SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp

28-09-2023
Khóa tập huấn được thực hiện trong khuôn khổ nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về đảm bảo đo lường nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".

Trong hai ngày 26&27/9/2023, Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức khóa tập huấn "Xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp".

Theo bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng TP.HCM), nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về đảm bảo đo lường nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" được triển khai thực hiện theo đề án 996 của Chính phủ. Trong nhiệm vụ này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chọn 5 địa phương (Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, TP.HCM) tham gia chương trình thí điểm. Mỗi địa phương sẽ chọn 3 doanh nghiệp tham gia thí điểm chương trình để từ đó nhân rộng mô hình.

02HDKHLVtaphuandambaodoluongh1.jpg

Bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng TP.HCM) phát biểu khai mạc khóa tập huấn

Theo đó, TP.HCM đã và đang tiến hành các hoạt động khảo sát tìm kiếm doanh nghiệp phù hợp tham gia thí điểm chương trình để được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hỗ trợ. Khóa tập huấn này nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp tại TP.HCM nắm được các chương hỗ trợ xây dựng và triển khai đảm bảo đo lường (ĐBĐL) tại doanh nghiệp (theo Quyết định số 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); hướng dẫn cách thức, phương pháp đánh giá thực trạng ĐBĐL, từ đó biết cách xây dựng mục tiêu và thực hiện chương trình ĐBĐL tại doanh nghiệp.

Tại lớp tập huấn, ông Phan Minh Hải (nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã trình bày, giới thiệu các nội dung chính về vai trò của hoạt động đo lường và hiện trạng hoạt động đo lường tại các doanh nghiệp; yêu cầu đổi mới hoạt động đo lường để nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đề án 996 về tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030; hướng dẫn các bước chuẩn bị, phân tích và đánh giá thực trạng ĐBĐL, phương pháp xây dựng các mục tiêu của chương trình ĐBĐL, dự kiến hiệu quả xây dựng và áp dụng chương trình ĐBĐL; phương thức đăng ký tham gia thí điểm xây dựng và triển khai chương trình ĐBĐL cho từng địa phương.

Theo đó, đo lường trong doanh nghiệp gồm đo lường trong sản xuất và đo lường trong kinh doanh, với các hoạt động đo, thử nghiệm và kiểm tra. Đối với sản xuất, có 3 giai đoạn gồm chuẩn bị sản xuất, giai đoạn sản xuất, giai đoạn nghiệm thu và phân phối sản phẩm. Đối với kinh doanh gồm các giai đoạn nhập hàng hóa đầu vào, giai đoạn tồn trữ, vận chuyển, giai đoạn giao hàng, xuất bản. Ở giai đoạn chuẩn bị sản xuất, phép đo nhằm xác định khối lượng, thể tích nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, số lượng, bộ phận chi tiết… để phục vụ cho giai đoạn sản xuất. Phép thử nghiệm nhằm xác định thành phần, đặc tính nguyên vật liệu, chất liệu, bộ phận chi tiết, bán thành phẩm… để xác định sự phù hợp về chất lượng theo yêu cầu sản xuất. Hoạt động kiểm tra nhằm xác định sự phù hợp của quy cách, kích thước các chi tiết, bộ phận lắp ráp, bán thành phẩm,…

 Liên quan đến đo lường trong sản xuất, hiện nay, doanh nghiệp cần quan tâm lưu ý xác định rõ cần đo ở đâu, đo cái gì (vị trí đo, đại lượng đo); độ chính xác và định mức kinh tế - kỹ thuật (phương tiện đo, điều kiện đo, thủ tục đo); duy trì độ chính xác và tin cậy của kết quả.  

