SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chọn tạo thành công hai dòng gà Hắc Phong năng suất cao

17-09-2023

Gà Hắc Phong có năng suất cũng như chất lượng thịt và trứng cao, đáp ứng tốt nhu cầu chăn nuôi quy mô công nghiệp trong bối cảnh nhiều địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập.

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi nói chung hay chăn nuôi gia cầm nói riêng vẫn là nguồn sinh kế quan trọng của người nông dân. Bên cạnh sự phát triển của các giống gà công nghiệp, Việt Nam chú trọng phát triển đàn gà lông màu thả vườn, kể cả giống gà bản địa hay nhập nội.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018-2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm. Trong quý 1 năm 2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563.200 tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều giải pháp đã được triển khai, trong đó việc chọn lọc để cải tiến các giống vật nuôi hiện hữu và chọn tạo các dòng/giống mới có năng suất cao hơn là giải pháp được ưu tiên và mang lại nhiều thành công.
Bên cạnh giống gà Ác khu vực Nam Bộ hay gà H’Mông khu vực Tây Bắc thì gà Hắc Phong được các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa về nuôi bảo tồn và phát triển nguồn genne không những là nhóm gà có thịt thơm ngon, da giòn, tỷ lệ lòng đỏ cao mà còn được xem như là vị thuốc để bồi bổ sức khỏe cho con người.
Gà Hắc Phong là nhóm gà có thịt và xương đen như gà Ác và H’Mông của Việt Nam, đặc điểm ngoại hình, khả năng sinh trưởng của gà Hắc Phong bước đầu đã được nghiên cứu và báo cáo, tuy nhiên các nghiên cứu liên quan đến di truyền phân tử ở nhóm gà này hầu như chưa được thực hiện.
Đa phần các nghiên cứu chọn tạo chủ yếu dựa vào các tính trạng số lượng thông qua sử dụng các mô hình toán (REML, BLUP) để đánh giá. Những năm gần đây đã bắt đầu có một số nghiên cứu ứng dụng kết hợp di truyền phân tử với di truyền số lượng nhằm giúp hỗ trợ chọn lọc đã được thực hiện trên thế giới.
Từ những thành tựu nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy đã có nhiều genne được tìm hiểu và một số genne ứng cử có liên kết chặt chẽ với các tính trạng sinh trưởng hay sinh sản đã được khám phá. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đã chứng minh có thể cải thiện nhanh một số tính trạng sinh trưởng và sinh sản dựa trên các genne GH, IGF-I, PIT1 và PRL, NPY. Tuy nhiên, đặc điểm di truyền của các tính trạng năng suất tuân theo quy luật di truyền đa genne (một tính trạng do nhiều genne tác động) và tính đa hiệu của genne (một genne có thể ảnh hưởng cùng lúc lên nhiều tính trạng). Vì vậy, kết quả chọn lọc có thể có các ảnh hưởng không mong muốn đến các tính trạng khác hoặc đến mục tiêu chung của chương trình giống nếu chỉ sử dụng phương pháp chọn lọc dựa vào một vài genne chính (genne ứng viên).

H-1.jpg

Đại diện Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ giới thiệu giống gà Hắc Phong

Nhằm giải quyết mục tiêu "tạo ra 2 dòng gà Hắc Phong có khối lượng cơ thể và năng suất trứng cao để cung cấp gà bố mẹ và thương phẩm cho TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ", nhóm các nhà khoa học công tác tại Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Kết hợp phương pháp BLUP với một số kiểu gene có lợi để chọn tạo hai dòng gà Hắc Phong".
TS. Hoàng Tuấn Thành, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ cho biết "trong nghiên cứu này, nhóm tập trung vào hướng chọn lọc tạo dòng trống có khả năng tăng khối lượng cơ thể nhanh, dòng mái có khả năng đẻ trứng cao trên cơ sở sử dụng kết hợp dữ liệu từ phương pháp đánh giá di truyền BLUP và phân tích tính đa hình kiểu genne GH, IGF-I, PIT1, PRL và NPY để hướng đến kết hợp được các ưu điểm của hai phương pháp nhằm tăng nhanh tiến bộ di truyền.
Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ, đại diện Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ khẳng định, dựa vào kết quả phân tích BLUP và đa hình genne liên quan sinh trưởng, bước đầu đã chọn tạo được dòng trống theo hướng tăng khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi. Đàn gà có tỷ lệ nuôi sống cao, hệ số di truyền khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi là 0,23; tiến bộ di truyền khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi của gà trống và mái đạt 30,2 và 29,7 gam/thế hệ. Khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi ở thế hệ 3 của gà trống và mái đạt 774,2 và 656,7 gam/con. Năng suất trứng/mái/72 tuần tuổi bình ổn qua các thế hệ đạt 144,0-147,7 quả với tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng 2,49-2,53 kg. Tỷ lệ trứng có phôi 93,6-93,7% và tỷ lệ gà nở/tổng số trứng ấp đạt 82,0-82,2%.
H-2.jpg
Trại gà giống Hắc Phong đang nuôi thực tế tại Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ

