Doanh nghiệp KH&CN con đường thay đổi từ nhận thức đến hành động
19-08-2019Với chính sách tốt hơn, doanh nghiệp tại TP.HCM tự hào khi được công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và nhận thức vai trò và sứ mệnh của mình là lấy khoa học "nuôi" khoa học.
“Quy trình bây giờ nhanh lắm, anh làm đi”
Cách đây hơn 1 năm, doanh nghiệp Ewater do ông Lê Trung Hiếu (Hóc Môn, TP.HCM) làm chủ đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Các sản phẩm do ông Hiếu nghiên cứu, phát triển là sử dụng công nghệ điện từ trường nhằm xử lý cáu cặn cho nồi hơi và tháp giải nhiệt.
Ông Lê Trung Hiếu, giới thiệu giải pháp công nghệ của mình cho một giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành tại gian hàng triển lãm sản phẩm Ewater. Ảnh: Hà Thế An.
Cụ thể công nghệ này giúp cho nồi hơi và tháp giải nhiệt sạch hơn mà không sử dụng hóa chất, giúp tiết kiệm từ 10% đến 20% chi phí về năng lượng. Vì khi cáu cặn được xử lý, giúp khả năng truyền nhiệt của đường ống nồi hơi tốt hơn, nâng cao hiệu suất truyền nhiệt. Công nghệ này giúp ông Hiếu tạo ra doanh thu trên 5 tỉ đồng/năm chỉ sau hơn 3 năm thành lập doanh nghiệp.
Ông chia sẻ, chứng nhận doanh nghiệp KH&CN là quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến cơ quan Nhà nước. Vì thế lúc đầu ông cũng “ngại” vì sợ quy trình làm chứng nhận lâu và tốn thời gian. Tuy nhiên, trong một lần tham gia báo cáo Phân tích xu hướng công nghệ tại Trung tâm thông tin, thống kê, KH&CN, thuộc Sở KH&CN TP.HCM, ông được một cán bộ tại đây rỉ tai “quy trình bây giờ nhanh lắm, anh làm đi”.
Thế là ông Hiếu tiến hành 'xin' thủ tục để trở thành doanh nghiệp KH&CN. Chỉ sau 35 ngày và 2 lần chỉnh sửa, doanh nghiệp của ông được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
“Nhiều người nghĩ làm chứng nhận doanh nghiệp KH&CN là được nhà nước cho tiền, cho đất... Nhưng thật ra không phải vậy. Những hỗ trợ từ nhà nước về thuế, vay vốn ưu đãi, thuê đất…, chỉ là tiếp thêm động lực cho chúng tôi phát triển doanh nghiệp. Chứng nhận doanh nghiệp KH&CN vẫn mang giá trị tinh thần nhiều hơn. Doanh nghiệp sẽ ý thức hơn việc phát triển sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, phục vụ cho cộng đồng tốt hơn”- ông Hiếu nói.
Sau khi nhận được những hỗ trợ cho doanh nghiệp KH&CN, ông Hiếu đã trích phần được miễn giảm thuế để tái đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) bằng hai sản phẩm mới. Cụ thể là sản phẩm “thiết bị xử lý nước ion cho nông nghiệp” và “thiết bị tạo nước diệt khuẩn từ muối ăn”. Hai sản phẩm này đã có phiên bản thương mại hóa và giúp ông Hiếu có doanh thu đầu tiên khoảng 550 triệu đồng từ việc bán hai thiết bị này.
"Mình luôn tâm niệm lấy khoa học nuôi khoa học bằng cách lấy lợi nhuận từ sản phẩm của mình bán ra tái đầu tư cho sản phẩm mới. Có như vậy doanh nghiệp mình mới phát triển bền vững và luôn sáng tạo"- ông Hiếu nói.
Đại diện doanh nghiệp HPT nhận giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mới đây. Ảnh: Hà Thế An.
Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT với quy mô khá lớn, công ty cổ phần dịch vụ công nghệ tin học HPT (thành lập năm 1995) mới đây cũng nhận chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 21 sản phẩm về phần mềm, lưu trữ và bảo mật dữ liệu.
Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch HĐQT công ty HPT chia sẻ, bản thân xuất thân là người làm khoa học nên mong muốn gắn kết với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhiều hơn nhằm thực hiện các dự án, đề tài khoa học trong khả năng và phạm vi của mình để đưa ra các sản phẩm, mô hình đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
“Với việc đạt được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, chúng tôi sẽ hoàn thiện, đặt quan tâm nhiều đến vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ. Bởi khi là doanh nghiệp KH&CN, chúng tôi nhận thức rõ hơn vấn đề này. Chứng nhận là khởi đầu cho hoạt động của HPT, và của các doanh nghiêp khác trong ngành CNTT có những đóng góp thiết thực cho xã hội”- ông Đồng nói.
