SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nghiên cứu xây dựng quy trình triển khai và quản lý khu công nghệ thông tin tập trung

21-10-2021

Dựa trên kinh nghiệm từ chuỗi công viên phần mềm Quang Trung, nhóm nghiên cứu trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) đã đề xuất các giải pháp tối ưu nhằm xây dựng, quản trị hiệu quả các khu CNTT tập trung trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận. 

Trong những năm qua, TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về hình thành và phát triển các Khu công nghệ thông tin (khu CNTT) tập trung, nổi bật có thể kể đến như Công viên phần mềm (CVPM) Quang Trung (QTSC), Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM… và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Đáng chú ý, TP.HCM cũng là địa phương duy nhất của cả nước thí điểm thành lập và vận hành Chuỗi CVPM Quang Trung.

Phát triển các khu CNTT tập trung được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những định hướng trọng tâm phát triển của ngành công nghiệp CNTT, tạo nên động lực quan trọng để thực hiện công cuộc đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp trong giai đoạn tới.

Mặc dù đạt được những thành công nhất định, song sự phát triển các khu CNTT tập trung tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng chưa thể hiện được vai trò tương xứng là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT.

Cụ thể, các khu CNTT tập trung chưa hình thành được các khu trọng điểm ngang tầm khu vực và quốc tế để thu hút đầu tư công nghệ cao từ nước ngoài cũng như động lực để thúc đẩy phát triển các khu CNTT tập trung khác trên cả nước; Chưa có sự đồng bộ trong việc phát triển khu CNTT tập trung để tạo thành chuỗi các khu, hướng tới việc tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của các địa phương; Thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng khu cũng như hỗ trợ việc ươm tạo các doanh nghiệp trong khu CNTT tập trung.

cntttt

Công viên phần mềm Quang Trung nhìn từ trên cao.

Chính vì vậy, Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) đã nghiên cứu, hoàn thiện “Tài liệu hướng dẫn triển khai và quản lý Khu công nghệ thông tin tập trung” nhằm mục đích đề xuất mô hình tổ chức, hoạt động cùng các quy trình quản lý, quản trị, vận hành Khu CNTT tập trung một cách khoa học, hiệu quả. Đây cũng chính là nhiệm vụ khoa học được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu hồi trung tuần tháng 8/2021.

PGS.TS Trần Tiến Khoa, chủ nhiệm đề tài cho biết, bộ tài liệu được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình quản lý thành công của Chuỗi CVPM Quang Trung, qua đó cung cấp tài liệu hướng dẫn triển khai, quản trị và các chỉ tiêu đánh giá hoạt động cho các khu CNTT tập trung. Đồng thời, giúp thúc đẩy sự phát triển của các khu CVPM, khu công nghệ khác, tạo tiền đề cho việc hình thành phát triển Khu CNTT tập trung tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.

Sau quá trình nghiên cứu, nhóm đã hoàn thiện nhiệm vụ khoa học với sản phẩm là tài liệu hướng dẫn triển khai và quản lý khu công nghệ thông tin tập trung, bao gồm 21 quy trình vận hành nội khu (chương trình đào tạo chi tiết cho từng đối tượng) và 2 chương trình đào tạo.

Định hướng chiến lược phát triển

Theo PGS.TS Trần Tiến Khoa, đối tượng mục tiêu của nghiên cứu này các nhà quản lý cấp C và trưởng nhóm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành CNTT tại CVPM Quang Trung và Khu công nghệ cao TP.HCM.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, lý do chọn các cấp quản lý làm đối tượng nghiên cứu là vì họ đã đối mặt với một số vấn đề về quản lý, có đủ kinh nghiệm thực tế và đủ thẩm quyền để trả lời các câu hỏi về lãnh đạo, định hướng kinh doanh, năng lực năng động, lợi thế cạnh tranh và các vấn đề cấp quản lý tổ chức khác. Mặt khác, những người được hỏi này cũng có thể đưa ra những đánh giá khách quan để phản ánh phong cách lãnh đạo của cấp trên mà không làm sai lệch kết quả nghiên cứu.

cntttt1

Quá trình cải tiến liên tục: Các yêu cầu chính

Để thu thập dữ liệu từ những người trả lời được chọn, một bảng câu hỏi với cấu trúc được thiết kế và đánh giá bởi hội đồng chuyên gia gồm các nhà quản lý CNTT, để đưa ra những điều chỉnh ban đầu phù hợp với thực tiễn cơ bản của ngành này. Sau đó, một số trưởng nhóm hoặc quản lý cấp C của các doanh nghiệp vừa và nhỏ CNTT được chọn để trả lời bảng câu hỏi đã sửa đổi.

