Tăng cường hiệu quả điều trị bệnh nhân COVID-19 với bài thuốc cổ phương Sâm Thảo Can khương thang
15-12-2022Đại học Y Dược TP.HCM đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, cũng như hoàn thiện quy trình bào chế, sản xuất quy mô thương mại đối với bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang (Cam thảo Can khương gia Nhân sâm) giúp điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình.
Là một phần không thể tách rời của hệ thống y tế Việt Nam, y học cổ truyền luôn thể hiện vai trò trong việc phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SAR-CoV-2 gây ra. Và theo đó, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 1306/BYT-YDCT về việc Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng Covid-19.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát hồi giữa năm 2020, trên cơ sở công văn 1306/BYT-YDCT của Bộ Y tế, khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Bãi Cháy (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) khi đó đã đưa ra một số phương pháp phòng dịch theo y học cổ truyền, giúp người dân bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm virus SAR-CoV-2.
Còn tại TP.HCM, Sâm Thảo Can khương thang (phát triển từ bài thuốc cổ phương Cam thảo Can khương thang gia Nhân sâm) được Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3 bào chế ở quy mô nhỏ, và sau đó cũng đã được Hội đồng đạo đức của Đại học Y Dược TP.HCM chấp thuận sử dụng cho bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ, trung bình.
PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường, chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Đánh giá hiệu quả điều trị của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang trên bệnh nhân mắc Covid-19 thể bệnh nhẹ và trung bình bằng thử dược lý in silico và thử nghiệm lâm sàng" cho biết, theo nguyên lý y học cổ truyền, cùng với các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh, cho thấy vị trí gây bệnh của Covid-19 là ở tạng "Phế, Tỳ" (hô hấp, tiêu hóa), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là "thấp độc" (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp). Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng. Nguyên nhân chủ yếu do cảm thụ các yếu tố “dịch lệ”, thường xuất hiện theo mùa (thời hành dịch độc), vào cuối đông đầu xuân. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh.
Sản phẩm thuốc y học cổ truyền Sâm Thảo Can khương thang
"Những bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng kháng virus và tăng cường miễn dịch có nhiều triển vọng để trở thành biện pháp hỗ trợ điều trị Covid-19 nhưng chưa được khám phá và chứng minh tác dụng", PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường nhấn mạnh, "Vì thế, việc nghiên cứu các bài thuốc này về tác dụng dược lý ở mức độ phân tử, đánh giá tính an toàn và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng là cấp thiết.".
Về cơ bản, các hoạt chất chính của các vị thuốc Chích cam thảo, Can khương, Nhân sâm của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang qua các nghiên cứu dược lý trước đây gồm: 6-gingerol, 8-gingerol, 6-shogaol, liquiritin, liquiritigenin, isoliquiritin, isoliquiritigenin, glycyrrhizic acid, saponin (các ginsenosid), flavonoid,…
Cơ chế tác động khả dĩ của bài thuốc trên bệnh Covid- 19 qua 2 cơ chế chính: (1) hoạt tính dược lý: tăng sức đề kháng, kháng viêm, làm giảm bớt các chemokine và cytokine gây viêm; và (2) khả năng ức chế sự lây nhiễm của SARS-CoV-2 trên một số thụ thể qua nghiên cứu.
PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường cho biết, nhóm thực hiện đã tiến hành nghiên cứu tác dụng dược lý in silico kháng Covid-19 của các hợp chất tự nhiên trong dịch thuốc sắc của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang (Cam thảo Can khương gia Nhân sâm) trên các mục tiêu tác động khác nhau của virus SARS-CoV-2, nghiên cứu độc tính của dịch thuốc sắc bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang. Sau đó, thử nghiệm can thiệp lâm sàng ngẫu nhiên nhãn mở, có nhóm chứng dịch thuốc sắc của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình.
Nhóm triển khai nhiệm vụ phát thuốc Sâm Thảo Can khương thang cho các bệnh nhân Covid-19 tự nguyện tham gia sử dụng thuốc tại BV Đại học Y Dược TP. HCM, BV dã chiến điều trị COVID-19 đa tầng Quận Tân Bình, BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, BV dã chiến điều trị COVID-19 Thủ Đức 2, Khu cách ly tập trung dã chiến Trường Cao đẳng nghề Thủ Thiêm.
Kết quả cho thấy, bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang có công dụng giảm biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong và tăng cường hiệu quả điều trị ở bệnh nhân mắc Covid-19. Nhóm thực hiện không ghi nhận bất kỳ biến cố bất lợi xảy ra trên nhóm người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình có sử dụng bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang trong thời gian nghiên cứu. Khi kết hợp bài thuốc với điều trị chuẩn thì có hiệu quả điều trị trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình cao hơn so với điều trị chuẩn, cụ thể ở các chỉ tiêu: 1) Giảm thời gian tồn tại, giảm độ nặng của đa số từng triệu chứng thường gặp và cải thiện tổng điểm độ nặng; 2) Không có sự khác biệt về tỷ lệ chuyển nặng ở người bệnh Covid-19 thể nhẹ nhưng có tác dụng làm giảm tỉ lệ chuyển nặng ở người bệnh Covid-19 thể trung bình; 3) Rút ngắn thời gian nằm viện thông qua việc rút ngắn thời gian đạt tiêu chuẩn xuất viện; 4) Rút ngắn thời gian cần thiết để giảm tải lượng virus SARS-CoV-2; 5) Không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong (Không ghi nhận bệnh nhân tử vong ở cả 2 nhóm nghiên cứu nhẹ và trung bình); và 6) Giảm tổng lượng paracetamol sử dụng.
