SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Hệ thống đào tạo và khảo thí trực tuyến cho khối K12

18-10-2021

Hệ thống Smart Elearning tiếp tục được giới thiệu đến các quận huyện, Thành phố Thủ Đức, các trường và cơ sở giáo dục thông qua hội thảo trực tuyến ngày 16/10: “Hệ thống Smart Elearning - Giải pháp tổng thể đào tạo và khảo thí trực tuyến cho khối K12”.

Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng với Sao Mai Education Group tổ chức nhằm thúc đẩy ứng dụng giải pháp công nghệ giúp nâng cao hiệu quả kết hợp chuyển đổi số trong đào tạo.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ (Chủ nhiệm CLB các Cơ sở Đào tạo, Bồi dưỡng tiếng Anh phía Nam - STESOL) cho biết, hiện nay, các trường trung học phổ thông ở nước ta đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp LMS phục vụ đào tạo trực tuyến. Các thầy cô giáo đã quen sử dụng các công cụ, phương pháp tích hợp công nghệ thông tin vào dạy học hiệu quả. Tuy nhiên, cần có giải pháp toàn diện hơn để đảm bảo dạy học online không phải là tạm thời mà là một giải pháp ổn định lâu dài, phục vụ cho chuyển đổi số. Đối với trường phổ thông, nền tảng dạy học trực tuyến cần chú ý đảm bảo các tiêu chí quan trọng: giao diện (tùy biến, đa dạng và hỗ trợ smartphone); công cụ kiểm tra/đánh giá (hỗ trợ nhiều định dạng câu hỏi để kiểm tra, đánh giá); bộ công cụ tạo bài giảng/học liệu cho giáo viên phải phong phú, đa dạng; công cụ báo cáo, hỗ trợ công tác quản lý; tích hợp hệ thống video conferencing.

08HDKHLVhtSaomaih2.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Vũ trình bày về các tiêu chí của một hệ thống Elearning cho trường phổ thông.

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên (chuyên gia Elearning - Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng Giáo dục, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam) cho rằng, hệ thống dạy học online không chỉ tạo tính nhất quán dễ dàng cho giáo viên mà còn thuận lợi cho học sinh, từ việc thiết kế bài giảng, thiết kế nội dung học tập cho đến đánh giá/quản lý học sinh, tăng cường tính tương tác, nâng cao tính sáng tạo, chủ động của học sinh. Hiện nay, đối với tình hình dịch bệnh, một hệ thống dạy học trực tuyến tốt sẽ giúp thiết kế bài giảng một cách bài bản; nội dung hoạt động học tập lấy người học làm trung tâm; mục đích học tập đều hướng đến tăng cường giá trị học tập cho học sinh; thúc đẩy tính đồng sáng tạo, đồng học tập, tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong lớp học; trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ nhanh chóng tiếp cận tiến bộ công nghệ và hỗ trợ trở thành công dân toàn cầu.

Ông Đào Ngọc Hoàng Giang (Tổng Giám đốc Sao Mai Education Group) cho biết, đến nay, các cơ sở pháp lý phục vụ cho đào tạo trực tuyến đã tương đối hoàn chỉnh. Các quy định, công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Tài chính cũng đều yêu cầu tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp bao gồm hệ thống LMS, hệ thống LCMS và số hóa các hoạt động quản lý, đào tạo. Theo đó, hệ thống quản lý học tập (LMS) là một hệ thống dịch vụ quản lý việc phân phối và tìm kiếm nội dung học tập cho người học, tức là LMS quản lý các quá trình học tập. Hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS): một LCMS là một môi trường đa người dùng, ở đó các cơ sở đào tạo có thể tạo ra, lưu trữ, sử dụng lại, quản lý và phân phối nội dung học tập trong môi trường số từ một kho dữ liệu trung tâm. LCMS quản lý các quá trình tạo ra và phân phối nội dung học tập.

08HDKHLVhtSaomaih3.jpg

Ông Đào Ngọc Hoàng Giang giới thiệu về hệ thống Smart Elearning.

Do đó, Sao Mai Education Group đã xây dựng hệ thống Smart Elearning là một hệt thống đào tạo trực tuyến (LMS, LCMS) hoàn chỉnh. Hệ thống được phát triển dựa trên nền tảng Web (WBT – Web Based Training), là hình thức sử dụng website để đào tạo. Người dạy có thể soạn bài giảng trực tiếp trên web. Người học truy cập trang web để tham gia học tập và làm bài kiểm tra. Các thông tin của người học, tài liệu sẽ được lưu trữ trên các cloud server.

