SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nghiên cứu và phát triển là nền tảng của khởi nghiệp

13-02-2019

Ông Nguyễn Việt Dũng tin rằng, con đường để khởi nghiệp thành công phải là sự kết hợp giữa khối academy – các viện – trường, trung tâm nghiên cứu phát triển và khối industry – nhóm thị trường, doanh nghiệp

Ông Nguyễn Việt Dũng - Đại biểu quốc hội, giám đốc sở khoa học công nghệ TP.HCM. Ảnh VietTimes
Ông Nguyễn Việt Dũng - Đại biểu quốc hội, giám đốc sở khoa học công nghệ TP.HCM. Ảnh VietTimes
 
Ông Nguyễn Việt Dũng bắt đầu sự nghiệp với vai trò là nhà khoa học, rồi là giám đốc công ty tin học, giám đốc Bưu điện TP.HCM, rồi bí thư quận, sang đến đại biểu quốc hội và là chiến lược gia của khởi nghiệp TP.HCM.
 
Báo Khoa học & Phát triển hỏi chuyện ông ngày đầu Xuân.
 
KHPT: Thưa ông, đến hôm nay có lẽ ông đã có những phác họa về những trọng tâm của đổi mới sáng tạo của TP.HCM trong những năm tới rồi đúng không ạ?
 
Ông Nguyễn Việt Dũng: Tầm nhìn của thành phố rất rõ, khi câu chuyện thành phố thông minh và thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được cụ thể hóa bằng những đề án trực tiếp có thể hình thành bức tranh khoa học công nghệ của một khu đô thị sáng tạo.
Theo góc nhìn cá nhân tôi, muốn có đột phá trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cách duy nhất là gắn chặt sự tham gia của khu vực academy - khối nghiên cứu chuyên sâu của các trường, các viện để làm nền tảng vững chắc của đổi mới sáng tạo, sau đó, khởi nghiệp là việc ứng dụng vào đời sống để giải quyết các vấn đề của xã hội thông qua công nghệ.
 
Những trọng tâm 2019 nào sẽ cụ thể hóa tầm nhìn này như thế nào, thưa ông?
 
Chúng ta rõ ràng có hai thế mạnh và lợi thế so sánh so với các quốc gia khác liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và nông nghiệp công nghệ cao. Với IT, thì cái đầu quan trọng hơn cái máy, một bạn kỹ sư công nghệ thông tin chỉ cần một cái máy tính đủ mạnh thì có thể ngồi bất kỳ đâu để tạo ra sản phẩm của mình chứ không cần phải đầu tư quá lớn vào máy. Mà nhân lực Việt Nam mình, luôn là đội ngũ có khả năng học tập và thích ứng tốt với những công nghệ mới. Còn lại, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là bước tiếp theo cho sự phát triển của một quốc gia lấy nền tảng làm nông nghiệp đi lên như Việt Nam. Hai ngành này, sẽ kéo theo các ngành công nghiệp đi kèm phát triển, chẳng hạn công nghệ sinh học, tự động hóa… Hệ sinh thái từ đó mà lớn mạnh lên.
 
Đó là chuyện từ thực tiễn mà mình thấy. Làm quản lý khoa học, cần hiểu rằng chuyện không phải do mình nghĩ ra, mà cần hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh để tạo ra các chương trình. Chẳng hạn, chương trình phát triển vi mạch Việt Nam, là để phục vụ cho câu chuyện dài hạn về thành phố thông minh… Tôi thích cách làm từ cơ sở cung cấp những mong muốn của cuộc sống, đề nghị lên trên, từ đó có thể hình thành các chương trình hợp tác công tư để doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện công tác nghiên cứu khoa học chung với viện, trường. Nếu như vậy, nhà nước chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ, còn mỗi bên tự có những thế mạnh riêng của mình.
 
À, đó là mô hình liên kết ba nhà…
 
Tôi không thích cách nói là liên kết 3 nhà (nhà trường, nhà nước và nhà doanh nghiệp), bởi nói vậy là đã đóng khung vai trò của từng bên rồi. Tôi thích cách tiếp cận là nhà nước phải điều tiết sự liên kết giữa khối academia - nhóm nghiên cứu và khối industry - ngành nghề công nghiệp ngoài thị trường.
 
