SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM giới thiệu và hướng dẫn chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

31-05-2024
Chiều 30/5/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị “Giới thiệu và hướng dẫn chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

305h1toancanh.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Theo bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), sở hữu trí tuệ (SHTT) trong phát triển sản phẩm nông sản, đặc sản và làng nghề không chỉ dừng lại ở việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP và xây dựng và triển khai hệ thống quản lý các đối tượng, mà còn phải khai thác, phát triển đối tượng theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.

3052sep.jpg

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trao đổi tại Hội nghị

Nhận thấy vai trò của SHTT trong phát triển Chương trình OCOP, sáng 30/5/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức hội nghị tập huấn "Đăng ký bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ, truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm thuộc chương trình OCOP" nhằm hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã cách thức đăng ký bảo hộ quyền SHTT, góp phần tạo lợi thế để đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Với phiên hội nghị buổi chiều, Sở mong muốn cung cấp thông tin, cũng như thu thập ý kiến, nội dung mà các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân Thành phố Thủ Đức, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và đơn vị quan tâm về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tại Thành phố. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ thường xuyên thuộc Chương trình; hướng dẫn cách thức thực hiện, gửi nhu cầu đề xuất đến Sở Khoa học và Công nghệ để được hỗ trợ đặt hàng giao tổ chức đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Tại hội nghị, hai chuyên đề chính được trao đổi gồm: giới thiệu Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP.HCM; tổng quan về SHTT trong phát triển sản phẩm nông sản, đặc sản và làng nghề.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành tại Quyết định số 5718/QĐ-UBND. Chương trình đặt ra mục tiêu nâng cao tính đồng bộ, hiệu quả trong hoạt động SHTT; gia tăng số lượng và chất lượng tài sản trí tuệ mới của các chủ thể trên địa bàn Thành phố, góp phần cải thiện các chỉ số SHTT trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Bên cạnh đó, Chương trình cũng nhằm hỗ trợ các chủ thể tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

305h3baocao.jpg

Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) báo cáo tại Hội nghị

Chương trình cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể như: số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp của các chủ thể trên địa bàn Thành phố tăng trung bình 12% - 15% mỗi năm; số lượng đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng của các chủ thể trên địa bàn Thành phố tăng trung bình 12% - 14% mỗi năm, đưa Thành phố trở thành trung tâm sáng tạo giống cây trồng hàng đầu của cả nước; số lượng tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách Nhà nước được chuyển giao và thương mại hóa đạt 10% - 15%.

Để đạt mục tiêu trên, Thành phố đề ra 6 nhiệm vụ chính cần thực hiện: tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi chống xâm phạm quyền SHTT; phát triển, nâng cao năng lực chủ thể quyền SHTT; hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội.

Về cách thức triển khai thực hiện Chương trình, bà Nhung cho biết, các nhiệm vụ thường xuyên thuộc Chương trình sẽ được triển khai gồm: xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn, huấn luyện từ cơ bản đến chuyên sâu về SHTT phù hợp với từng nhóm đối tượng; triển khai hỗ trợ đăng ký bảo hộ ở trong và ngoài nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền SHTT. Bên cạnh đó, triển khai các nhiệm vụ được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình gồm: hỗ trợ đăng ký, khai thác, phát triển 01 chỉ dẫn địa lý/nhãn hiệu chứng nhận/nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù của địa phương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Đồng thời, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ; tạo lập cơ sở dữ liệu theo chuyên ngành sáng chế, giải pháp hữu ích trong và ngoài nước hết hạn bảo hộ phục vụ nhu cầu nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Ba (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam), nhiều đặc sản nổi tiếng của Việt Nam đang bị mai một và dần biến mất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư đúng mức việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Thêm vào đó, hoạt động SHTT còn gặp một số thách thức như: nhận thức về bảo vệ quyền SHTT thấp; thời gian đăng ký xác lập quyền kéo dài; sự phối hợp giữa các ngành trong quá trình xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT chưa chặt chẽ; những hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi, phức tạp; việc quản lý, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ còn gặp khó khăn.

305h4thaoluan.jpg

Ông Nguyễn Đắc Thắng (Chuyên viên Phòng Kinh tế Quận 11) đặt câu hỏi trong phiên thảo luận tại Hội nghị

Có thể thấy, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đã khó, “bài toán” giữ vững và phát triển nhãn hiệu lại càng khó. Điều này đòi hỏi các đơn vị cần xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm có tính lan tỏa, nhân rộng trên quy mô lớn.

Minh Nhã (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353