SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Điều trị tuỷ răng vĩnh viễn chưa đóng chóp bằng fibrin giàu tiểu cầu kết hợp MTA

31-07-2024

Gần đây, với sự phát triển của nha khoa phục hồi, các nhà khoa học đã ứng dụng Fibrin giàu tiểu cầu (PRF) kết hợp với MTA để tạo nút chặn sinh học ở vùng chóp, điều trị cho những răng có chóp mở rộng. PRF, được giới thiệu bởi Choukroun và cộng sự (2000), là vật liệu sinh học tự thân 100% với nhiều ưu điểm như điều hòa miễn dịch, thúc đẩy kháng khuẩn và nhanh chóng chữa lành vết thương. Phương pháp kết hợp MTA và PRF bước đầu đã cho thấy hiệu quả tốt. Tuy nhiên, các nghiên cứu về phương pháp này trên thế giới vẫn còn ít và tại Việt Nam, nghiên cứu lâm sàng về điều trị răng tổn thương quanh chóp sử dụng MTA và PRF trong phương pháp tạo nút chặn chóp vẫn còn hạn chế. Do đó, với mong muốn sử dụng PRF kết hợp với MTA như một nút chặn ở vùng chóp để đạt kết quả tốt trong điều trị nội nha. Nhóm nghiên cứu Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh thực hiện đề tài “Đánh giá kết quả điều trị tuỷ răng vĩnh viễn chưa đóng chóp bằng Fibrin giàu tiểu cầu kết hợp MTA”.

Đột phá trong điều trị tủy răng vĩnh viễn chưa đóng chóp: Phương pháp kết hợp Fibrin giàu tiểu cầu và MTA

Nhóm nghiên cứu tại Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược TP HCM đã tiến hành đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị tủy răng vĩnh viễn chưa đóng chóp bằng cách kết hợp Fibrin giàu tiểu cầu (PRF) và MTA. Đây là một bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực nha khoa, mở ra hy vọng mới cho những trường hợp răng vĩnh viễn chưa đóng chóp gặp phải tình trạng tủy hoại tử hoặc bệnh lý vùng quanh chóp. Nghiên cứu tập trung vào răng vĩnh viễn một chân chưa đóng chóp và được thực hiện trên các bệnh nhân trên 12 tuổi, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả của phương pháp. Qua quá trình này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình kỹ thuật tạo ra PRF để ứng dụng trong điều trị nội nha, hứa hẹn mang lại những kết quả tích cực và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Kết quả nghiên cứu và ứng dụng phương pháp điều trị tủy răng bằng Fibrin giàu tiểu cầu kết hợp MTA

Sau khi triển khai đề tài từ tháng 04/2022 đến tháng 03/2024, nhóm nghiên cứu đã thực hiện điều trị được trên 02 nhóm. Nhóm 1 gồm 15 răng được điều trị bằng phương pháp tạo nút chặn chóp có dùng PRF. Nhóm 2 gồm 15 răng được điều trị bằng phương pháp tạo nút chặn chóp không dùng PRF. Mặc dù có sự khác biệt về trung bình độ tuổi ở hai nhóm nhưng những người được điều trị đều là người trẻ tuổi và trẻ vị thành niên. Các răng được điều trị thuộc 2 nhóm răng chính là nhóm răng cửa và nhóm răng cối nhỏ. Nguyên nhân chính gây ra tổn thương quanh chóp răng trong nghiên cứu này là do dị dạng giải phẫu và chấn thương răng, không có răng có tổn thương quanh chóp do sâu răng. Sự khác biệt về nguyên nhân tổn thương giữa hai nhóm răng cửa và răng cối nhỏ ở hai nhóm nghiên cứu có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378