Tôi nhớ lúc sang Nhật, có ông giáo sư đang nghiên cứu cách làm ra những chiếc máy sản xuất vi mạch ở kích thước nhỏ tiện dụng. Nhưng ông không làm một mình, làm cùng ông là một nhóm các doanh nghiệp đầu ngành. Khi ông tính toán ra được các phương án, thuật toán, công thức… thì các nhà công nghiệp này đưa vào sản xuất thử nghiệm. Vì sao phải là họ, vì nhà công nghiệp mới có đủ máy móc, công cụ thể sản xuất ra những chiếc máy này. Sau đó chỗ nào không ổn, thì họ phản hồi trở lại ngay, để ông giáo sư lại lao vào nghiên cứu, điều chỉnh hoặc chuyển sang một hướng tiếp cận khác. Cứ như thế, khi mà đề tài khoa học này được nghiệm thu, cũng chính là lúc sản phẩm sẵn sàng tiếp cận thị trường.
 
Vậy đó, nếu không có các đơn vị làm công tác thương mại hóa công nghệ chuyên nghiệp, thì các thầy ở trường đại học phải tự đi bán hàng, vừa không hiệu quả, vừa lãng phí nguồn lực xã hội.
 
Gần đây, nhiều doanh nghiệp rất lớn, mà chúng ta thường gọi là “đại gia”, chẳng hạn Vingroup, bắt đầu nhảy vào tham gia mảng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Ông nghĩ gì về điều này?
 
Tôi rất ủng hộ động thái tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn vào câu chuyện khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây là một tín hiệu tốt để tạo ra những đơn vị có đủ tiềm lực, am hiểu thị trường và dám đầu tư cho câu chuyện mới, lớn và dài hạn. Câu chuyện của Vingroup, có lẽ, sẽ tạo tiền đề để những Viettel, VNPT, FPT... tăng tốc hơn trong việc trở thành doanh nghiệp dẫn dắt. Điều tôi mong đợi, là những “ông lớn” này, chia sẻ với cộng đồng các nhà khoa học, những người khởi nghiệp những định hướng, con đường mà mình mong muốn hướng tới, để cộng đồng có thể tham gia vào những dòng chảy chủ đạo của quá trình phát triển.
 
Một điều quan trọng khác, là những ông lớn cũng cần có sự “fair - bình đẳng” khi làm việc với giới khởi nghiệp để tạo cơ hội cho những startup có thêm động lực để tiếp tục phát triển. Nhiều doanh nghiệp lớn vẫn cứ thích thâu tóm các startup tốt, nên tạo ra sự lo lắng và bất bình đẳng trong hợp tác. Sự chuyên nghiệp, hiệu quả và tôn trọng giá trị thị trường của những người chơi mới trong hệ sinh thái sẽ làm thay đổi bức tranh chung. Sẽ là điều rất thú vị mà tôi hết sức ủng hộ những tác nhân có khả năng tạo ra sự đột phá.
 
Thật ra, “fair” cũng cần có hai chiều, đúng không ạ?
 
Cái đó tôi gọi nôm na là “văn hóa khởi nghiệp”. Cái tư duy hợp tác và làm chung vẫn còn chưa mạnh ở nhiều bạn khởi nghiệp. Cách làm hiện giờ là vẫn lo sợ “bị mất” hơn là “muốn được”. Bây giờ, ai cũng làm các ứng dụng gọi xe, sao không tìm cách ngồi lại với nhau để lên một chiến lược “chiến đấu với Grab”. Quá trời ứng dụng ví điện tử, sao không hình thành một liên minh đủ mạnh để trở thành “sản phẩm quan trọng của nền tài chính Việt Nam”? Bài toán liên kết, bản chất của nó rất đơn giản: có muốn liên kết không? Tôi có gì, anh có gì, vì sao chúng ta cần nhau? Vậy nên điểm bắt đầu của việc “fair” chính là tư duy cùng làm.
 
Là đơn vị tiên phong của cả nước, ông nghĩ TP.HCM nên làm gì để lúc nào cũng tiếp tục hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả hơn?
 
Quan điểm của tôi là mở cửa toàn bộ nguồn lực để xã hội cùng tham gia thực hiện các hoạt động liên quan tới khởi nghiệp. Saigon Innovation hub là một cánh cửa mà chúng tôi mở ra để cộng đồng khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với chính sách và ngân sách thành phố. Những câu chuyện mới toanh, của Bút Chì Màu, của Circo, của những thành viên SpeedUp, đều là các bạn tự tìm đến gõ cửa thành phố. Tôi tin rằng TP.HCM là một thành phố cởi mở và sẵn lòng với những phát kiến mới, những ứng dụng mới. Tôi hay bảo rằng, khởi nghiệp là phải làm cùng nhau. Và tôi sẽ cùng làm với các bạn.
 
Xin cảm ơn và chúc ông năm mới nhiều sáng tạo mới.
 
Trần Nguyên - khoahocphattrien.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378