Về các chức năng, Smart Elearning được phân nhóm linh hoạt, phục vụ hoạt động của từng vai trò như lãnh đạo nhà trường, quản trị hệ thống, người dạy, người học. Đối với lãnh đạo, quản lý, có thể tạo lập khóa học bất kỳ, kết nạp thành viên trong khóa học, theo dõi tiến trình của người học, theo dõi lịch sử hoạt động người học, phân công giáo viên phụ trách khóa học, chọn ngôn ngữ, thay đổi giao diện,… Chức năng cho quản trị hệ thống: cho phép người quản lý xem chi tiết thông tin về toàn bộ học viên; các lựa chọn để tìm kiếm học viên, lọc danh sách; tra cứu dữ liệu học viên phục vụ công tác đào tạo; xem và xuất báo cáo hoạt động của người học;… Chức năng cho người dạy: soạn và phân bố tài nguyên cho người học; cung cấp nội dung học tới người học (các file văn bản, ebook, các file đa phương tiện); gửi thông báo tới một nhóm hoặc tất cả học viên; tạo diễn đàn trao đổi thảo luận với đồng nghiệp và học viên; tạo bài học mới, tạo chuỗi bài tập, tạo bài thi, kiểm tra trắc nghiệm, tự luận; giám sát hoạt động của học viên trong khóa học. Chức năng cho người học: xem các khóa học hiện hành; xem các báo cáo hoạt động trên hệ thống; sử dụng các diễn đàn để trao đổi học tập với thầy cô và các bạn; nhắn tin riêng cho quản trị, giáo viên hoặc bạn học; thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá trực tuyến; theo dõi kết quả học tập.

Theo ông Giang, với bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về đào tạo trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh đã và đang là xu hướng tất yếu trong tương lai, hệ thống Smart Elearning được thiết kế để giúp các đơn vị giáo dục đảm bảo, phát huy tối đa chức năng, nghiệp vụ đồng thời tạo điều kiện để người học chủ động về không gian, thời gian, địa điểm, học tập… Các chức năng chính nổi bật của Smart Elearning đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một hệ thống đào tạo trực tuyến hoàn chỉnh như: xây dựng bài giảng và kho học liệu đào tạo trực tuyến; giảng dạy trực tiếp qua video conferencing; tổ chức thi, kiểm tra và đánh giá trực tuyến. Vì vậy, giảng viên có thể soạn thảo bài giảng trực tiếp trên web với kho bài giảng và học liệu dễ kiểm soát do được cấu trúc theo biên mục và đối tượng tùy chọn. Học viên chỉ cần kết nối internet là sẵn sàng để học tập, kiểm tra, thi… bằng mọi thiết bị. Hiện tại, Sao Mai có thể triển khai hoàn thiện hệ thống và hiệu chỉnh theo yêu cầu của các đơn vị có nhu cầu sử dụng. Đồng thời thiết kế nhiều mô hình phòng học online, offline, phòng học thông minh, đa chức năng, phục vụ linh hoạt, đa dạng cho các hoạt động đào tạo thực tế.

08HDKHLVhtSaomaih4.jpg

Phần thảo luận, chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Phan Thị Quý Trúc (Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, dưới góc nhìn về KH&CN, Sở rất ủng hộ, khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục. Giải pháp đào tạo trực tuyến là một trong những hoạt động cần thiết của số hóa, ứng dụng công nghệ trong giáo dục và đào tạo. Tại TP.HCM, số lượng doanh nghiệp startup về công nghệ giáo dục chiếm khoảng 15%, trong đó tập trung vào giải pháp đào tạo trực tuyến. Elearning không chỉ ứng dụng cho học sinh, sinh viên mà cả các doanh nghiệp, công chức, viên chức cũng cần tiếp cận, làm quen với đào tạo trực tuyến. Định hướng của Thành phố trong phát triển lĩnh vực này là tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu R&D, thương mại hóa những giải pháp công nghệ ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục; hình thành hệ sinh thái công nghệ về giáo dục để có nhiều nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy phát triển những công nghệ chuyển đổi số về giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, giảng dạy, đào tạo; hình thành chương trình hợp tác công tư để triển khai dài hạn cho việc phát triển những giải pháp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong giáo dục. Về các chính sách hỗ trợ, Sở KH&CN TP.HCM hiện có nhiều chương trình cụ thể, tùy vào khả năng của mỗi doanh nghiệp, Sở có thể tư vấn hướng dẫn đăng ký những gói chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn nhà nước.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353