SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để thích ứng với Covid-19

12-11-2021

Ngày 11/11/2021, Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các đơn vị đối tác, hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức hội thảo trực tuyến: Giải pháp nào để doanh nghiệp kinh doanh không gián đoạn?

Đây là nội dung chuyên đề thứ 2 của chuỗi hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19”, cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện triển khai Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Chính phủ đang quan tâm tập trung vào chương trình phục hồi kinh tế với 4 mảng chính là công tác phòng chống đảm bảo sống chung với dịch an toàn, linh hoạt; vấn đề an sinh; phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp; đầu tư công. Các doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ rất quan tâm đến các vấn đề tác động của đại dịch, giải pháp phục hồi sản xuất, cần thay đổi và chuyển đổi số. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề cần có nền tảng công nghệ (dùng chung) phục vụ cho quá trình chuyển đổi không chỉ sản xuất mà còn quản trị, quản lý. Đại dịch tuy ảnh hưởng lớn nhưng cũng là cơ hội cho ngành ICT. Vì vậy hội thảo này cần tập trung đánh giá tác động của đại dịch và cơ hội cho doanh nghiệp ICT, từ đó đưa ra các sáng kiến, đóng góp cách làm hay và sự vào cuộc nhanh của các doanh nghiệp ICT. Đồng thời đề xuất các giải pháp xây dựng các ứng dụng/nền tảng dùng chung và kết nối để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, vừa ứng phó với đại dịch Covid cũng là xu thế phát triển trong tương lai.

Đánh giá hiện trạng và xu hướng ứng dụng sản phẩm công nghệ số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, bà Lê Thị Thu Thủy (Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho rằng, đại dịch Covid đã tác động rất nhiều đến doanh nghiệp, tuy nhiên nó cũng giúp thay đổi hành vi, tạo ra những cơ hội biến nguy thành cơ. Do đó, có thể nhìn nhận và tận dụng cơ hội thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn; tiết giảm chi phí; tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn; phát triển cả trong thời đại dịch Covid 19 và sau đại dịch.

08HDKHLVhtHCAchuyende2h2.jpg

Bà Lê Thị Thu Thủy trình bày báo cáo "Đánh giá hiện trạng và xu hướng ứng dụng sản phẩm công nghệ số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh".

Theo bà Thủy, đa phần doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, chủ yếu là khó khăn trong duy trì việc làm cho người lao động; năng lực sản xuất của doanh nghiệp bị suy giảm; thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu và khó khăn trong dự đoán dự trữ hàng hóa; thu hẹp thị trường hiện tại và khó khăn trong tìm kiếm thị trường mới; giảm doanh thu;… Kết quả nghiên cứu của VCCI về tình hình chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Về nhận thức vai trò của ứng dụng công nghệ số, trong khoảng 10 năm trước khi có Covid-19, có 50% doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số, nhưng chỉ riêng năm 2020, gần 26% doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ số và có ý định tiếp tục sử dụng các công nghệ này. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã nhận thức cần chuyển đổi để thích nghi với tình hình mới. Các lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm và có nhu cầu ứng dụng các sản phẩm, công nghệ kỹ thuật số là quản trị nội bộ, bán hàng, tối ưu hóa quy trình sản xuất, mua hàng, logistic,… So với giai đoạn trước khi có Covid-19, tỷ lệ ứng dụng các công cụ kỹ thuật số của doanh nghiệp trong quản trị nội bộ, hoạt động logistic, sản xuất, marketing,… ở giai đoạn có Covid-19, tăng đáng kể. Các ứng dụng này chủ yếu về dịch vụ điện toán đám mây, hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình, hệ thống quản lý nhân sự từ xa, phần mềm quản lý kho hàng, hệ thống hoạch định nguồn nhân lực doanh nghiệp - ERP, hệ thống điều hành sản xuất nhà máy, thương mại điện tử, mạng xã hội,…

Các nội dung ưu tiên của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là cải tiến chất lượng sản phẩm/dịch vụ; giảm giá thành sản phẩm/dịch vụ; giảm chi phí quản lý; chăm sóc khách hàng mới; phát triển kênh bán hàng mới;... Đề xuất của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho việc sử dụng công nghệ số tập trung vào việc xây dựng các quy tắc, quy định; hỗ trợ tài chính trong việc ứng dụng công nghệ số; minh bạch hóa các quy tắc và quy định; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nội bộ; hỗ trợ phát triển kết nối với các doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt; hài hòa các quy định tắc và quy định về công nghệ;...

Như vậy, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần chủ động và nỗ lực, bên cạnh đó cần có môi trường, thể chế và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia và doanh nghiệp cũng trình bày các nội dung như: kinh nghiệm nâng cao hiệu quả bán hàng đa kênh với hệ thống Omni Channel CRM; nâng cao hoạt động quản lý của doanh nghiệp để thích ứng an toàn: trải nghiệm khách hàng với Zoho Plus; chuyển đổi số hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng giải pháp AMIS CRM;… Đồng thời, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc, sáng kiến, giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt. Chuỗi hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19” nhằm tư vấn, giới thiệu các giải pháp, ứng dụng, mô hình công nghệ, đồng thời phân tích, chia sẻ kinh nghiệm triển khai từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Hội thảo chuyên đề 3 sẽ được tổ chức trong thời gian tới với chủ đề: Hướng đi nào để doanh nghiệp phục hồi hiệu quả tình hình sản xuất, kinh doanh?.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378