SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM hỗ trợ thúc đẩy phát triển Fintech, hướng đến trung tâm tài chính khu vực

14-05-2025
Ngày 14/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB) tổ chức hội thảo Fintech 2025 với chủ đề "Từ rào cản đến cơ hội – Giải mã những thách thức trong chuyển đổi công nghệ tài chính".

Theo ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực, TP.HCM xác định công nghệ tài chính (Fintech) là một trong những trụ cột quan trọng của hệ sinh thái tài chính hiện đại – nơi đổi mới sáng tạo phải đi trước một bước. Thành phố đã và đang triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ cho cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Nghị quyết số 20 của Hội đồng Nhân dân Thành phố đã mở ra hành lang pháp lý và tài chính rõ ràng để ươm tạo và phát triển các dự án đổi mới sáng tạo, trong đó có lĩnh vực Fintech. Chương trình tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech 2025), do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì, cung cấp gói hỗ trợ lên đến 400 triệu đồng cho mỗi dự án tiềm năng, cùng với các hỗ trợ về cố vấn, kết nối đầu tư và không gian phát triển sản phẩm.

02HDKHLVhoithaoFintechh1.jpg

Ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, phát biểu khai mạc hội thảo

Bên cạnh đó, Thành phố đang tích cực triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột quan trọng để phát triển đất nước, tạo tiền đề cho các chính sách hỗ trợ phát triển Fintech; triển khai đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM;… Đây là những cơ hội lớn để TP.HCM tiến gần hơn đến tầm nhìn trở thành "điểm sáng" của một trung tâm tài chính đổi mới, nơi mà công nghệ - tài chính - khởi nghiệp cùng phát triển bền vững.

Hội thảo được tổ chức trong không khí chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2025, nhằm kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp Fintech, nhà đầu tư, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng khởi nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm, phân tích và thảo luận về các thách thức và cơ hội trong quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính, các xu hướng công nghệ mới nổi, chính sách mới dành cho Fintech, vai trò của Fintech trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

02HDKHLVhoithaoFintechh2.jpg

Ông Nguyễn Bá Diệp (Phó Chủ tịch MoMo) trình bày tham luận tại hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà sáng lập từ doanh nghiệp Fintech, quỹ đầu tư cùng đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã trình bày tham luận, chia sẻ thông tin và tham gia tọa đàm, thảo luận như: ông Nguyễn Khắc Huy (đại diện Sở Tài chính TP.HCM) cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ tài chính của TP.HCM cho các doanh nghiệp Fintech (theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND); ông Nguyễn Bá Diệp (Phó Chủ tịch MoMo) chia sẻ về hành trình "Từ ý tưởng đến ứng dụng – giải pháp Fintech tạo tác động lớn như thế nào"; ông Jack Nguyễn (Giám đốc Quỹ đầu tư Blockbase) trình bày về các xu hướng đầu tư vào lĩnh vực Fintech và những cơ hội, thách thức đối với các startup Fintech; ông Đàm Thanh Hiệp (CEO New World Fintech) chia sẻ về các xu hướng đầu tư Fintech, các cơ hội mới nổi trên thị trường tài chính số; bà Lê Thị Bé Ba (Phó Giám đốc SIHUB) giới thiệu chi tiết về Chương trình tuyển chọn các dự án đối mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech 2025);…

