TP.HCM: Nâng cao hiệu quả quản lý công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh
25-11-2022TS. Nguyễn Hồng Phan và nhóm cộng sự tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đề xuất 7 nhóm giải pháp giúp đạt hiệu quả cao trong quản lý tư vấn tâm lý cho học sinh THCS, đồng thời tạo môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh.
Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, giáo dục Trung học cơ sở (THCS) là giai đoạn trung gian giữa tiểu học và trung học phổ thông. Ở giai đoạn này, học sinh được hình thành những kiến thức cơ bản nhất, tuy nhiên gắn với sự phát triển tâm lý lứa tuổi này thường có nhiều biến động. Chính vì vậy, hoạt động giáo dục sẽ thực sự có thêm sự hiệu quả khi những khó khăn của học sinh được trợ giúp thông qua công tác tư vấn tâm lý.
Công tác tư vấn tâm lý (CT TVTL) cho học sinh trường THCS có thể khẳng định rằng là có ý nghĩa và vai trò rất thiết thực đối với bản thân học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đối với bản thân học sinh, thông qua các hoạt động hỗ trợ tâm lý trực tiếp (tham vấn tâm lý) và hỗ trợ gián tiếp (tư vấn, hướng dẫn), các em được hình thành năng lực và kỹ năng hiểu tâm lý, hiểu sức khỏe tâm lý của bản thân. Ngoài ra, các em được tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng tự chăm sóc và ứng phó với các khó khăn tâm lý ở từng giai đoạn lứa tuổi; cũng như được trang bị một số kiến thức, kỹ năng để nhận diện những dấu hiệu bất thường về tâm lý và biết cách tìm nơi trợ giúp hoặc báo với cha mẹ, giáo viên, bạn bè.
Đối với mỗi gia đình và nhà trường, CT TVTL cũng chính là cầu nối giữa học sinh, giáo viên, bạn bè và gia đình. CT TVTL hướng đến chuyển tải những thông tin, những hiểu biết thống nhất về đặc điểm tâm lý đặc trưng của học sinh.
Tại TP.HCM, quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS đến nay đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn tồn tại một số hạn chế trong việc thực hiện các chức năng quản lý như lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá thông qua các nội dung công tác tư vấn tâm lý.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Hồng Phan, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bất cập nói trên có liên quan trực tiếp đến quản lý, nhưng hiện chưa có đề tài nào nghiên cứu về quản lý CT TVTL cho học sinh THCS và đặc biệt sau khi có thông tư (Số: 31/2017/TT-BGDĐT) một cách có hệ thống và khoa học. Vì vậy, TS. Nguyễn Hồng Phan cùng các cộng sự đã thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Quản lý công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường Trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh”, nhằm xây dựng được cơ sở lý luận và đánh giá đúng thực trạng về quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, đề xuất và thực nghiệm các giải pháp về quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS một cách có hiệu quả, bám sát thực tiễn.
TS. Nguyễn Hồng Phan (thứ ba, từ trái) khẳng định, nhiệm vụ “Quản lý công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường Trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh” là nền tảng để TP.HCM làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong thời gian tới.
Theo đó, nhiệm vụ đã tổ chức khảo sát tại 13 trường THCS tại TP.HCM với trên 2.520 phiếu khảo sát, ở các nhóm đối tượng là cán bộ quản lý (140 phiếu), giáo viên - nhân viên (400 phiếu), cha mẹ học sinh (540 phiếu) và học sinh (1.440 phiếu), để đánh giá những mặt mạnh và hạn chế trong quản lý CT TVTL cho học sinh.
Đồng thời, đề xuất, khảo nghiệm tính cấp thiết và tính khả thi gồm hệ thống 7 giải pháp, cụ thể là: (1) Nâng cao nhận thức của chủ thể quản lý, cha mẹ học sinh và học sinh về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh; (2) Xây dựng kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đảm bảo tính toàn diện, khả thi phù hợp với yêu cầu; (3) Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh; (4) Chỉ đạo thực hiện kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đảm bảo hiệu quả; (5) Kiểm tra và đánh giá kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh; (6) Thực hiện công tác phối hợp trong tư vấn tâm lý cho học sinh; (7) Đảm bảo các điều kiện thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường THCS.
