Từ cây ATM gạo thông minh
Dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM, không ít người dân gặp khó khăn, nhất là những người nghèo. Cùng với các cây ATM gạo xuất hiện ở nhiều nơi, anh Lê Hải Bình, CEO một công ty công nghệ tại TPHCM cùng nhóm bạn cho ra đời cây ATM gạo thông minh có khả năng nhận diện khuôn mặt, lưu trữ thông tin đám mây, có cả hệ thống thống kê. Cây ATM gạo thông minh có thể nhận diện người nhận gạo, tránh tình trạng ùn ứ tập trung đông người hay một người nhận gạo nhiều lần… nên việc phát gạo được khoa học hơn.
Chỉ vài ngày chuẩn bị, cây ATM gạo thông minh đặt tại 12A đường Núi Thành (phường 13, quận Tân Bình) đã đi vào hoạt động, tặng gạo cho bà con. Nhưng sau đó nhận thấy thực tế, vẫn còn nhiều người “tụ tập” để nhận gạo tại một địa điểm nên nhóm làm cây ATM gạo này ngay lập tức thiết lập tổng đài (028) 77.77.77.88. Với tổng đài này, bà con chỉ cần gọi vào số tổng đài, hệ thống sẽ tự tra cứu dữ liệu và thông báo lịch hẹn với ngày giờ, địa điểm cụ thể để bà con đến nhận gạo mang về.
Ở góc nhìn khác, hai bạn trẻ Trần Thanh Tuấn và Nguyễn Hữu Đạt nhận thấy danh sách do TPHCM cung cấp cho người dân gồm 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi tại TPHCM phục vụ mua sắm nhu yếu phẩm theo Chỉ thị 16 hiển thị bằng bản thống kê Excel, bất tiện trong việc tìm kiếm địa điểm. Hai bạn đã tạo nên trang web https://diembanhangthietyeu.com để số hóa thông tin và định vị bản đồ gần 3.000 địa điểm trên. Người dân chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính, vào trang web trên sẽ biết ngay điểm có thể mua hàng thiết yếu ở gần nhất. Mặc dù thời điểm này việc mua hàng thiết yếu có khó khăn do nhiều nguyên nhân nhưng thực tế ứng dụng này vẫn thiết thực với nhiều người.
Trang web này còn gợi ý người dùng chia sẻ vị trí để hiển thị các cửa hàng gần nhất, tính khoảng cách để gợi ý địa điểm gần nhất, gợi ý lộ trình di chuyển và thời gian di chuyển tới địa điểm mong muốn. Anh Trần Thanh Tuấn bày tỏ: “Tôi chỉ muốn giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm thông tin các địa điểm bán hàng thiết yếu trong thời gian này. Có thể sau thời gian giãn cách trang web này đã hoàn thành sứ mạng hoặc có thể chuyển đổi thành trang cập nhật thông tin các địa điểm từ thiện, cơm miễn phí, nơi trợ giúp người khó khăn…”.
Đến camera soi chiếu, tổng đài Robot Call
Tại chốt kiểm dịch cầu Phú Long (giáp ranh giữa quận 12-TPHCM và tỉnh Bình Dương) đã xuất hiện mô hình kiểm tra giấy tờ “không chạm”, thông qua hệ thống camera. Tại đây, một khay đựng giấy tờ đặt phía trước chốt, người đi qua chốt chỉ cần bỏ giấy tờ cần kiểm tra vào khay, được hệ thống camera quét, ghi nhận… và thông báo trên hệ thống, giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc. Hệ thống này còn có thiết bị đo thân nhiệt tự động, phía đơn vị phát triển đang chuẩn bị thêm hạ tầng để đưa AI vào hệ thống để đếm số lượng người và phương tiện qua trạm kiểm soát nhằm thực hiện các công tác phát hiện, thống kê.
Đây là sản phẩm thử nghiệm được phát triển từ Phòng Chiến lược và Thị trường thuộc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, an toàn phòng dịch cũng như giảm nhân lực ở các chốt kiểm soát dịch. Nếu thí điểm hiệu quả, đơn vị phát triển sẽ xin phép ứng dụng hệ thống này ở các cửa ngõ ra vào thành phố.
“Robot Call” phòng chống dịch Covid-19 đã được ứng dụng tại Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Nghệ An. Mỗi tỉnh thành ứng dụng có số tổng đài khác nhau như ở Bình Thuận số 0899531199, Nghệ An số 0936837115… Điểm chung của Robot Call là thực hiện các nhiệm vụ: tự động gọi điện tới người dân trong vùng dịch, vùng cách ly hoặc các đối tượng F1, F2 để khảo sát, thu thập và cập nhật nhanh chóng về tình hình sức khỏe, dấu hiệu dịch bệnh. Với những người khai báo chưa rõ ràng, Robot Call sẽ gọi lại để cập nhật thông tin, từ đó lập báo cáo danh sách đối tượng có biểu hiện để gửi cơ quan phòng chống dịch bệnh tỉnh.
Toàn bộ quá trình được thực hiện hoàn toàn tự động, sử dụng công nghệ AI với khả năng thực hiện và xử lý hàng trăm ngàn cuộc gọi mỗi ngày. Robot Call có thể gọi điện và trò chuyện với người nghe, bằng cách ứng dụng công nghệ Text-To-Speech để chuyển văn bản thành giọng nói.
Robot Call là sản phẩm của của startup Vbee, chuyên về AI nhận diện giọng nói. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bạn trẻ của Vbee đã cùng nhà mạng các tỉnh thành thể hiện mong muốn được triển khai công nghệ phục vụ phòng chống dịch và nhiều tỉnh thành đã mở của đón nhận.
Ứng dụng thông minh phòng chống dịch
15-07-2021Không chỉ tập đoàn công nghệ lớn, các cá nhân, startup công nghệ thông tin… đã tập trung đưa ra nhiều sáng kiến, sản phẩm công nghệ cụ thể và ứng dụng tức thời nhằm phục vụ người dân, chung tay góp sức phòng chống dịch Covid-19.
Kiểm tra giấy tờ “không chạm” bằng camera tại chốt kiểm soát dịch đầu cầu Phú Long. Ảnh: Hoàng Hùng