02HDKHLVhoithaoFintechh3.jpg

Theo ông Nguyễn Khắc Huy, với mục tiêu đẩy mạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố. Mức hỗ trợ lãi suất 50% hoặc toàn bộ lãi suất (tùy theo lĩnh vực), trong đó các dự án thuộc lĩnh vực chuyển đổi số và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được hỗ trợ toàn bộ lãi suất. Các doanh nghiệp có thể tham khảo thông tin chi tiết và nộp hồ sơ đăng ký tham gia chính sách tại Sở Tài chính.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công, đột phá của MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp khẳng định, MoMo đã tận dụng hiệu quả các ứng dụng công nghệ phù hợp để tạo ra các giải pháp tích cực cho xã hội, đặc biệt là trong việc "mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính" cho hàng triệu người dân, kể cả những đối tượng trước đây chưa được ngân hàng phục vụ. Bên cạnh đó, MoMo tập trung áp dụng các công nghệ phù hợp với điều kiện và nhu cầu của thị trường Việt Nam, từ đó tạo ra các giải pháp thiết thực và dễ sử dụng; kiên trì theo đuổi mục tiêu phổ cập tài chính, mang các dịch vụ tài chính đến với những người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người lao động có thu nhập thấp, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, MoMo tập trung xây dựng sản phẩm đúng thời điểm với tư duy "nghĩ lớn, làm nhỏ" - bắt đầu từ những dịch vụ nhỏ, thiết thực và từng bước mở rộng hệ sinh thái dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dùng. Ông Diệp nhấn mạnh, mô hình kinh doanh phải thực sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng và doanh nghiệp phải luôn lắng nghe phản hồi của khách hàng trong suốt quá trình phát triển.

Chia sẻ về "khẩu vị" của các nhà đầu tư Fintech hiện nay, ông Jack Nguyễn cho biết, các nhà đầu tư trong nước chủ yếu là các quỹ đầu tư mạo hiểm và các ngân hàng lớn, họ thường ưu tiên các ứng dụng có doanh thu thực; các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực Đông Nam Á và các quỹ đầu tư từ các nước Trung Đông và Hàn Quốc, quan tâm đến các startup có khả năng mở rộng quy mô ra thị trường quốc tế và có đội ngũ am hiểu về pháp lý. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề cốt lõi của ngành tài chính bằng công nghệ và chỉ ra tiềm năng to lớn của thị trường Fintech Việt Nam. Tuy nhiên, ông lưu ý về những rào cản như thiếu khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) và sự cạnh tranh gay gắt từ các "ông lớn".

02HDKHLVhoithaoFintechh4.jpg

Ông Đàm Thanh Hiệp (CEO New World Fintech) trình bày tham luận và chia sẻ thông tin tại hội thảo  

Ông Đàm Thanh Hiệp cho rằng, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các giải pháp công nghệ giúp tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và an toàn của thị trường tài chính.

Bà Lê Thị Bé Ba cho biết, chương trình Fintech 2025 không chỉ cung cấp nguồn lực tài chính mà còn tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho các startup Fintech. Các hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc, kết nối các startup Fintech với các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và các đối tác tiềm năng khác trong và ngoài nước. SIHUB cam kết đồng hành cùng các startup Fintech trên mọi chặng đường phát triển, từ khi còn là ý tưởng cho đến khi trở thành những doanh nghiệp thành công, bà Bé Ba khẳng định.

02HDKHLVhoithaoFintechh6.jpg

Bà Lê Thị Bé Ba (Phó Giám đốc SIHUB) giới thiệu về Chương trình Fintech 2025 và các chính sách hỗ trợ startup trong lĩnh vực này 

Tại phiên tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý cùng thảo luận, tập trung vào chủ đề "Bứt phá Fintech – Từ thách thức đến cơ hội phát triển bền vững". Chia sẻ góc nhìn về cơ hội và thách thức khi Việt Nam hình thành trung tâm tài chính quốc tế, các ý kiến cho rằng, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ mang lại nhiều cơ hội, bao gồm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính trong nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt liên quan đến hoàn thiện khung pháp lý; phát triển cơ sở hạ tầng tài chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quản trị rủi ro;…

02HDKHLVhoithaoFintechh5.jpg

Phiên tọa đàm, thảo luận trong chương trình hội thảo 

Theo Nghị quyết 57-NQ/TW, Fintech được xác định là lĩnh vực có tiềm năng đột phá mạnh mẽ, đóng vai trò trụ cột trong xây dựng hệ thống tài chính hiện đại. Tại TP.HCM, sự phát triển của thị trường Fintech sẽ góp phần thúc đẩy quá trình hình thành trung tâm tài chính quốc tế; đồng thời khẳng định vai trò dẫn đầu của Thành phố trong việc ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống tài chính hiện đại, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378