Phòng tham vấn tâm lý học đường góp phần giải quyết nhiều vấn đề cho học sinh
TS. Nguyễn Hồng Phan, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, kết quả khảo sát đã cho thấy, công tác tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá thực hiện kế hoạch công tác này cũng như xây dựng nội dung CT TVTL ở các trường THCS hiện nay khá tốt; nhưng việc tổ chức bồi dưỡng cho các lực lượng giáo dục và tổ chức giao lưu học tập kinh nghiệm, cũng như thu hút các tổ chức, cá nhân trong nhà trường và các lực lượng bên ngoài tham gia, phối hợp thực hiện CT TVTL về CT TVTL còn nhiều hạn chế.
“Khi đưa ra các giải pháp giải pháp quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS trong quá trình khảo sát, thì đa phần các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều cho rằng các giải pháp này là rất cấp thiết và khả thi. Nếu các trường làm tốt các giải pháp này, thì CT TVTL cho học sinh sẽ có những chuyển biến tích cực”, TS. Nguyễn Hồng Phan khẳng định.
Cụ thể, các giải pháp số 2 - Xây dựng kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đảm bảo tính toàn diện, khả thi phù hợp với yêu cầu, giải pháp số 4 - Chỉ đạo thực hiện kế hoạch công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đảm bảo hiệu quả, và giải pháp số 7 - Đảm bảo các điều kiện thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh các trường THCS, về cơ bản chính là ba giải pháp cấp thiết nhất đối với quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS. Bên cạnh đó, các giải pháp khác cũng được đánh giá là cấp thiết, phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Đại diện nhóm triển khai nhóm triển khai nhiệm vụ khẳng định, các giải pháp được đánh giá rằng về cơ bản có thể giúp thực hiện công tác quản lý TVTL hiệu quả hơn, tạo ra một môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh.
"Bên cạnh đó, một số giáo viên cho rằng, để thực hiện tốt hơn CT TVTL cho học sinh trong giai đoạn tới cần có giải pháp nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh và xã hội về vị trí, vai trò của công tác tư vấn tâm lý. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng chuyên môn về tư vấn tâm lý cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên kiêm nhiệm để thầy cô có thể hỗ trợ học sinh tốt hơn", nhóm nghiên cứu thông tin thêm, "Ngoài ra, mỗi trường THCS cần xây dựng phòng tư vấn tâm lý cho học sinh và đưa công tác này trở thành công tác bắt buộc trong nhà trường THCS".
Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng tiến hành tập huấn và triển khai thực tế thí điểm quản lý CT TVTL cho học sinh, nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên - nhân viên, giáo viên, phụ huynh và học sinh nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của CT TVTL cho học sinh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý CT TVTL cho học sinh của cán bộ quản lý.