Đối với dòng mái, đã chọn tạo dược dòng mái theo hướng tăng năng suất trứng 38 tuần tuổi. Đàn gà có tỷ lệ nuôi sống cao, hệ số di truyền năng suất trứng 38 tuần tuổi 0,15; tiến bộ di truyền 1,7 quả/thế hệ. Năng suất trứng 38 tuần tuổi thế hệ 3 đạt 59,4 quả tăng 10,5 quả so với thế hệ 1. Năng suất trứng/mái/72 tuần tuổi thế hệ 3 đạt 162,4 quả với tiêu tốn thức ăn/10 trứng là 2,38kg. Tỷ lệ trứng có phôi 93,7-94,3% và tỷ lệ gà nở/tổng số trứng ấp đạt 81,3-82,8%.
Ngoài ra, kết quả khảo sát gà bố mẹ và thương phẩm từ 2 dòng gà mới chọn tạo và chất lượng trứng và thịt của dòng trống và dòng mái qua các thế hệ. Các chỉ tiêu về chất lượng trứng, thịt cùa gà Hắc Phong dòng trống và dòng mái đều đạt chất lượng tốt và trong tiêu chuẩn cho phép.
Đáng chú ý, là một phần của nhiệm vụ, nhóm đã chuyển giao gà giống xây dựng mô hình đàn gà bố mẹ và thương phẩm nuôi tại Bình Dương và Đồng Nai cho kết quả tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ thêm về hiệu quả của gà Hắc Phong triển khai nuôi thử nghiệm, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ cho biết thêm, tỷ lệ nuôi sống của gà Hắc Phong nuôi ở cả 2 hộ thực hiện mô hình đều đạt khá cao ở cả 2 giai đoạn và ở 2 thế hệ. Ở thế hệ 3, tỷ lệ nuôi sống gà nuôi của hộ 1 giai đoạn 0-8 tuần tuổi là 94,2%, giai đoạn 9-16 tuần tuổi là 97,2%. Tỷ lệ nuôi sống gà nuôi của hộ 2 giai đoạn 0-8 tuần tuổi là 94,8%, giai đoạn 9-16 tuần tuổi là 98,1%. Hộ 2 có tỷ lệ nuôi sống cao hơn hộ 1 nhưng mức chênh lệch là không lớn (P>0,05). Kết quả này tương đương so với gà thương phẩm nuôi tại trại giống Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova (thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ). Tỷ lệ nuôi sống cao tại mô hình là nhờ việc chuyển giao con giống đồng bộ cùng quy trình chăn nuôi đã được hoàn thiện từ cơ sở giống là một trong những điều kiện giúp cho đàn giống phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt cao. Thêm nữa là việc chọn hộ có kinh nghiệm nuôi gà, có đủ điều kiện chuồng trại và trang thiết bị cùng với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật có trình độ từ Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ. Kết quả tỷ lệ nuôi sống gà cao từ 2 nông hộ khẳng định gà Hắc Phong từ 2 dòng gà mới chọn tạo có khả năng thích nghi cao, sức sống tốt là cơ sở thuận lợi khi chuyển giao con giống ra sản xuất đại trà.

H-3.jpg

Gà Hắc Phong dễ nuôi, chăm sóc và cho chất lượng thịt, trứng ở mức tốt
TS. Hoàng Tuấn Thành khẳng định, về hiệu quả về khoa học và công nghệ, kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu về chọn lọc giống dựa trên nền tảng kỹ thuật di truyền phân tử kết hợp di truyền số lượng, là dữ liệu cơ bản giúp các cơ sở chọn giống gia cầm định hướng nghiên cứu ứng dụng. Dữ liệu thu thập được của đề tài là nguồn thông tin có giá trị tin cậy cao và sử dụng như nguồn tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy.
Về hiệu quả về kinh tế xã hội, theo TS. Hoàng Tuấn Thành, việc chọn lọc tạo ra 2 dòng gà Hắc Phong có năng suất, chất lượng cao là sản phẩm hàng hóa mới phù hợp với chĕn nuôi tập trung và/hoặc bán chăn thả tại TP.HCM cǜng như các tỉnh Nam Bộ, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi sang các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ các dòng gà được chọn tạo sẽ sản xuất được gà bố mẹ và thương phẩm có năng suất và chất lượng cao hơn, giá thành hợp lý hơn so với đàn giống cũ, tiết kiệm được chi phí. Từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp nông thôn, tăng sản phẩm thịt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần giải quyết an sinh cho xã hội. Các dòng gà có năng suất cao giúp nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi, đồng thời cǜng gián tiếp giúp làm giảm ô nhiễm môi trường từ ngành chăn nuôi.

Phương pháp khảo sát đánh giá chất lượng thịt và trứng gà Hắc Phong

Gà Hắc Phong được tiến hành mổ khảo sát để đánh giá năng suất và chất lượng thịt lúc 16 tuần tuổi ở 3 thế hệ, số lượng gà mổ khảo sát 60 con (10 con/dòng x 2 dòng x 3 thế  hệ). Phương pháp mổ khảo sát, thu nhận mẫu và phương thức đánh giá dựa theo khuyến cáo của Bùi Hữu Đoàn và cộng sự (2011), một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

Một số chỉ tiêu liên quan thành phần thân thịt:

- Khối lượng cơ thể, thành phần và tỷ lệ thân thịt;

- Khối lượng thịt ức và tỷ lệ thịt ức;

- Khối lượng thịt đùi và tỷ lệ thịt đùi;

- Khối lượng mỡ nội tạng và tỷ lệ mỡ nội tạng.

Một số chỉ tiêu liên quan đến thành phần hóa học thịt:

- Hàm lượng vật chất khô (Dry matter - DM): được xác định theo TCVN 4326-2007

- Hàm lượng protein thô (Crude protein - CP): được phân tích bằng phương pháp Kjeldahl theo TCVN 4328-2007

- Hàm lượng khoáng tổng số (Ash): được xác định theo TCVN 4327-2007

- Hàm lượng chất béo (ether extract - EE): được xác định bằng phương pháp Soxlhet theo TCVN 4331-2007

 

Thông tin liên hệ:
Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ (Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PT-NT)
Địa chỉ: Khu phố Hiệp Thắng, P.Bình Thắng, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dưong
Điện thoại: 0274 3739899 - 0903355003

E-mail: iasvn@iasvn.vn - thanhvigova@yahoo.com

Website: iasvn.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353