02HDKHLVtaphuandambaodoluongh3.jpg

 Ông Phan Minh Hải (nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) trình bày các nội dung của khóa tập huấn

Về đề án 996, theo ông Hải, phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đúng và đầy đủ vai trò của đo lường, nên hoạt động đo lường chỉ đáp ứng yêu cầu bắt buộc của quản lý Nhà nước, không được đầu tư tăng cường để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hiệu quả sản xuất kinh doanh,... Vì vậy, mục tiêu chung của đề án 996 là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình ĐBĐL tại doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường. Để thực hiện, đề án đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ - giải pháp gồm đổi mới, sửa đổi chính sách; phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đo lường; hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh truyền thông về hoạt động đo lường. Trong đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, chương trình hỗ trợ xây dựng và triển khai ĐBĐL tại doanh nghiệp được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp.

Đảm bảo đo lường là việc tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện; tăng cường, đổi mới kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường, thiết bị thử nghiệm, kiểm tra, phương pháp đo, thử nghiệm, kiểm tra lượng của hàng đóng gói sẵn, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp. Việc xây dựng và triển khai chương trình ĐBĐL tại doanh nghiệp gồm các bước phân tích thực trạng; xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức triển khai thực hiện; đánh giá hiệu quả.

Trong đó, phân tích thực trạng nhằm mục đích đánh giá khách quan về trình độ ĐBĐL tại doanh nghiệp, xác định những sự không phù hợp hoặc nhu cầu đổi mới; xác định khả năng và phương án đổi mới tình trạng ĐBĐL để giải quyết các vấn đề quản lý tại doanh nghiệp; đánh giá sự cần thiết và chuẩn bị đề xuất các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cải tiến và đổi mới để ĐBĐL tại doanh nghiệp đạt được tình trạng tối ưu. Từ kết quả phân tích thực trạng hoạt động đo lường sẽ dẫn đến các nội dung thuyết minh chương trình như đề xuất các biện pháp ĐBĐL (những vấn đề/công việc cần được tăng cường, đổi mới) và dự kiến hiệu quả của các biện pháp ĐBĐL (giảm tổn thất kinh tế, giảm chi phí nghiên cứu vận hành nhờ đổi mới, áp dụng phương pháp đo mới,…).

Dự thảo chương trình ĐBĐL tại doanh nghiệp gồm các nội dung về mục tiêu chung; mục tiêu cụ thể; nhiệm vụ 1 (rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản triển khai thực hiện ĐBĐL đang áp dụng); nhiệm vụ 2 (rà soát, tăng cường thực hiện ĐBĐL); nhiệm vụ 3 (ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến, đổi mới tăng cường ĐBĐL theo định hướng phát triển của sản xuất, kinh doanh; nhiệm vụ 4 (đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật và quản lý về đo lường); nhiệm vụ 5 (xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các đơn vị, bộ phận sản xuất, chế tạo, thử nghiệm, kiểm định,…).

02HDKHLVtaphuandambaodoluongh4.jpg

Các học viên tại lớp tập huấn 

Tại lớp tập huấn, ông Hải cũng thông tin thêm về một số nhiệm vụ khác đã và đang được thực hiện nhằm hỗ trợ xây dựng và triển khai ĐBĐL tại doanh nghiệp như: Xây dựng chương trình, tài liệu, đào tạo, khảo sát và triển khai thí điểm chương trình ĐBĐL; Xây dựng các bộ tài liệu về kỹ thuật đo cho các lĩnh vực đo lường giai đoạn 2021 – 2023; Xây dựng mô hình điểm về ĐBĐL nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế và các Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh 2023 – 2024;…

Bà Võ Đình Liên Ngọc cho biết thêm, bên cạnh các chương trình hỗ trợ của Trung ương, Bộ KH&CN, tại TP.HCM cũng đang có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp về ĐBĐL, đảm bảo chất lượng hàng hóa, công bố đấu định lượng, kiểm định hiệu chuẩn phương tiện đo,… Khi tham gia các chương trình hỗ trợ này, doanh nghiệp có thể nhận biết, nắm rõ hơn về hiệu chuẩn phương tiện đo, kiểm định, kiểm soát đo lường, phương tiện đo phù hợp giúp tránh được thất thoát lãng phí, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng uy tín nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn hoặc tham gia chương trình ĐBĐL có thể liên hệ với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM để được hướng dẫn.

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378