt, độ dẫn điện, độ kiềm và tảo tăng cao có thể gây bất lợi cho vật nuôi thủy sản. Chính vì vậy, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II đã thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chọn giống tăng cường hàu sữa (Crassostrea angulata) và thử nghiệm nuôi thích nghi hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas Thunberg, 1793) tại TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ”.
Nhóm thực hiện tạo được 1.000 con hàu sữa bố mẹ thế hệ G1 cho chọn giống thế hệ tiếp theo từ 4.124 cá thể ở môi trường nuôi Vũng Tàu, sạch bệnh virus Herpes OsHV-1 từ 62 gia đình, giá trị chọn giống ước tính (EBV) trung bình cá thể là 10,78, có tốc độ tăng trưởng nhanh với hiệu quả chọn lọc ước tính đạt 20,6% cho tính trạng HW thế hệ chọn giống G1. Sau 6 tháng nuôi (từ tháng 01/8/2023-01/02/2024), kết quả tăng trưởng cho thấy hàu chọn giống đạt tỷ lệ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn hàu địa phương. Con giống được sản xuất từ 14 gia đình G1 đã cải thiện hiệu quả sản xuất rõ rệt khi tỷ lệ sống và tỷ lệ tăng trưởng của hàu cũng tăng lên khác biệt ý nghĩa với hàu được sản xuất từ bố mẹ thông thường. Bên cạnh đó, hàu sữa cũng cho thấy tiềm năng lớn (thời gian nuôi ngắn hơn, năng suất cao hơn) khi so sánh với hiệu quả sản xuất các đối tượng hàu khác đang được nuôi trồng phổ biến tại khu vực Nam Bộ nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt.
Bên cạnh đó nhóm cũng đã hoàn thành đánh giá đặc tính thích nghi của hàu sữa và hàu Thái Bình Dương trong điều kiện thực tế khu vực Nam Bộ. Ví dụ như: hàu sữa (Crassostrea angulata) thích nghi tốt trong điều kiện nuôi Nam Bộ, tốt nhất ở Vũng Tàu, riêng Cần Giờ có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất; hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) thích nghi kém trong điều kiện Long Sơn (Vũng Tàu) do không thể tăng trưởng và tỷ lệ sống rất thấp sau 6 tháng nuôi.
Theo ThS. Nguyễn Thành Luân, kết quả của nhiệm vụ không chỉ là cơ sở khoa học từng bước giải quyết sự thoái hóa chất lượng con giống hàu sữa hiện nay, mà còn giúp tăng cường tri thức khoa học về đặc tính thích nghi của hàu sữa và hàu Thái Bình Dương ở Nam Bộ, có ý nghĩa hết sức quan trọng về định hướng đúng đắn để tiếp tục chương trình chọn giống quy mô dài hạn theo tốc độ tăng trưởng và thích ứng với các điều kiện bất thuận ở các thế hệ tiếp theo. Hơn nữa, kết quả của nhiệm vụ cũng là cơ sở để kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước nhằm chuẩn hóa lại cách gọi tên đối tượng nuôi; tập huấn cho người nuôi các giải pháp, mô hình, kỹ thuật; khuyến cáo các địa điểm nuôi hàu sữa phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt ở TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ.
Hoàng Kim - Hòa Thuận (CESTI)