Đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ theo hướng phát triển kinh tế số
18-01-2022Năm 2021, 1/3 số doanh nghiệp ở TP.HCM có hoạt động đổi mới sáng tạo. Chiếm tỷ lệ cao nhất là đổi mới về phương pháp quản lý, tổ chức (19,2%) và đổi mới về quy trình sản xuất, cung ứng dịch vụ (19,3%).
Tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022”, bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết Sở đã triển khai thực hiện tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển, giải mã, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ trực tiếp cho các ngành công nghiệp, dịch vụ và các đề án đô thị thông minh/đô thị sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) báo cáo kết quả công tác năm 2021
Các kết quả nghiệm thu sản phẩm nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) không chỉ đóng góp tích cực cho các hoạt động trọng điểm của Thành phố, mà ngày càng giàu tính hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế số. Điển hình là nhiệm vụ “Vật liệu nanocomposite trên cơ sở graphene” đã giúp chủ động trong việc nghiên cứu chế tạo và chuyển giao ứng dụng công nghệ chế tạo pin mặt trời, không phải phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, định hướng ứng dụng trong chế tạo pin đơn, từ đó lắp ráp tạo các tấm pin mặt trời có khả năng sản xuất điện ứng dụng tích hợp trong các thiết bị di động, thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, đồng hồ, sạc dự phòng,… Hay sản phẩm “IoT DataLogger cho hệ thống đèn giao thông thông minh” có thể tùy chỉnh để tạo ra các sản phẩm IoT trong lĩnh vực giao thông, tích hợp vào hệ thống đô thị thông minh của Thành phố.
Theo tài liệu “Thực trạng và tiềm năng phát triển kinh tế số ở Việt Nam” (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, công nghệ số, dữ liệu số… để tăng năng suất lao động. Nền kinh tế số Việt Nam mặc dù chỉ mới phát triển trong một vài thập kỷ gần đây nhưng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, ở một số lĩnh vực có sự phát triển mang tính đột phá, đồng thời tạo ra nền tảng làm thay đổi phương thức quản lý, phương thức hoạt động, làm xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới ở nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế. Một trong những giải pháp để phát triển kinh tế số ở Việt Nam là cần phát triển và nâng cao tiềm lực KHCN và năng lực đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, hoạt động nâng cao tiềm lực KHCN, năng lực ĐMST phát triển kinh tế số cũng cần tăng cường đầu tư từ nhiều nguồn cho KHCN, đi đôi với đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức quản lý hoạt động KHCN. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mong muốn xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ theo hướng tạo được sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của Thành phố, tăng cường sự gắn kết và hợp tác giữa các tổ chức và doanh nghiệp KHCN để lựa chọn “nhạc trưởng” thực hiện Chương trình. Các mục tiêu đặt ra là: (1) sản phẩm phải thật sự rõ ràng và phục vụ trực tiếp cho Thành phố, kinh phí dự toán được xây dựng theo cơ chế mở; (2) linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ KHCN, thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học.
Nâng cao chất lượng hoạt động KHCN, ĐMST theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường viện là chủ thể nghiên cứu là nét mới trong hoạt động đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ. Từ đó, có thể mở ra nhiều cơ hội để tranh thủ nguồn lực xã hội trong hoạt động KHCN, ĐMST bằng nhiều hình thức như: tạo lập môi trường thử nghiệm (sandbox) có sự tham gia giữa nhà nước và khu vực tư nhân theo hướng hợp tác win - win; tổ chức nhiều sự kiện kết nối giữa các trường, viện, doanh nghiệp tham gia cùng giải quyết những vấn đề thực hiện xã hội; tham khảo ý kiến chuyên gia trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển KHCN, ĐMST.
“Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tập trung tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho các chương trình trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, giải quyết các vấn đề cấp thiết của ngành y tế, giáo dục và quản trị trong khu vực công của Thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. HCM giai đoạn 2021-2025”, trọng tâm là đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố, hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của Thành phố làm nền tảng kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực trọng tâm là chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; công nghệ tài chính; công nghệ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.”, bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết.
Hoàng Kim (CESTI)