Trên cơ sở này, nhiệm vụ đưa ra những kiến nghị đối với ban ngành, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các giải pháp quản lý CT TVTL cho học sinh tại các trường THCS tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần ban hành hệ thống văn bản pháp quy, quy định về CT TVTL cho học sinh các trường THCS (mục đích; nguyên tắc; nội dung; hình thức; công tác phối hợp; các điều kiện thực hiện; kiểm tra và đánh giá) và quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS (lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, đánh giá) để các cơ sở giáo dục tiến hành các tổ chức tốt quản lý công tác này. Đồng thời, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nâng cao nhận thức về CT TVTL cho học sinh các trường THCS. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng nội dung chương trình, sách giáo khoa về CT TVTL cho học sinh các trường THCS; Xuất bản tài liệu tham khảo phục vụ cho việc tổ chức thực hiện CT TVTL cho học sinh các trường THCS;…
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, nhóm chuyên gia triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ khuyến nghị "cần ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện CT TVTL cho học sinh và quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS cho các bậc học một cách cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tiến hành tổ chức thực hiện hiệu quả; Tổ chức bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lý cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh cho cán bộ quản lý, giáo viên - nhân viên,…
Đặc biệt, với cán bộ quản lý là các trường THCS, nhóm tác giả khuyến nghị, cần phải xây dựng kế hoạch thực hiện CT TVTL cho học sinh và quản lý CT TVTL cho học sinh các trường THCS một cách cụ thể, rõ ràng để giáo viên, hay nhân viên giáo dục kiêm nhiệm CT TVTL thực hiện tốt công tác này. Mặt khác, chỉ đạo các lực lượng xây dựng kế hoạch cụ thể cho CT TVTL cho học sinh, lựa chọn nội dung phù hợp với tình hình thực tế tại trường; Xây dựng đội ngũ nòng cốt, đội ngũ giáo viên, hay nhân viên giáo dục kiêm nhiệm có đủ năng lực, trình độ tổ chức CT TVTL cho học sinh; Chỉ đạo xây dựng nội quy, quy chế cho lực lượng tổ chức và lực lượng tham gia CT TVTL cho học sinh; Tạo điều kiện dành kinh phí mua sắm trang thiết bị cần thiết, sách báo tài liệu; Có chế độ hợp lý cho giáo viên - nhân viên kiêm nhiệm CT TVTL;…
Sổ tay hướng dẫn thực hiện quản lý công tác TVTL cho học sinh THCS được nhóm nghiên cứu hoàn thiện và biên soạn.
Nhiệm vụ cũng đưa ra khuyến nghị đối với giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý nên hiểu rõ CT TVTL cho học sinh và quản lý CT TVTL cho HS các trường THCS một cách cụ thể, rõ ràng tiến hành tổ chức thực hiện hiệu quả. Đồng thời, tích cực, chủ động bồi dưỡng năng lực thực hiện CT TVTL cho học sinh để vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong công tác này.
Bên cạnh đó, nhóm triển khai nhiệm vụ bổ sung khuyến nghị về việc phụ huynh học sinh cũng cần dành thời gian để quan tâm chia sẻ với con, cần tìm hiểu con để kịp thời phát hiện những khó khăn tâm lý của con; Trợ giúp con giải quyết những khó khăn tâm lý nếu có thể; và quan trọng không kém đó là học sinh THCS cũng cần phải hiểu rõ công tác TVTL của nhà trường và thực hiện nhu cầu TVTL khi có những khó khăn tâm lý ở bản thân.
Là một phần của nhiệm vụ, TS. Nguyễn Hồng Phan và nhóm cộng sự tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã biên soạn Sổ tay hướng dẫn thực hiện quản lý công tác TVTL cho học sinh THCS, nhằm hệ thống hóa những nội dung cốt lõi trong công tác thực hiện TVTL cho học sinh THCS, các nguyên tắc TVTL cho học sinh, cũng như phân tích những kỹ năng cần thiết mà người giáo viên - nhân viên trực tiếp làm công tác TVTL cho học sinh cần đáp ứng. Bên cạnh đó, là bộ tài liệu được biên soạn dành riêng cho các nhà trường, Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, Sổ tay còn cung cấp một số quy trình và mô hình TVTL cho học sinh THCS phổ biến ở phạm vi quốc tế, bổ sung nhiều phụ lục là câu hỏi trắc nghiệm để giúp nhà trường, gia đình cùng đánh giá tình trạng tâm lý của học sinh.
Trong thời gian tới, Sổ tay này sẽ sớm được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và TP Thủ Đức phổ biến đến các trường THCS trên địa bàn, các thầy cô giáo đang trực tiếp làm công tác TVTL cho học sinh, qua đó từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác TVTL học sinh ở bậc học THCS trên địa bàn Thành phố.
Thông tin liên hệ: Điện thoại: (08) 38293828 - 0903169291 Website: http://hcmussh.edu.vn Email: nguyen1975hongphan@hcmussh.edu.vn |