DN đề xuất lập Viện nghiên cứu cơ khí nhằm liên kết giữa TP.HCM và Tây Nam Bộ
27-09-2019Viện nghiên cứu này sẽ hoạt động theo mô hình tư nhân với nòng cốt là những nhà khoa học từ các ĐH tại TP.HCM.
Đây là đề xuất của kỹ sư Nguyễn Thế Hà, Giám đốc đầu tư công ty Bùi Văn Ngọ - một doanh nghiệp có tiếng về các thiết bị cơ khí tại Long An – tại hội nghị “Cơ khí nông nghiệp thông minh cho đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức sáng 27/09. Hội thảo do UBND TP.HCM phối hợp với ĐH Quốc Gia TP.HCM chủ trì tổ chức, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với ĐH Bách Khoa TP.HCM thực hiện.
Ông Nguyễn Thế Hà (thứ 2 từ trái sang) đề xuất thành lập Viện nghiên cứu tư nhân chuyên nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hà Thế An.
Theo đề xuất của ông Hà, Viện nghiên cứu hoạt động theo mô hình tư nhân với nòng cốt là những nhà khoa học từ các ĐH tại TP.HCM nhằm nghiên cứu, chuyển giao các thiết bị kỹ thuật phục vụ cho nông dân các tỉnh Tây Nam Bộ.
Ông Hà chia sẻ, nghiên cứu mới đây cho thấy, tổn thất các khâu trong canh tác trong và sau thu hoạch nông nghiệp còn ở mức cao về khối lượng và chất lượng, quy ra giá trị lớn hơn 15%, tức là vào khoảng 5,2 tỉ USD mỗi năm. Điều này cho thấy sự cần thiết trong cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng máy móc trong hoạt động sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế. Thậm chí, nông dân mua các loại máy sấy hiện đại của Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng hoạt động không ổn định vì máy móc ngoại nhập nhiều khi không phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
“Trong khi đó, chúng ta có nhiều chuyên gia, nhà khoa học giỏi ở ĐH hoàn toàn có thể làm việc này. Tôi từng học ở ĐH Bách khoa TP.HCM và có thể khẳng định là chúng ta có thể chế tạo những máy móc cho nông nghiệp thích nghi tốt hơn so với các loại máy ngoại nhập”- ông Hà nói.
Cũng theo ông, nhiều nông dân hiện nay rất sáng tạo, có thể chế tạo ra nhiều máy phù hợp với quy mô sản xuất, đặc điểm của các loại hình sản xuất nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, nông dân sáng chế lại thiếu yếu tố giáo dục để có thể đưa ra những nghiên cứu mang tính chuẩn mực trong hoạt động sáng chế.
“Vì thế, tôi nghĩ cần thành lập Viện nghiên cứu tư nhân nối kết giữa nhà khoa học trong trường ĐH và nông dân Tây Nam Bộ. Nông dân đặt hàng cho nhà khoa học tại TP.HCM để cùng nghiên cứu, sau đó chuyển giao công nghệ, tổ chức các chương trình đào tạo kiến thức cho nông dân. Khi ứng dụng máy móc vào sản xuất, năng suất tăng lên, nông dân chúng tôi có thể cung cấp nông sản cho thị trường TP.HCM”- ông Hà nói.
Gian hàng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Hà Thế An.
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành phố hiện nay tập trung gần 40% nhà khoa học của cả nước, với nhiều ĐH. TP.HCM rất phù hợp để trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu, phát triển ứng dụng máy móc thiết bị cho vùng Tây Nam Bộ.
PGS Đạt khẳng định, ĐH Quốc gia TP.HCM luôn nhận thức rõ nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho khu vực này là nhiệm vụ then chốt. Để thực hiện việc này, mới đây ĐH An Giang đã chính thức trở thành thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, cùng với phân hiệu tại Bến Tre là 2 cơ sở đào tạo nhân lực lớn cho vùng Tây Nam Bộ.
“Mới đây, chúng tôi đã cùng với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển vùng Tây Nam Bộ” đến tháng 6 năm nay đã thực hiện 63 nhiệm vụ. Chúng tôi sẽ cùng xây dựng các sản phẩm chủ lực ở Tây Nam Bộ, nhằm đề xuất các phương án ứng dụng máy móc thiết bị, liên kết các nhà, liên kết vùng để thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ cho khu vực này”- PGS Đạt nói.
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó giám đốc Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang bày tỏ ủng hộ việc liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nam Bộ. Kể từ khi thành lập năm 2012 đến nay, đơn vị đã kết nối với Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM hợp tác về đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, kết nối chuyển giao công nghệ, mang những máy móc thiết bị có hiệu quả từ TP.HCM ứng dụng cho các doanh nghiệp, đơn vị tại Hậu Giang.
“Ngoài ra chúng tôi cũng hợp tác với các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản chuyển giao các thiết bị phun thuốc điều khiển từ xa, thiết bị phân loại trái cây tự động,…nhằm tăng năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp. Việc hợp tác với các đối tác TP.HCM là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới trong năm nay”- ông Triều chia sẻ.
Tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đến vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ cho vùng Tây Nam Bộ nhằm tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Bởi, TP.HCM là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của vùng Tây Nam Bộ. “Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập một tổ công tác với sự tham gia của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, ĐH Quốc gia TP.HCM, ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị này. Những đề xuất nào thiết thực, có thể làm ngay sẽ thực hiện. Ngay trong quý 4 này, chúng tôi sẽ công bố kế hoạch chi tiết để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ cho vùng Tây Nam Bộ”- ông Liêm nói. |