SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tăng khả năng thích ứng của người dân ngoại thành khi chuyển đổi môi trường đô thị

02-01-2023

Nếu không đầu tư xây dựng “con người đô thị” tương thích trong môi trường mới, cho dù có đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đến đâu, cũng vẫn xuất hiện “rào cản” rất lớn khi tiến hành chuyển đổi thành đơn vị hành chính mới, từ cấp huyện lên quận hoặc thành phố thuộc thành phố.

Xây dựng các huyện lên quận, thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030 là một trong những chương trình đột phá của TP.HCM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2021 - 2025. Hiện các sở ngành đang triển khai 5 đề án nhánh: Kinh tế đô thị, Văn hóa đô thị, Hạ tầng đô thị, Con người đô thị và Quản lý nhà nước. Trong đó, đề án nhánh “Con người đô thị” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chủ trì.

Từ thực tế phát triển cho thấy, tình trạng mất cân đối xảy ra giữa dân số tăng nhanh và khai thác đất đai không hiệu quả ở ngoại thành. Cụ thể, tốc độ tăng dân số 5 huyện quá nhanh (đạt bình quân trên 3,84%/năm trong giai đoạn 2016-2020) nhưng dân cư chủ yếu tập trung ở nông thôn ngoại thành, dẫn đến diện tích đất ở của nông thôn tăng nhanh (cụ thể: diện tích đất ở tại nông thôn 5 huyện tăng bình quân trên 3,04%/năm, so với tăng 1,56%/năm đối với đất ở đô thị của 5 huyện). Sự tập trung dân cư nông thôn dẫn đến tình trạng hạ tầng quá tải và không theo kịp nhu cầu định cư (do phát triển theo chuẩn nông thôn). Bên cạnh đó, bộ máy quản lý (nông thôn) cũng không theo kịp, dẫn đến quá tải và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Do đó, việc nhanh chóng nghiên cứu chuyển huyện thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố trên địa bàn 5 huyện (từng phần hay tổng thể), là hết sức cấp bách, do khả năng sẽ gây hệ lụy đối với cuộc sống người dân.

NV-44-H1.jpg

Giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho thanh niên tại huyện Bình Chánh (Nguồn: thanhuytphcm.vn)

 Theo TS. Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), nhóm triển khai đề án nhánh “Con người đô thị” đã xác định được 6 yếu tố nội hàm của con người đô thị trên 2 khía cạnh “thích ứng” và “tiếp cận” để tổng hợp thành bộ tiêu chí về xây dựng con người đô thị. Đây là sự sáng tạo (mới), xét về mục tiêu xây dựng con người đô thị (thực chất là nguồn nhân lực nói chung) trong quá trình chuyển đổi từ huyện thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố, hướng đến những giải pháp nhằm nâng cao năng lực của người dân thích ứng với lối sống đô thị, thay đổi sinh kế, tuân thủ pháp luật và nâng cao khả năng tiếp cận về nhà ở, dịch vụ và an sinh xã hội, cùng tiếp cận thông tin.

NV-44-H2.jpg

Nội hàm “con người đô thị”

Kết quả điều tra ngẫu nhiên 800 hộ gia đình trên địa bàn 5 huyện ở TP.HCM cho thấy, tính “thích ứng” trong sinh kế, thay đổi việc làm của người dân còn khá thấp (thấp nhất đạt mức độ 17,0% và cao nhất đạt gần 50,0%), nên cần tiếp tục có các giải pháp góp phần nâng cao khả năng “thích ứng” về thay đổi sinh kế, lối sống đô thị cho người dân ngoại thành khi chuyển đổi từ huyện sang quận/ thành phố thuộc thành phố sắp tới. Về khả năng “tiếp cận" nhà ở, chương trình xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao tiêu chí về tiếp cận nhà ở (nhất là đối với người nghèo). Sở thích tạo lập nhà ở của các hộ dân được trả lời theo xu hướng chọn loại nhà phố, chiếm tỷ lệ cao. Khả năng "tiếp cận" dịch vụ công được đánh giá qua chỉ số hài lòng, với kết quả nhìn chung đạt khá tốt, chỉ trừ dịch vụ y tế và dịch vụ thu gom rác có thứ tự về chỉ số hài lòng của người dân đạt thấp nhất trong số 7 loại hình dịch vụ, mặc dù chỉ số hài lòng không quá thấp (đạt từ 0,63-0,78). Khả năng “tiếp cận” an sinh xã hội về sử dụng bảo hiểm y tế (đạt 76,5%) và bảo hiểm xã hội (đạt 23,2%) là vẫn còn khá thấp, nên cần tiếp tục có giải pháp cải thiện trong thời gian tới. Riêng nhóm yếu thế (người có thu nhập thấp cần đảm bảo an sinh), cần chú trọng chăm lo cung ứng dịch vụ bảo hiểm y tế nhiều hơn.

