SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Giảng viên 'nghiện' chế tạo nhận 3 giải thưởng sáng chế

28-05-2020

Trong số 8 sáng chế được vinh danh tại Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ 6, PGS.TS Trần Doãn Sơn, Giảng viên trường ĐH Bách khoa đã ‘ẵm’ luôn 3 giải.

 

Ngày 27/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ 6. Giải thưởng năm nay thu hút rất nhiều giải pháp kỹ thuật từ các cá nhân, tổ chức tham gia, trong đó, có nhiều sáng chế mang tính ứng dụng cao.

gtsc1

Giải nhất Giải thưởng Sáng chế TP.HCM được trao cho BS Phạm Thị Kim Loan với sản phẩm Gối dùng để điều trị và phòng ngừa các bệnh ở cột sống cổ. 

Tại lễ trao giải, có 8 sáng chế được vinh danh với tổng giá trị giải thưởng lên đến 160 triệu đồng. Điều đặc biệt, trong số này, PGS.TS Trần Doãn Sơn, Giảng viên Bộ môn Chế tạo máy (Khoa Cơ khí - trường ĐH Bách khoa), đã ‘ẵm’ luôn 3 giải (1 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích).

Các sáng chế đạt giải của PGS.TS Trần Doãn Sơn gồm: Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước (giải nhì), thiết bị sản xuất bánh tráng dạng tròn (giải ba) và thiết bị sản xuất bánh tráng rế tự động lấy bánh (giải khuyến khích).

Chia sẻ tại lễ trao giải, PGS.TS Trần Doãn Sơn đánh giá các sáng chế đạt giải năm nay rất đa dạng và phong phú ở nhiều lĩnh vực. Ông cũng cho biết thêm, hiện ông đã thực hiện 15 sáng chế khác nhau được đăng ký sở hữu trí tuệ. Các sáng chế này đều được thương mại hóa và chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam.

gtsc2

PGS.TS Trần Doãn Sơn, người có 3 sáng chế được vinh danh tại Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ 6

Giải thưởng Sáng chế TP.HCM ra đời từ năm 2008. Qua 6 lần tổ chức giải thưởng, chất lượng các sáng chế ngày càng cao.

“So với các giải thưởng về khoa học và công nghệ, Giải thưởng Sáng chế TP.HCM có nét đặc thù là đối tượng dự thi phải là các sáng chế đã được cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích, còn hiệu lực ít nhất 3 năm tính đến ngày nộp hồ sơ”, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết.

Mục đích của giải thưởng là tôn vinh các sáng chế đã được thương mại hóa và có tiềm năng thương mại hóa cao. Vì vậy, các sáng chế dự thi phải có tính mới đối với thế giới, có khả năng áp dụng công nghiệp và đang được khai thác trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Các sáng chế đoạt giải lần này hầu hết đã được khai thác áp dụng sản xuất, đưa ra thị trường và thương mại hóa thành công”, ông Thanh nhận xét.

shttthi

Trao giải cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về Sở hữu trí tuệ với chủ đề "Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh"

 Bên cạnh lễ tổng kết và trao giải Sáng chế, Sở KH&CN cũng tổ chức trao giải cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về Sở hữu trí tuệ với chủ đề "Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh". Đây là các hoạt động trong khuôn khổ chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 và kỉ niệm 57 năm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Cuộc thi đã thu hút gần 600 lượt người tham gia đến từ các trường đại học, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước… Kết quả, ban tổ chức đã trao 3 giải cá nhân cho 3 thí sinh có số điểm thi cao nhất với thời gian làm bài ngắn nhất; 3 giải tập thể cho 3 đơn vị có số người dự thi nhiều nhất đạt điểm trên trung bình.

Các sáng chế được vinh danh tại Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ 6:

Giải nhất (40 triệu đồng): Gối dùng để điều trị và phòng ngừa các bệnh ở cột sống cổ (bằng độc quyền sáng chế tại Úc số 2011306484, chủ sở hữu và tác giả Phạm Thị Kim Loan). Gối được thiết kế theo cấu trúc của đốt sống cổ, mặt cong thấp bảo đảm đỡ được phần cổ, đầu, vai, ôm sát đốt sống cổ, giúp đốt sống cổ giữ được độ cong sinh lý vốn có, không bị thoát vị đĩa đệm và không làm chèn ép mạch máu. Hiện nay, gối đã được bán ra thị trường trong và ngoài nước với số lượng hơn 37.000 cái với doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

2 Giải nhì (mỗi giải 32 triệu đồng):

+ Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước (bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2065, chủ sở hữu trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, tác giả Trần Doãn Sơn). Thiết bị đáp ứng được công nghệ sản xuất bún từ bột gạo pha loãng thành sợi bún đã được làm chín từ từ, từ nhiệt độ thấp đến nhiệt độ cao nhờ trục vít và xy lanh có kết cấu đặc biệt. Thiết bị thao tác vận hành đơn giản, phù hợp cho nhà hàng, khách sạn. Hiện thiết bị đã được chuyển giao cho 9 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (Hoa Kỳ, Thụy Điển, Hàn Quốc, Lào) và tiến tới xuất khẩu ra thị trường châu Âu.

+ Hệ thống thoát nước mưa và nước thải có chức năng hạn chế tác động của triều cường (bằng độc quyền sáng chế số 22501, chủ sở hữu và tác giả Nguyễn Công Anh). Sáng chế về hệ thống thoát nước mưa có khả năng thoát nước trên mặt đường ngay cả khi mưa lớn kết hợp với triều cường; có thể ngăn rác, bùn, đất trôi vào lòng hố ga thu nước và các mương dẫn. Sáng chế còn có cơ cấu ngăn mùi và các sinh vật như chuột, gián tránh ô nhiễm; xử lý sơ bộ ô nhiễm nước mưa và nước thải. Ngoài ra, giải pháp còn chống được mất cắp hố ga và tránh việc người di đường rơi xuống hố ga. Hiện sáng chế này đã được đưa vào triển khai tại một số dự án của Công ty TNHH Mục tiêu môi trường và Cộng đồng, và chuyển quyền sử dụng cho các đơn vị khác.

Giải ba (24 triệu đồng): Thiết bị sản xuất bánh tráng dạng tròn (bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1936, chủ sở hữu là trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, tác giả Trần Doãn Sơn). Thiết bị bao gồm trục tạo hình bánh, cụm hấp bánh và cụm lấy bánh, giúp làm tăng năng suất, tránh lãng phí nguyên liệu sau tạo hình, tạo ra sản phẩm có chất lượng và mẫu mã như mong muốn. Giải pháp này đáp ứng được yêu cầu của công nghệ sản xuất từ bột gạo pha loãng thành bánh tráng dạng tròn có đường kính và độ dày hợp lý, đã được chuyển giao cho 9 doanh nghiệp trên cả nước.

4 giải khuyến khích (8 triệu đồng/giải): Quạt hộp có cơ cấu chuyển hướng gió theo chiều ngang, chiều dọc và tản gió đa chiều (tác giả Trần Chí), Thiết bị sản xuất bánh tráng rế tự động lấy bánh tráng (tác giả Trần Doãn Sơn), Móng nêm (tác giả Lê Hiệp Tuấn), Hệ thống ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn xe ô tô (tác Nguyễn Long Uy Bảo).

 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353