"Nhóm sử dụng bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang kết hợp với điều trị chuẩn giúp rút ngắn thời gian đạt tiêu chuẩn xuất viện so với nhóm điều trị chuẩn ở cả 2 nhóm nhẹ và trung bình", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ nhấn mạnh, "Ngoài ra, nhóm sử dụng bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang kết hợp với điều trị chuẩn giúp rút ngắn thời gian cần thiết để giảm tải lượng virus SARS-CoV-2 (ngày) so với nhóm chứng ở cả hai nhóm nhẹ và trung bình".
Cụ thể hơn, theo báo cáo được nhóm nghiên cứu trình bày trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hồi quý 4/2022, kết quả phân tích số liệu cho thấy rằng bài thuốc nghiên cứu Sâm Thảo Can khương thang có tác dụng làm giảm thời gian tồn tại của đa phần các triệu chứng có ý nghĩa thống kê trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình, bao gồm: ho, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ, sợ lạnh, khạc đàm, giảm khứu giác, giảm vị giác, đau tức ngực, đổ mồ hôi tự phát, mất ngủ.
PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường báo cáo kết quả nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Đánh giá hiệu quả điều trị của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang trên bệnh nhân mắc Covid-19 thể bệnh nhẹ và trung bình bằng thử dược lý in silico và thử nghiệm lâm sàng"
Đối với độ nặng của triệu chứng, bài thuốc nghiên cứu Sâm Thảo Can khương thang có tác dụng làm giảm độ nặng của đa số các triệu chứng thường gặp trên người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình. Một số triệu chứng chưa phát hiện được có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê có thể do tỷ lệ người bệnh có triệu các triệu chứng này thấp nhưng đều có điểm độ nặng thấp hơn ở nhóm can thiệp, bao gồm: đau đầu, khạc đàm, giảm khứu giác, tiêu chảy, khó thở, hoa mắt, buồn nôn, chán ăn, khô miệng, lo lắng, thở khò khè, đàm có máu. Xét trên tổng thể toàn bộ triệu chứng mà người bệnh trải qua, bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang có tác dụng cải thiện tốt tổng độ nặng các triệu chứng.
Ngoài ra, từ quy trình bào chế đã được xác lập và tối ưu hóa ở quy mô phòng thí nghiệm (10 gói/mẻ), PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường cùng nhóm cộng sự tại Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã xây dựng và tiến hành tối ưu hóa quy trình bào chế quy mô thương mại 330 gói (chứa 90 ml dịch thuốc sắc của bài thuốc Sâm Thảo Can khương thang) mỗi lô với chất lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn cơ sở cho chế phẩm vốn dĩ cũng đã được nhóm nghiên cứu hoàn thiện trước đó trong quá trình triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ nói trên.
Quy trình sản xuất quy mô lớn (330 gói/lô, mỗi gói chứa 90ml dịch chiết)
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và thẩm định đạt yêu cầu Tiêu chuẩn cơ sở cho chế phẩm Sâm Thảo Can khương thang với 7 chỉ tiêu: tính chất, chênh lệch thể tích đóng gói, tỷ trọng ở 20 độ C, cắn sau khi bay hơi, định tính, định lượng và giới hạn nhiễm khuẩn.
"Quy trình định lượng saponin toàn phần và acid glycyrrhizic đạt các chỉ tiêu tính phù hợp hệ thống, độ đặc hiệu, khoảng tuyến tính, độ chính xác, độ đúng và khoảng xác định. Có thể ứng dụng các quy trình để xác định hàm lượng saponin toàn phần và acid glycyrrhizic trong chế phẩm Sâm Thảo Can khương thang", PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường khẳng định.
Tựu trung, với bài thuốc cổ phương Sâm Thảo Can khương thang, ngành y tế Việt Nam đã có thêm một phương thức mới trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình, đặc biệt thích hợp cho nhóm bệnh nhân đang không thể sử dụng các phác đồ kết hợp thuốc tây y. Chưa dừng lại ở đó, với quy trình sản xuất bài thuốc đã được chuẩn hóa và kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng thành phẩm đầu ra, có thể khẳng định rằng, đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia tại Đại học Y Dược TP.HCM đã cho thấy vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc khai thác tối đa nguồn dược liệu y học cổ truyền, để từ đó tạo ra những sản phẩm an toàn, hiệu quả hướng đến sự chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho người dân trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Thông tin liên hệ: Đại học Y Dược TP.HCM Địa chỉ: 217 Hồng Bàng, Quận 5, TP.HCM Điện thoại: 028. 3855 841 - 0933000880 Email: nghiencuukhoahoc@ump.edu.vn - thuong.ttd@ump.edu.vn |