Về dự báo để ngăn ngừa rủi ro, qua bài học kinh nghiệm đúc kết về 3 rủi ro khi tách huyện thành quận trước đây, cùng với 5 rủi ro về mối quan tâm lớn nhất của hộ dân qua điều tra, nâng tổng cộng lên 8 rủi ro cần được cảnh báo và ngăn ngừa sắp tới, đó là: (1) Tỷ lệ hộ nghèo đô thị tăng, (2) Tình hình vi phạm hành chính, tai nạn giao thông có thể gia tăng và (3) Tình trạng “bần cùng hóa” do sau khi nhận bồi thường do thu hồi đất, một số hộ dân đã không tiết kiệm, tiêu xài lãng phí; (4) Rủi ro về tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ xảy ra nhiều hơn; (5) Giá đất tăng, gây xáo trộn cuộc sống người dân; (6) Khó khăn về thủ tục hành chính, do thay đổi địa danh; (7) Thay đổi sinh kế, nghề nghiệp, cần đào tạo lại, nâng cao trình độ; và (8) Thay đổi nếp sống hàng ngày ở nông thôn (thay đổi mối quan hệ láng giềng ở nông thôn, không còn).

NV-44-H3.jpg

Khu công nghiệp Hiệp Phước đã tạo việc làm trên 10.000 lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nhà Bè (Nguồn: thanhuytphcm.vn)

TS. Dư Phước Tân chia sẻ, nếu không đầu tư xây dựng “con người đô thị” tương thích trong môi trường mới, cho dù các huyện ngoại thành có đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đến đâu, cũng vẫn xuất hiện “rào cản” rất lớn, do không có sự tương đồng giữa một xã hội tương đối hiện đại với những con người cũng phải tương đối hiện đại; qua đó gây ra cản trở quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khi tiến hành chuyển đổi thành đơn vị hành chính mới, từ cấp huyện sang cấp quận hoặc thành phố thuộc thành phố.

Thông qua quan điểm và định hướng để đưa ra các giải pháp đề xuất, đề án nhánh Con người đô thị còn xây dựng khung giải pháp, nối kết giữa vấn đề cẩn giải quyết, tiêu chí cần cải thiện và các giải pháp đề xuất. Có 2 nhóm giải pháp được đưa ra: (1) Nhóm giải pháp áp dụng chung cho 5 huyện bao gồm 9 danh mục Chương trình, kế hoạch được đề xuất, nhằm giải quyết về những rủi ro ngăn ngừa được dự báo có thể xảy ra và mối quan tâm lớn nhất của các hộ dân qua điều tra; (2) Nhóm giải pháp áp dụng riêng cho từng huyện, bao gồm 3 giải pháp cải thiện tiêu chí quy định và 11 giải pháp nhằm cải thiện cho tiêu chí bổ sung, cũng dưới dạng danh mục chương trình, kế hoạch được đề xuất (nhưng phân bổ cho từng huyện khác nhau). Dựa trên danh mục chương trình, kế hoạch được đưa ra, từng huyện sẽ cụ thể hóa dựa theo đặc thù của địa phương, để xây dựng mới hoặc tiếp tục cập nhật, kế thừa các chương trình, kế hoạch đã có, để thực thi hiệu quả theo từng địa bàn, nhằm cải thiện, nâng cao các yếu tố nội hàm con người đô thị 5 huyện trong quá trình chuyển đổi từ huyện sang quận hoặc thành phố thuộc thành phố. Ngoài ra, một số nguyện vọng, kiến nghị do người dân đề đạt, cũng được đưa vào những vấn đề kiến nghị với chính quyền trong thời gian tới.

