SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành: cơ chế, chính sách thông thoáng đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

17-11-2023
Tổng quan Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và các Nghị định quy định chi tiết; Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; Những điểm mới của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Những điểm mới về các vấn đề chung liên quan đến sở hữu công nghiệp; Những điểm mới của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là 5 nội dung của phiên đầu tiên Hội thảo “Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành”, diễn ra vào sáng ngày 15/11/2023, do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

17112023ht5.jpg

Hội thảo đã thu hút được gần 300 đại biểu tham dự

Tham dự Hội thảo về phía Cục Sở hữu trí tuệ có ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng và các đại diện thuộc Phòng Pháp chế và Chính sách; về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở và các đại diện thuộc Phòng Quản lý Sở hữu Trí tuệ, Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở cùng với gần 300 đại biểu là đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam, Văn phòng Cục Bản quyền tác giả tại TP.HCM; Tòa án nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân quận, huyện, TP Thủ Đức; các cơ quan thực thi quyền Sở hữu trí tuệ như Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Thanh tra chuyên ngành và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; các công ty luật, đại diện sở hữu công nghiệp; các doanh nghiệp, hiệp hội; các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu…

17112023ht.jpg

Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năm 2022 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành và bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành. Đồng thời, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Sau khi Luật được ban hành, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan phổ biến các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi. Đồng thời, tiến hành tổ chức thực hiện soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng như trình Bộ Khoa học và Công nghệ để ban hành Thông tư hướng dẫn. Ngoài mạch của Bộ Khoa học và Công nghệ là các Nghị định, Thông tư liên quan đến sở hữu công nghiệp thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đồng thời trình các dự thảo Nghị định để hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết trong lĩnh vực Quyền tác giả, Quyền liên quan và Quyền đối với giống cây trồng. Với kỳ vọng của Ban tổ chức, tôi hy vọng rằng Hội thảo này sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, các thông tin chia sẻ từ phía đại diện Cục Sở hữu trí tuệ sẽ được quý đại biểu tiếp thu cùng với thực tế làm việc mà thẳng thắn trao đổi, thảo luận để Luật này đi vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Văn Bảy chia sẻ.

Tại Hội thảo, ông Hoàng Anh - Phó trưởng phòng Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ đã trình bày 2 chuyên đề: (1) Tổng quan Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và các Nghị định quy định chi tiết; (2) Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Cụ thể, ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15). Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Bố cục của Luật gồm 04 Điều: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung 88 điều hiện hành, bổ sung 14 điều mới) và bãi bỏ 02 điều; Điều 2: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan như Luật Hải quan (tên Mục 8 Chương III, khoản 2 Điều 73); Luật Khoa học và Công nghệ (Điều 41, Điều 43); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (khoản 4 Điều 105); Luật Giá (Điều 19, Điều 22). Điều 3: Hiệu lực thi hành; Điều 4: Quy định chuyển tiếp.

Nội dung cơ bản của Luật gồm 7 chính sách, bao gồm: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu Quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu Quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao Quyền tác giả, Quyền liên quan; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký Quyền tác giả, Quyền liên quan, thủ tục xác lập Quyền sở hữu công nghiệp; Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

17112023ht1.jpg

Ông Hoàng Anh - Phó trưởng phòng Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày các chuyên đề tại Hội thảo

Bên cạnh đó, còn có các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật như Nghị định 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ Quyền sở hữu công nghiệp, Quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Hiệu lực thi hành từ ngày 23/8/2023. Thay thế một phần/toàn bộ các Nghị định: Nghị định 103/2006/NĐ-CP; Nghị định 105/2006/NĐ-CP (các quy định về bảo vệ quyền trong lĩnh vực Quyền sở hữu công nghiệp, Quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ); Nghị định 119/2010/NĐ-CP; Nghị định 122/2010/NĐ- CP; Nghị định 154/2018/NĐ-CP (Điều 1). Cũng như, Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về Quyền tác giả, Quyền liên quan. Hiệu lực thi hành từ ngày 26/4/2023. Thay thế một phần/toàn bộ các Nghị định: Nghị định 22/2018/NĐ-CP; Nghị định 105/2006/NĐ-CP (quy định về bảo vệ Quyền trong lĩnh vực Quyền tác giả, Quyền liên quan); Nghị định 119/2010/NĐ-CP.

“Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì có các điểm như: tính mới của sáng chế, Quyền đăng ký sáng chế, yêu cầu chung đối với đơn sáng chế, kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài, thẩm định đơn, sáng chế mật, từ chối cấp văn bằng bảo hộ, sửa đổi văn bằng bảo hộ, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm, căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế, điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quy định bắt buộc. Hoặc yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, công bố đơn, hiệu lực của văn bằng bảo hộ, xử lý Đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp. Hay những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước gồm Quyền đăng ký, Quyền của nhà nước, nghĩa vụ của tổ chức chủ trì, các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng Quyền sở hữu công nghiệp… Trong đó, về Quyền đăng ký thì phần Quyền đăng ký tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, nếu thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia thì Quyền đăng ký thuộc về nhà nước hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.”, ông Hoàng Anh thông tin.

17112023ht2.jpg

Ông Nguyễn Quốc Việt Đức - đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày nội dung tại Hội thảo

Trình bày 2 chuyên đề: (1) Những điểm mới của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; (2) Những điểm mới về các vấn đề chung liên quan đến sở hữu công nghiệp, ông Nguyễn Quốc Việt Đức - đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, một số dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu như dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế. Hay dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài và dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế cũng như dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ…

“Nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện như có dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp của các yếu tố nêu trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa. Đồng thời, cũng phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Hay chỉ dẫn địa lý được cấp bảo hộ nếu là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể và nếu là chỉ dẫn địa lý đồng âm thì các chỉ dẫn địa lý phải có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó. Về lĩnh vực sở hữu công nghiệp các cá nhân, tổ chức nếu có nhu cầu cũng có thể tra cứu thông tin, đăng ký đơn trực tuyến trên cổng thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ ở địa chỉ https://www.ipvietnam.gov.vn”, ông Nguyễn Quốc Việt Đức chia sẻ.

17112023ht6.jpg

Các đại biểu thẳng thắn trao đổi, đặt câu hỏi với các chuyên gia

Có phần trình bày về những điểm mới của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Thanh Hằng - đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Khoản 1a: Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 198 để bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ của mình. Hoặc Điểm b, Khoản 1: Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

“Nếu cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 212. Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 201.1. sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Việc giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Hiện nay các văn bản Luật đều được công khai trên các cổng thông tin của Chính phủ và Bộ ngành, với Cục Sở hữu trí tuệ thì ở trang web ipvietnam.gov.vn, quý đại biểu quan tâm cũng có thể tìm hiểu thêm”, bà Nguyễn Thanh Hằng thông tin.

17112023ht3.jpg

 Bà Nguyễn Thanh Hằng - đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ nội dung chuyên đề 5 tại Hội thảo

Nhật Linh (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378