SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM: Tập huấn kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế

11-10-2024
Ngày 11/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị tập huấn “Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế”. Sự kiện nhằm giúp các nhà nghiên cứu nắm được bí quyết soạn thảo bản mô tả sáng chế, một trong những chìa khóa để thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ sáng chế tại đơn vị.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, khai thác sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu giữ vai trò then chốt đối với sự phát triển của các viện nghiên cứu, là mũi nhọn phát triển đối với doanh nghiệp, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế quốc gia tăng trưởng bền vững. Việc khai thác hiệu quả các sáng chế có tác động tích cực tới hoạt động thương mại hóa, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với cuộc sống, qua đó, nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia. Mặc dù có vai trò quan trọng với quá trình nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh, tuy nhiên thông tin sở hữu công nghiệp nói chung, cũng như thông tin sáng chế nói riêng vẫn là một nguồn tài nguyên còn bỏ ngỏ, thậm chí, nhiều trường hợp bị người khác chiếm dụng hoặc trở thành tài sản chung của cộng đồng. Qua tập huấn lần này, Sở mong muốn nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ khoa học, định hướng viết đăng ký sáng chế như một phần của công việc nghiên cứu, góp phần đẩy mạnh công tác sở hữu trí tuệ tại từng đơn vị.

BANHUNG.png

Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại sự kiện.

Hội nghị tập trung vào những nội dung cụ thể như kiến thức mới cập nhật của văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ liên quan đến xác lập quyền đối với sáng chế (thủ tục đăng ký bảo hộ, quy trình xử lý đơn,…); đánh giá tính mới và tính sáng tạo của sáng chế, hướng dẫn viết bản mô tả sáng chế (hướng dẫn viết bản mô tả sáng chế dạng sản phẩm, dạng quy trình); kinh nghiệm xây dựng hồ sơ và xử lý các vấn đề phát sinh đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế; tư vấn chuyên sâu, giải đáp thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu, các quy định mới về sáng chế… Tại Hội nghị, đại biểu tham dự còn được hướng dẫn thực hành tra cứu thông tin nhằm đánh giá khả năng bảo hộ sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký, hướng dẫn thực hành lập hồ sơ đăng ký sáng chế, xử lý tình huống. Toàn bộ những nội dung này nhằm góp phần giải quyết hiệu quả hơn các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ hiện còn tồn đọng của đơn vị, giúp các nhà khoa học đang theo đuổi đơn hoặc trong quá trình chuẩn bị nộp đơn được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thêm các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Thanh (Trung tâm Thẩm định Sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ) đã trình bày báo cáo về tình hình đăng ký sáng chế và các điều kiện bảo hộ; thủ tục đăng ký sáng chế; quy trình thẩm định đơn đăng ký sáng chế.

ONGTHANHOK.png

Ông Hoàng Minh Thanh (Trung tâm Thẩm định Sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ)  trình bày các nội dung tại sự kiện.

Theo đó, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Về bản chất, sáng chế có yêu cầu bảo hộ cao hơn (phải đáp ứng được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp) so với giải pháp hữu ích (không cần tính sáng tạo), đi kèm với thời hạn bảo hộ dài hơn (sáng chế: 20 năm, giải pháp hữu ích: 10 năm). Về cơ sở pháp lý, ông Thanh lưu ý, cần nắm các quy định và cập nhật những điểm mới, sửa đổi bổ sung của các luật, nghị định, thông tư liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (sửa đổi gần nhất theo Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022); Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ; Thông tư 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về thủ tục đăng ký sáng chế, ông Thanh hướng dẫn, cần nắm rõ cơ sở pháp lý và chuẩn bị được các tài liệu như tờ khai đăng ký, tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng, giấy ủy quyền, tài liệu chứng minh quyền đăng ký và quyền ưu tiên, chứng từ nộp phí… Trong đó, theo Điều 102 Luật Sở hữu trí tuệ, tài liệu xác định sáng chế bao gồm bản mô tả sáng chế (gồm phần mô tả sáng chế có thể kèm theo bản vẽ nếu cần và phạm vi bảo hộ sáng chế) và bản tóm tắt sáng chế. Ông Thanh đặc biệt lưu ý, trong bản mô tả sáng chế phải làm rõ được các nội dung: phần mô tả cần bộc lộ đầy đủ bản chất kỹ thuật của giải pháp; phần yêu cầu bảo hộ cần xác định phạm vi mong muốn được bảo hộ; cuối cùng là có thể đính kèm bản vẽ (nếu cần) để minh họa, làm rõ thêm bản chất giải pháp.

"Khi mô tả sáng chế thì ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí để cấp bằng sáng chế như tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp, còn cần phải nắm được văn phong, cách viết mô tả sáng chế theo Luật Sở hữu trí tuệ, phải biết cách tra cứu dữ liệu sáng chế để xác định tính mới, phải biết viết sao cho phạm vi bảo hộ của sáng chế rộng nhất có thể", ông Thanh lưu ý thêm.

Hiện nay, doanh nghiệp và nhà sáng chế có thể khai thác thông tin một cách đầy đủ, dễ dàng thông qua cơ sở dữ liệu tra cứu sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ TẠI ĐÂY  .

THAOLUANOK.png

Phần thảo luận tại sự kiện.

Được biết, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu thực hiện theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 với quan điểm đổi mới căn bản cách tiếp cận so với giai đoạn 2011-2020 nhằm góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn  hóa, xã hội. Mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2021-2030 sẽ có nhiều nội dung mới hơn so với giai đoạn trước, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho đến các nhiệm vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học… nhằm khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

  Minh Nhã (CESTI) 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378