Công nghệ biến rác thành điện của SIHUB "rất hay và thực tế"
28-03-2019Công nghệ này hoàn toàn khả thi để thực hiện tại các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu với quy mô xử lý rác khác nhau, quan trọng là cần có cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các bên để triển khai.
Đại diện các doanh nghiệp, nhà khoa học đều chia sẻ rằng giải pháp công nghệ của SIHUB hoàn toàn có thể đầu tư. Ảnh: SIHUB.
Đó là những chia sẻ của nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp khi trực tiếp tham quan công nghệ xử lý rác thải vào sáng ngày 28/03 tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ thành điện và phân hữu cơ có tên gọi 6R-MOT do Saigon Innovation Hub phối hợp cùng Tập đoàn Milai (Nhật Bản) thực hiện.
Là người trực tiếp quan sát toàn bộ quy trình xử lý rác, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó giám đốc công ty BIO Fertilizer A+, cho biết công nghệ này "rất hay và thực tế". Việc tạo ra năng lượng điện từ rác hữu cơ giúp giải phóng được ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, công nghệ này sẽ giúp tái tạo lại một loại phân hữu cơ tốt, giúp cho người nông dân sử dụng lại và cho ra sản phẩm sạch.
Theo bà Trang, nếu muốn áp dụng giải này vào cuộc sống rộng rãi hơn, trước hết phải giáo dục người dân hiểu về các kiến thức thế nào là rác hữu cơ, thế nào là rác thường và giúp họ có ý thức bảo vệ môi trường hơn.
“Người dân có thể đi từ mô hình nhỏ, bắt đầu từ cá nhân, hộ gia đình, rồi xử lý rác cho một địa phương, điều đó thật sự rất có ý nghĩa cho hiện tại bây giờ. Riêng tôi rất sẵn sàng trong việc sử dụng công nghệ này. Sắp tới, tôi sẽ làm một dự án về rác thải hữu cơ tại một tỉnh ở Việt Nam và hệ thống này có thể là một phần của dự án”- bà Trang nói.
Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ thành điện và phân hữu cơ có tên gọi 6R-MOT do Saigon Innovation Hub phối hợp cùng Tập đoàn Milai (Nhật Bản) thực hiện.
Ông Hoàng Thế Trung, một chuyên gia của Ngân hàng Shinhan Bank (Hàn Quốc), cho rằng hiện tại khi hệ thống này đang ở quy mô thí nghiệm nên còn một vài điểm bất cập nếu đưa vào sản xuất quy mô lớn.
Cái khó ở chỗ là việc thu gom rác và phân loại rác thì còn đang rất khó khăn tại Việt Nam. Cụ thể, hiện tại quy trình thí nghiệm đang dùng củi để làm mồi đốt rác. Các chuyên gia có thể nghiên cứu ra phương án dùng chính rác để làm chất đốt trong quá trình này.
Ông Nguyễn Văn Phú, Quản lý dự án 6R-MOT, cho biết hiện tại hệ thống đang trong quá trình thử nghiệm thì phải mồi bằng củi để kích hoạt hệ thống carbon hóa. Tuy nhiên, khi hệ thống hoạt động ở quy mô công nghiệp sẽ vận hành liên tục 24/24 và không cần phải mồi bằng củi.
“Đồng thời hệ thống dàn sấy sẽ được thiết kế làm nhiều tầng để tận dụng ánh sáng mặt trời cho nên diện tích của giàn sấy giảm xuống rất nhiều, không cần quá lớn”- ông Phú nói.
Đại diện Tập đoàn Milai (trái) giải đáp những thắc mắc của khách tham dự tại chương trình tham quan thực tế. Ảnh: Thanh Tuyền.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội cơ khí TP.HCM, hiện nay ở Việt Nam, hàm lượng rác thải hữu cơ rất là lớn. Với công nghệ 6R-MOT, hoàn toàn có những thiết kế, cải tiến phù hợp cho những quy mô xử lý rác khác nhau.
Ông Tuấn cho biết, dự án này hoàn toàn khả thi để chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp. Dự án có thể hợp tác với các đối tác khác để tạo thành chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng và đầu ra có thể là những viên nguyên liệu chất đốt hay là khí để chạy máy phát điện dành cho các vùng còn thiếu điện.
“Tôi nghĩ rằng đây là công nghệ có triển vọng trong tương lai. Vấn đề bây giờ chính là một cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các bên để triển khai”- ông Tuấn nói.
Công nghệ xử lý rác mà SIHUB và Nhật Bản cùng thực hiện có tên gọi “6R-MOT”. Rác hữu cơ tại nguồn sẽ được thu gom và trải qua quy trình sấy khô nhằm giảm bớt lượng nước có trong rác (từ 63% xuống 20%). Rác sau khi sấy khô sẽ trải qua quy trình cacbon hóa (đốt). Rác sau khi đốt sẽ tạo thành một loại than củi. Than này sau chu trình xử lý sẽ được viên nhỏ để tiếp tục sử dụng trong quy trình khí hóa. Than viên nhỏ sẽ được sử dụng tại buồng đốt của quá trình khí hóa để tạo thành khí gas. Loại khí gas này sẽ làm nguồn nhiên liệu để chạy máy phát điện tạo ra năng lượng điện. Một phần than củi sau quá trình đốt ở quy trình trên sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ. Khi thực hiện thí điểm 50kg rác thải hữu cơ tại chợ nông sản TP.HCM, hệ thống sẽ xử lý tạo thành 3kWh điện năng và khoảng 3,1kg phân hữu cơ, theo một quy trình khép kín, không thải ra môi trường bất cứ chất thải nào. |