SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Các nhà khoa học Việt Nam chạy đua trong cuộc chiến chống virus Corona

12-02-2020

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, các nhà khoa học Việt Nam đã có những kết quả nghiên cứu tích cực nhằm ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra.

 

Tại Việt Nam, ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu lây lan nhanh chóng tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu ở các đơn vị như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Học viện Quân y, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới, ĐH Y Hà Nội, Viện Pasteur TPHCM… đã chủ động kết nối với các đồng nghiệp quốc tế ở Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mĩ (CDC)…, để cập nhật những thông tin mới nhất.

Nhờ tâm thế chuẩn bị sẵn sàng này, các nhà nghiên cứu có thể nhanh chóng nắm bắt được những đặc điểm dịch tễ học của bệnh dịch cũng như những đặc điểm di truyền, cơ chế lây nhiễm… của chủng virus mới được phát hiện.

Ngày 23/1, Việt Nam xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra là 2 cha con người Trung Quốc đã được cách ly tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Trước đó, ngay khi bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng sốt và suy nhược, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và các nhà nghiên cứu Viện Pasteur TP.HCM đã kịp thời theo dõi, cách ly để điều trị.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 bệnh nhân được điều trị bằng một loại thuốc hạ sốt, phòng cách ly được mở rộng cửa tạo luồng không khí tự nhiên, nhiệt độ phòng cao, có ánh nắng mặt trời. Bệnh nhân được súc họng bằng dung dịch sát khuẩn nhằm giảm đời sống virus Corona,...

coro1

Bệnh nhân mắc bệnh được cách li tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Các bác sĩ ghi chép quá trình điều trị của 2 bệnh nhân và báo cáo tỉ mỉ này đã được đăng trên tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine - tạp chí của Hội Y học Massachusetts được đánh giá là một trong những tạp chí có bình duyệt lâu đời và uy tín của ngành y. Bài báo do TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - tác giả chính, PGS. TS Phan Trọng Lân (Viện Pasteur TP.HCM) - tác giả thứ nhất và cộng sự ở Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM,  được đăng tải vào ngày 28/1, chỉ ít ngày sau khi 2 bệnh nhân nhập viện.

Cùng với đó, tất cả đội ngũ y bác sĩ và các nhà khoa học ngay lập tức lên tiếng cảnh báo, đưa ra lời khuyên về cách phòng chống dịch cho người dân, đồng thời tham gia nghiên cứu virus corona chủng mới (nCoV) theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng kể trong công cuộc chiến đấu với dịch bệnh nguy hiểm này.

Nuôi cấy thành công nCoV

Ngày 7/2, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới trong phòng thí nghiệm. Kết quả nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Nhờ đó mỗi ngày Việt Nam có khả năng xét nghiệm được hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết. Thành tựu y khoa nổi bật này giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia thành công trong phân lập virus này.

Để nuôi cấy, nhóm nghiên cứu lựa chọn 2 trong số 9 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus corona mới và nuôi cấy trên 2 mẫu tế bào được cung cấp bởi phòng thí nghiệm của trường ĐH Nagasaki (Nhật Bản).

coro2

nCoV được các nhà khoa học Việt phân lập thành công.

Sau khi gây nhiễm, tế bào gây nhiễm được theo dõi và quan sát hàng ngày bằng kính hiển vi và xác định sự có mặt của virus với phương pháp realtime RT-PRC. Sau 72 giờ nghiên cứu và phân lập, lúc 9h40 ngày 7/2, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy hình hài virus corona trong phòng thí nghiệm.

PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết: “Thông thường khi virus thâm nhập vào tế bào, nó sẽ phá hủy tế bào nhưng theo thông tin từ một số quốc gia đã phân lập thành công thì nCoV không có biểu hiện phá hủy nên rất khó để quan sát được xem virus có sống và nhân lên trong môi trường phòng thí nghiệm hay không.

May mắn là trong 2 mẫu tế bào "nuôi" virus đã có một mẫu tế bào nhân lên. Dưới kính hiển vi, virus corona mới có kích thước khoảng 100 nanomet với hình dạng như chiếc vương miện, được mô tả trong y văn”.

Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ông Đặng Đức Anh khẳng định: “Kết quả nuôi cấy thành công này sẽ giúp giải mã chính xác về nguồn gốc của virus corona mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng miễn dịch, sức chịu đựng của virus trong các môi trường,... Đây cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắc xin ngừa bệnh”.