Nhóm triển khai đề án kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần dựa theo những yếu tố nội hàm của con người đô thị để chủ động đề ra các giải pháp nhằm tăng cường “khả năng thích ứng” môi trường mới cũng như “khả năng tiếp cận” dịch vụ và an sinh xã hội cho người dân ngoại thành. Cần tăng cường khả năng thích ứng về sinh kế, thói quen chuyển đổi nghề của người dân bằng các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Biện pháp lâu dài và hiệu quả nhất chính là đầu tư về chính sách giáo dục, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ giáo dục giúp tự đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển. Đồng thời, tiếp tục phát huy các giải pháp hỗ trợ đã và đang thực hiện ở các huyện như chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, tạo điều kiện để phát triển các ngành nghề dịch vụ… qua đó tạo việc làm cho người dân.

Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ và an sinh xã hội, nhóm triển khai đề án đã kiến nghị cần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và dịch vụ thu gom rác (dịch vụ công). Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của người dân thông qua việc đổi mới công tác tuyên truyền, đẩy mạnh giao dịch điện tử, quản lý và sử dụng văn bản điện tử. Kết hợp với giải pháp xây dựng chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường (ví dụ như hoạt động thu gom và phân loại rác tại nguồn). Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp để người dân sử dụng hiệu quả kinh phí do nhà nước bồi thường khi thu hồi đất, ngăn ngừa hiện tượng phá sản, do không tiết kiệm căn cơ, sau khi thu hồi đất.

NV-44-H4.jpg

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân Củ Chi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Về phía doanh nghiệp, cũng cần quan tâm đến vấn đề giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình hoạt động sản xuất, quan tâm cải tiến chất lượng dịch vụ. Về phía tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, cần phát huy tối đa vai trò mình trong việc vận động, tuyên truyền, giúp người dân hiểu và chấp hành các quy dịnh của địa phương, song song với nắm bắt tâm tư nguyện vọng; nhất là vai trò trong việc góp phần hạn chế những tác động tiêu cực về thay đổi văn hóa, lối sống nông thôn từ lâu đời, về mối quan hệ hàng xóm, láng giềng, thông qua tổ chức sinh hoạt gặp gỡ giữa các đối tượng khác nhau, cùng cư ngụ trong khu phố, nhưng do bận công việc, không có dịp gặp nhau thường xuyên. Về phía người dân, từng cá nhân trong cộng đồng cần nhận thức 6 yếu tố về việc tăng cường khả năng thích ứng và khả năng tiếp cận, để nỗ lực thích nghi, chuyển đổi theo lối sống đô thị, thích ứng với thay đổi sinh kế về lâu dài.

Ngoài ra, để góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển huyện thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố được nhanh hơn và bền vững hơn, nhóm triển khai còn đề xuất nghiên cứu thêm về sự tương tác giữa lực lượng cư dân địa phương lâu năm tại chỗ, lực lượng di cư kiếm việc làm từ nơi khác đến và kể cả lực lượng các hộ giàu có đến mua đất, mua nhà định cư, gây ra sự phân hóa xã hội của từng huyện trong thời gian tới, qua đó hỗ trợ người dân tại chỗ không bị tác động trở thành đối tượng yếu thế. Mục tiêu hướng đến là góp phần tạo ra những “con người đô thị” phù hợp và tương thích với quá trình phát triển, để nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động và vận hành mô hình quản lý mới của địa phương, theo phong cách đô thị, trên nền tảng phát triển của nền kinh tế đô thị và cơ sở hạ tầng đô thị.

Thông tin liên hệ:
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM
Địa chỉ: 28 Lê Quý Đôn, P.Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Điện thoại:  02839321346

Website: www.hids.hochiminhcity.gov.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378