Sau thử nghiệm và điều chỉnh, khảo sát trực tuyến được gửi đến hơn 700 email của những người trả lời tiềm năng từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các email này được cung cấp bởi bộ phận dịch vụ khách hàng của CVPM Quang Trung.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng thực hiện một cuộc phỏng vấn chuyên sâu với 15 chuyên gia và 4 nhà quản lý công ty có quy mô lớn. Họ là những nhà quản lý cao cấp, CEO, giám đốc và trưởng nhóm có kiến thức, thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực AI, CNTT, phần mềm… Công ty của họ không chỉ hoạt động trong ngành CNTT mà còn đặt trụ sở trong khu vực CVPM Quang Trung.

Từ kết quả thu về của khảo sát và các ý kiến của các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm phát triển mô hình Khu CNTT tập trung.

Cụ thể, trước hết các Khu CNTT tập trung cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể lựa chọn các thành viên gia nhập nhằm hình thành một hệ thống liên kết mạnh mẽ, đóng vai trò thúc đẩy khoa học và công nghệ ở các vùng kinh tế trọng điểm, từ đó tạo động lực lan tỏa cho các khu vực lân cận.

Không những vậy, cần tăng cường quảng bá mô hình Khu CNTT tập trung bằng nhiều hành động cụ thể với công cụ quảng bá phù hợp (trực tuyến kết hợp ngoại tuyến), nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các thành viên tiềm năng gia nhập chuỗi trong tương lai.

cntttt2

Mô hình phát triển bền vững

Theo PGS.TS Trần Tiến Khoa, để xây dựng một mô hình Khu CNTT tập trung vững mạnh cũng cần có sự tăng cường liên kết với các trường đại học, trung tâm đào tạo tại địa phương, đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao chuẩn đầu ra, cải thiện số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNTT. Khuyến khích việc ứng dụng CNTT, ươm mầm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương của mỗi thành viên trong chuỗi thông qua việc tiếp cận cơ sở hạ tầng chuỗi và tiếp cận nguồn vốn.

Khu CNTT tập trung nên tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo chuyên đề, trao đổi định kỳ nhằm ghi nhận ý kiến và tìm giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng vận hành, quản lý, chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên gia nhập chuỗi. Cung cấp đội ngũ chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao hỗ trợ các thành viên mới trong giai đoạn đầu và thường xuyên trao đổi các đoàn đến học tập kinh nghiệm.

Ngoài ra, các thành viên mới nên tận dụng tối đa kinh nghiệm phát triển của CVPM Quang Trung, xây dựng Khu CNTT tập trung hoàn chỉnh, cần quan tâm đến địa điểm phát triển có hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối, nên quy hoạch phát triển có tầm nhìn chiến lược dài hạn để tận dụng tối đa lợi ích về quy mô.

Nhóm nghiên cứu cho biết, từ kết quả đề xuất của mô hình trên phát triển, nhóm cũng chuẩn hóa các quy trình triển khai quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Khu CNTT tập trung sắp tới tại các địa phương và trở thành thành viên chính thức của chuỗi CVPM.

Bên cạnh đó, sản phẩm của đề tài cũng giúp cho Ban quản lý Khu CNTT tập trung tiếp cận được nhiều kiến thức ngoài quản trị còn hướng tới tăng trưởng, phát triển bền vừng và nắm kịp xu hướng. 

Sản phẩm của đề tài hiện đã và đang được ứng dụng ngay tại CVPM Quang Trung (TPHCM), đồng thời giúp Hội đồng Quản lý CVPM Quang Trung triển khai cho các thành viên trong chuỗi CVPM tại các địa phương đang và dự kiến thành lập khu CNTT tập trung. Sản phẩm của đề tài chủ yếu phục vụ cho Ban quản lý hay các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ triển khai quản lý khu CNTT tập trung tại các địa phương. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng giúp gia tăng hình ảnh thương hiệu CVPM Quang Trung thông qua công bố khoa học trên tạp chí có uy tín trên thế giới.


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353