Chế tạo thành công bộ kit thử nCoV cho kết quả sau 70 phút

Hiện nay, phương pháp tiêu chuẩn được khuyến cáo bởi WHO để phát hiện chủng mới của virus nCoV-2019 là bộ Sinh phẩm RT-PCR và Realtime RT-PCR. Đây là quy trình chẩn đoán tiêu chuẩn kỹ thuật phân tử (RT-PCR) và cần ít nhất 4 giờ (240 phút) để có kết quả xét nghiệm. Cùng với đó, nhược điểm của các bộ sinh phẩm này là cần các thiết bị hết sức đắt tiền và giá sản xuất mỗi bộ là 1 triệu đồng.

Ngày 9/2 vừa qua, nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hoà và TS Nguyễn Lê Thu Hà (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) công bố chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh nCoV. Bộ kit sử dụng kỹ thuật RT-LAMP (khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic) chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại virus gây bệnh. Đặc biệt thời gian phân tích ngắn (70 phút bao gồm cả giai đoạn tách chiết RNA).

coro3

Bộ sinh phẩm RT-LAMP.

“Ưu điểm thấy rõ là thời gian phản ứng chỉ từ 15 đến 30 phút - rất nhanh so với quy trình tiêu chuẩn hiện nay (tối thiểu là 2 tiếng) - là có thể thu nhận được kết quả. Nhận biết âm tính hay dương tính thông qua phản ứng đổi màu của dung dịch. Nếu dung dịch đổi từ màu hồng sang vàng thì kết luận dương tính, còn không đổi màu là âm tính”, TS Hòa nêu lên ưu điểm của sinh phẩm này.

So với các kỹ thuật sinh học phân tử khác, RT-LAMP có thiết bị đơn giản, khả năng ứng dụng tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tương đương với real-time RT-PCR). Giá thành sản xuất mỗi sinh phẩm chỉ 350.000 đồng.

Do vậy, theo nhóm nghiên cứu, bộ sinh phẩm này hoàn toàn có thể ứng dụng được tại các bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện dã chiến để phòng khi dịch bùng phát, có thể phân tích ngay tại các cơ sở y tế này mà không phải chuyển mẫu về rồi chờ kết quả từ bệnh viện tuyến trung ương.

Tuy nhiên, để đưa được một sinh phẩm ra ngoài thị trường, đảm bảo độ chính xác thì cần phải thử nghiệm trên những mẫu bệnh phẩm thực. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu hy vọng có sự hỗ trợ từ phía Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để có thể tiếp cận, hợp tác được với một số bệnh viện, cơ quan chuyên trách để tiến hành thử nghiệm, kiểm định bộ sinh phẩm trong thời gian sớm nhất.

Bắt đầu thử nghiệm thuốc điều trị nCoV

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh vừa phê duyệt đề tài độc lập cấp nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới”. 

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trung tâm cảnh giác dược và một số đơn vị khác được trực tiếp chỉ định thực hiện.

Các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm trong 4 tuần hoặc trên 10 người bệnh. Từ đó sẽ báo cáo đánh giá hiệu quả đáp ứng lâm sàng, cận lâm sàng, virus học, tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV được điều trị theo phác đồ nền của Bộ Y tế.

coro4

Nhóm nghiên cứu của TS. Lê Quang Hòa nghiên cứu thành công bộ kit xét nghiệm nCoV trong 70 phút. Ảnh: Vietnamnet

Trong vòng 12 tháng, mục tiêu của nghiên cứu là làm rõ hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona chủng mới dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Đồng thời, đề xuất phác đồ sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona.

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trực tiếp giao 3 nhiệm vụ tới các đơn vị để nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nhanh, sàng lọc nCoV-2019, phục vụ công tác phòng, chống dịch. 

Một là nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và Realtime RT-PCR) phát hiện chủng nCoV do Học viện Quân y chủ trì phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á chịu trách nhiệm.

Hai là nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng nCoV-2019 được thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa (Biochem) chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ) và Viện Pasteur TPHCM.

Ba là nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus học bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Việt Nam do Viện Pasteur TPHCM chủ trì. Nghiên cứu tập trung tìm giải pháp dự phòng, phác đồ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng nCoV-2019 tại Việt Nam.

Với sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời và quyết liệt của các nhà khoa học, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ sớm khống chế thành công dịch bệnh nguy hiểm này.

 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353