Chính sách ngày càng thông thoáng hơn
Những ưu đãi từ chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã được cụ thể hóa. Nhiều doanh nghiệp đã có nhận thức rõ ràng hơn trách nhiệm của mình khi trở thành doanh nghiệp KH&CN. Song vẫn có những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu trở thành doanh nghiệp KH&CN lại có những băn khoăn.
Anh Lê Văn Dể, CEO của VHF, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trồng rau ứng dụng công nghệ cao với hệ thống thủy canh. Mô hình trồng rau sử dụng công nghệ của Nhật Bản nhưng có cải tiến nhiều chi tiết để phù hợp với điều kiện canh tác tại Việt Nam.
Hiện nay sản phẩm của anh Dể đã được sử dụng tại các nông trại trồng rau quy mô khoảng 1000 mét vuông đến 2000 mét vuông tại Long An (mỗi 1000 mét vuông có chi phí lắp đặt khoảng 850 triệu đồng). Ngoài ra, startup của anh còn cung cấp các hệ thống thủy canh cỡ nhỏ với giá khoảng 2,8 triệu đồng cho các nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM.
“Chúng tôi cũng mong muốn nhận chứng nhận doanh nghiệp KH&CN nhưng với một doanh nghiệp non trẻ, vốn ít, cung cấp giải pháp công nghệ không phải là mới thì liệu có trở thành doanh nghiệp KH&CN được không?”- anh Dể băn khoăn.
Anh Lê Văn Dể (thứ 2 từ trái sang) trong một lần giới thiệu công nghệ của mình tại trang tại ở Long An. Ảnh: Hà Thế An.
Trao đổi với Tạp chí Khám phá, ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, hiện nay chính sách mới được xem như “cởi trói” nhiều vấn đề cho doanh nghiệp khi muốn đăng ký doanh nghiệp KH&CN.
Cụ thể, Nghị định số 13/2019 NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN đã bỏ quy định về lĩnh vực được chọn để đăng ký doanh nghiệp KH&CN. Như vậy, doanh nghiệp hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào có sản phẩm mang hàm lượng khoa học đều được đăng ký trở thành doanh nghiệp KH&CN. Để được miễn giảm thuế, các doanh nghiệp hiện nay đăng ký sản phẩm KH&CN nào thì sẽ được miễn giảm thuế theo danh mục sản phẩm đăng ký.
Cũng theo ông Long, việc chứng minh doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng công nghệ hiện nay có thể sử dụng nhiều cách khác nhau. Đầu tiên là doanh nghiệp phải có bằng sở hữu trí tuệ về sản phẩm mình đăng ký. Trong trường hợp không có bằng sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp còn có nhiều lựa chọn khác bằng cách trình bày sản phẩm đăng ký cho Hội đồng nghiệm thu ngoài ngân sách do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thành lập.
“Đó là các chứng nhận, giấy khen, bằng khen về sản phẩm công nghệ do cơ quan có thẩm quyền trao tặng; Hợp đồng chuyển giao công nghệ; Hợp đồng bán sản phẩm công nghệ với khách hàng;…Về vấn đề này, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, startup để thực hiện các thủ tục này”- ông Long nói.
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Nghị định số 13 của Chính phủ đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp KH&CN để được hưởng các chính sách ưu đãi từ phía Nhà nước. Doanh nghiệp đạt chứng nhận là một sự nỗ lực lớn nhưng cũng cần có một bộ phận chuyên trách để thực hiện các thủ tục để nhận được ưu đãi.
“Thời gian qua chúng tôi đã có những phối hợp với Cục Thuế TP.HCM để cùng nhau đưa ra một quy trình thống nhất nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp KH&CN trong vấn đề quyết toán thuế. Chúng tôi cũng mong muốn có sự đồng hành, chia sẻ với các tổ chức, doanh nghiệp để cùng nhau tạo những điều kiện tốt nhất nhằm có một hành lang pháp lý thông thoáng để TP.HCM gia tăng nhanh số lượng doanh nghiệp KH&CN”- ông Thanh chia sẻ.
Theo báo cáo của Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ TP.HCM trong 6 tháng đầu năm năm 2019, TP.HCM có thêm 10 doanh nghiệp KH&CN. Tính đến ngày 16/08/2019, thành phố có tổng cộng 82 doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp lĩnh vực CNTT chiếm số lượng nhiều nhất. Nghị định 13/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/03/2019, doanh nghiệp KH&CN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định về đất đai. Đồng thời, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước; được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KHCN của Bộ, cơ quan ngang bộ tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại và bảo lãnh để vay vốn.
|