Minh bạch lợi ích sẽ tạo động lực hình thành tài sản trí tuệ
09-09-2020Việc phân chia rõ ràng lợi nhuận có được từ thương mại hóa hoặc chuyển giao công nghệ sẽ tạo động lực để nhà khoa học nghiên cứu, đem lại nguồn thu cho bản thân cùng đơn vị công tác.
Là đơn vị chuyên nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghệ thực phẩm và y dược học, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) đã có nhiều thay đổi trong nhận thức về quản trị tài sản trí tuệ.
Từ một cơ quan chỉ vừa đủ văn bản quản lý với quy mô nhỏ, nay Trung tâm đã có những “khóa” chặt chẽ nhằm bảo hộ kết quả nghiên cứu, chú trọng các quyền sở hữu, quyền nhân thân, quyền tài sản… Nhờ đó, các kết quả nghiên cứu ngày càng có giá trị kinh tế và là nguồn thu quan trọng đối với đơn vị này.
ThS. Lâm Vỹ Nguyên, đại diện Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, chia sẻ về cách quản trị tài sản trí tuệ tại Trung tâm
Không chỉ ban hành các mẫu cam kết về việc bảo mật và sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học cho nhân viên và sinh viên thực tập, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM còn ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ và thành lập Ban quản trị tài sản trí tuệ nhằm quy định rõ các quy trình, quy chế quản lý các kết quả nghiên cứu và sản phẩm thương mại hóa, làm minh bạch nghĩa vụ và quyền lợi cho nhà khoa học.
Cụ thể, tùy theo mức độ đóng góp trong việc tạo ra kết quả nghiên cứu của các bên mà quy định quyền công bố thuộc về bên nào, và những cá nhân nào được công nhận là tác giả/đồng tác giả của kết quả nghiên cứu. Đồng thời căn cứu vào tỷ lệ sở hữu để phân chia lợi nhuận có được từ việc thương mại hóa hoặc chuyển giao công nghệ. Đối với phần lợi nhuận thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, nhóm tác giả hưởng 20% nếu là thương mại hóa, hoặc 30% nếu là chuyển giao công nghệ.
“Đây là mức hưởng gấp 2 lần mức tối thiểu được Luật Sở hữu trí tuệ quy định. Chính điều này đã tạo động lực cho nhân sự quyết tâm thực hiện nghiên cứu thành công”, ThS. Lâm Vỹ Nguyên, đại diện Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo giới thiệu và lấy ý kiến xây dựng "Quy trình ghi nhận, xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ" được hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 8/9/2020.
Hội thảo giới thiệu và lấy ý kiến xây dựng "Quy trình ghi nhận, xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ" được tổ chức tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI)
Tại hội thảo, bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đã đưa ra dự thảo quy trình thực hiện quản lý tài sản trí tuệ đối với một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ gồm 10 bước. Cụ thể:
- Bước 1: Đăng ký nhiệm vụ/đặt hàng thực hiện nhiệm vụ và tra cứu thông tin.
- Bước 2: Tổ chức xét duyệt/tuyển chọn (đặt hàng hoặc theo ý tưởng của các tổ chức/cá nhân).
- Bước 3: Ghi nhận, xác lập quyền đối với các kết quả nghiên cứu (ký kết hợp đồng) theo dự đoán ban đầu.
- Bước 4: Cam kết của người tham gia nghiên cứu.
- Bước 5: Ghi nhận, xác lập quyền tài sản trí tuệ.
- Bước 6: Nghiệm thu, cam kết bảo mật khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ (nếu cần).
- Bước 7: Đăng ký thông tin kết quả nhiệm vụ (trong đó có tài sản trí tuệ) thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014.
- Bước 8: Xử lý tài sản trí tuệ sau nghiệm thu.
- Bước 9: Ký kết thanh lý hợp đồng, thực hiện theo mẫu Biên bản thanh lý ban hành kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-BKHCN ngày 10/4/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc theo quy định ban hành của cơ quan quản lý nhiệm vụ.
- Bước 10: Theo dõi và quản lý tài sản trí tuệ hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo các quy định hiện hành.
Bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, phát biểu tại hội thảo
Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, tài sản trí tuệ phát sinh từ hoạt động khoa học và công nghệ là sản phẩm trí tuệ phát sinh trong hoạt động khoa học và công nghệ; có thể nhận biết và mô tả một cách tách biệt, có khả năng mang lại giá trị kinh tế cho chủ thể đầu tư để sáng tạo, sáng tạo ra hoặc nắm giữ/chiếm giữ hợp pháp sản phẩm trí tuệ đó và chủ thể tương ứng có thể kiểm soát được việc sử dụng, khai thác sản phẩm trí tuệ đó.
Hoạt động quản trị loại tài sản trí tuệ này gồm phân định và xác lập quyền sở hữu; ghi nhận các tác giả, đồng tác giả của các đối tượng tài sản trí tuệ tương ứng với hoặc hàm chứa trong các tài sản trí tuệ đó; xác định quyền và nghĩa vụ của các tác giả đồng tác giả và các đơn vị, bộ phận tham gia vào nhiệm vụ khoa học và công nghệ; ghi nhận, quản lý, khai thác và phân bổ lợi ích phát sinh từ các tài sản trí tuệ mới giữa các bên tham gia tạo lập các tài sản trí tuệ tương ứng.
Theo đó, mỗi tài sản trí tuệ mới phát sinh phải được nhận diện rõ từng đơn vị trong quá trình chuẩn bị, thực hiện và nghiệm thu nhiệm vụ để làm cơ sở để xúc tiến các giao kết li-xăng, chuyển giao công nghệ hoặc thương mại hóa. Đây cũng là cơ sở để các bên phân chia lợi nhuận, tránh xảy ra tranh chấp.