SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thách thức liên kết phát triển khoa học - công nhệ

18-11-2019
Chương trình kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TPHCM đã tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác: Nhà nước - nhà khoa học - ngân hàng - doanh nghiệp (DN). Trong đó, Nhà nước thể hiện vai trò cầu nối và cùng chia sẻ rủi ro trong mối liên hệ giữa DN và các viện, trường… Tuy nhiên, sự liên kết này vẫn cần giải quyết những thách thức còn tồn tại.
 
lienket4nha

Có sự liên kết tốt sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Ảnh: T.Ba

Vai trò cầu nối

Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy mối quan hệ và gắn kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, DN và nhà đầu tư đóng vai trò cực kỳ quan trọng của nền kinh tế tri thức. Tại TPHCM, thông qua Sở KH-CN, Sở Công thương, Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng đến việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong DN, với việc xác định lấy DN là trung tâm của đổi mới KH-CN trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Nhà nước - DN - trường, viện.

“Có nhiều mô hình hợp tác giữa trường, viện và DN; tuy nhiên xét ở cấp độ kết quả, thường có 8 hình thức hợp tác, đó là hợp tác trong nghiên cứu KH-CN; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên; thúc đẩy sự vận động, lưu chuyển của giới hàn lâm; xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo; học tập suốt đời; hỗ trợ tinh thần đổi mới sáng tạo và các hoạt động khởi nghiệp; tham gia quản trị nhà trường”, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho hay.

Nhiều năm qua, TPHCM đã có những giải pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng khoa học và khu vực DN. Điển hình là chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của DN với chi phí thấp, còn gọi là Chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu với chi phí thấp (Chương trình 04) bắt đầu từ năm 2000. Thông qua chương trình này đã hình thành tam giác liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - DN.

Sở KH-CN tài trợ các dự án sản xuất thử nghiệm để chế tạo thiết bị trong nước, thay thế các thiết bị nhập khẩu, với chất lượng tương đương nhưng chi phí chỉ bằng 30% - 70%. Chương trình tập trung hỗ trợ các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên của thành phố gồm: cơ khí tự động hóa, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su. Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện được 116 đề tài, dự án với tổng kinh phí đầu tư 204,77 tỷ đồng.

Khó khăn nội tại

Thế nhưng khó khăn vẫn còn đó. Qua nghiên cứu các luật, văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành ở nước ta như Luật Giáo dục đại học (ĐH), Luật Doanh nghiệp, Luật Chuyển giao công nghệ… chưa có điều khoản nào liên quan đến vấn đề hợp tác giữa trường ĐH và DN, nếu có chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích. Hơn nữa, một số quy định hiện hành đang gây khó khăn như vấn đề quyền tự chủ, tự trị ĐH công lập, việc thành lập DN trong các trường ĐH. Các cơ chế chính sách hiện nay cũng chưa đề cập tới sự hỗ trợ của nhà nước đối với mối quan hệ giữa trường ĐH và DN như chính sách về tài chính, thuế...

Thực tế đã có một số mô hình hợp tác khá hiệu quả của các trường ĐH đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật với DN; tuy nhiên, nhìn chung khoảng cách giữa các ĐH và DN có xu thế ngày càng nới rộng.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là nhận thức của các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, trường ĐH và DN chưa chú trọng thúc đẩy mối quan hệ này; chưa đề ra được những chương trình, hành động mang tính chiến lược để giải quyết những khó khăn tồn tại, rào cản hiện có.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan và khách quan từ chính các trường ĐH và DN, cũng như các cơ chế, quy định hiện hành của nhà nước tạo ra những trở ngại không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nhà trường có 2 nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khó khăn phát sinh khi nhà trường phải chia sẻ một phần nguồn lực để thực hiện công việc xây dựng mối liên kết này và tất nhiên sẽ phát sinh mâu thuẫn lợi ích trong nội tại nhà trường. Do đó, khoảng cách giữa các trường ĐH và DN ngày càng nới rộng, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của không ít trường ĐH chưa gắn với nhu cầu thực tế thị trường lao động của các DN.

Ngoài ra, việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, do nguồn kinh phí hạn hẹp và cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn cùng đội ngũ cán bộ nghiên cứu “chuyên nghiệp” còn hạn chế. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhiều khi chưa gắn kết với nhu cầu thực tế của DN, do vậy không thể chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Hiện rào cản lớn nhất đối với DN trong sự hợp tác với trường ĐH chính là rào cản về tâm lý với các biểu hiện như sau: thiếu sự tin cậy (các DN chưa có được niềm tin vào trường ĐH, chưa là chỗ dựa của DN), không chấp nhận rủi ro (nhiều DN chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ do có độ rủi ro cao). Do đó, đa phần DN chưa nhận thức hết những lợi ích mang lại khi hợp tác với trường ĐH, nhất là các DN vừa và nhỏ.

BÁ TÂN - SGGP


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353