SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá công chức dựa trên kết quả thực thi công vụ

26-09-2022

Đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ là yêu cầu cấp thiết, là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý công chức. Mô hình quản lý theo kết quả thực thi công vụ được coi là giải pháp tối ưu bởi cho phép các nhà quản lý linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn lực con người và ngân sách được phân bổ dựa trên các kết quả thực hiện công việc có thể lượng hóa được và điều đó giúp xây dựng một chính quyền năng động, chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả. Vì vậy việc nghiên cứu và vận dụng đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ vào các cơ quan nhà nước là hết sức quan trọng và cần thiết.

Là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn nhất của cả nước, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước, TP.HCM đã và đang khẩn trương xây dựng mô hình chính quyền đô thị để triển khai ngày càng có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với phương châm lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Quá trình xây dựng chính quyền đô thị nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung đòi hỏi TP.HCM là phải xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng” “vừa chuyên”. Muốn làm được điều này, Thành phố phải hoàn thiện công tác quản lý công chức, nhất là khâu đánh giá công chức.

Thành phố đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2008/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của HĐND TP.HCM về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý. Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND được xác định là đòn bẩy quan trọng nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức của TP.HCM, là chính sách giải quyết nhiều “nút thắt” hiện nay của nền công vụ ở Thành phố. Để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4631/QĐ-UBND ngày 19/10/2018 về đánh giá, phân loại hằng quý theo hiệu quả công việc đối với CB, CC, VC thuộc khu vực quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý. Đồng thời, vào tháng 9/2019, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 3728/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá, phân loại hằng quý theo hiệu quả công việc đối với CB, CC, VC trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM ban hành kèm theo Quyết định số 4631. 

dgcc4

Người dân đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ giải quyết hồ sơ tại UBND P.Bến Thành, Quận 1

Theo đó, công tác đánh giá công chức phải dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng, định lượng được kết quả thực thi công vụ của từng công chức tương ứng với vị trí việc làm cụ thể. Đặc biệt, đi đôi với cơ sở pháp lý của TP.HCM, Phòng Kinh tế quận Phú Nhuận đã có đề xuất sáng kiến thí điểm đánh giá công chức trên địa bàn quận theo hệ thống đo lường hiệu quả công việc (mô hình KPI) nhằm đo lường các kết quả đầu ra của công chức. Có thể nói, việc thay đổi cơ chế đánh giá, phân loại CB, CC, VC theo xu hướng kết quả thực thi công vụ của TP.HCM có ý nghĩa cả về lý luận lẫn thực tiễn, góp phần khắc phục những bất cập vốn tồn tại dai dẳng nhiều năm qua trong công tác đánh giá CB, CC, VC của nước ta và tạo cơ sở công bằng cho việc chi trả phúc lợi tăng thêm nhờ cơ chế đặc thù của Thành phố. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, mặc dù đã có những bước đột phá rõ ràng về tư duy cải cách, đổi mới công tác đánh giá CB, CC, VC, song xét ở góc độ tổng thể thì vẫn còn một số hạn chế. 

dgcc1

Bộ phận tiếp nhận, và trả hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính tại UBND P.Hiệp Phú, TP Thủ Đức

Cụ thể, vẫn còn tình trạng nhận xét, đánh giá hằng tháng, hằng năm còn mang tính cả nể, chưa đánh giá đúng, đầy đủ, thực chất việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức nhất là công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM. Đặc biệt, Quyết định số 4631/QĐ-UBND về đánh giá, phân loại hằng quý theo hiệu quả công việc đối với CB, CC thuộc khu vực quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý vẫn chưa đề cập đến sự khác biệt cụ thể trong việc đánh giá, phân loại công chức đang làm việc trong bộ máy nhà nước cấp tỉnh. Với lý do “Thước đo quan trọng để xác định tăng thu nhập cho đội ngũ CB, CC, VC là dựa vào kết quả thực thi công vụ của chính họ” và dưới sự chủ trì của Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP.HCM, TS. Nguyễn Thị Thu Hòa đã triển khai nhiệm vụ khoa học “Đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM theo kết quả thực thi công vụ”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề tài đã nêu quan điểm “Muốn đánh giá công chức hiệu quả đòi hỏi TP.HCM phải triển khai thực hiện đánh giá CB,CC theo kết quả thực thi công vụ, đặc biệt là đối với công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, bởi có như vậy việc đánh giá công chức mới khách quan, chính xác, thực chất và khoa học”.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Thu Hòa và cộng sự, thì công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM còn có những đặc điểm riêng biệt so với đội ngũ CB, CC nói chung, do đó việc đánh giá cũng phải tính đến những yếu tố đặc thù này. 

dgcc2

(Ảnh minh họa)

TS Nguyễn Thị Thu Hòa khẳng định, việc đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM theo kết quả thực thi công vụ sẽ mang lại những lợi ích cơ bản sau: (1) Thay đổi tư duy, nhận thức về công tác đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố của đội ngũ CB,CC; (2) Tạo nên sự khác biệt trong việc đánh giá đối với từng đối tượng CB,CC; (3) Giúp cho việc đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố được tiến hành thực chất, khoa học và chính xác hơn; (4) Hỗ trợ cho việc đề xuất hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý và phát triển đội ngũ CB,CC của Thành phố; (5) Góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC của TP.HCM, phục vụ cho quá trình xây dựng “Chính quyền đô thị” của thành phố.

Đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP.HCM cho rằng “đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ là yêu cầu cấp thiết, là giải pháp quan trọng trong triển khai các hoạt động cải cách hành chính. Mô hình quản lý theo kết quả thực thi công vụ được coi là giải pháp tối ưu bởi cho phép các nhà quản lý linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn lực con người và ngân sách được phân bổ dựa trên các kết quả thực hiện công việc có thể được lượng hóa, và điều đó giúp xây dựng một chính quyền năng động, chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả”.

Theo đó, TS. Nguyễn Thị Thu Hòa và nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các nội dung quan trọng, như: Hệ thống hóa cơ sở khoa học về đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố trực thuộc Trung ương theo kết quả thực thi công vụ; Phân tích và đánh giá thực trạng công tác đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM trong thời gian qua, trong đó, tập trung làm rõ nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng; đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM theo kết quả thực thi công vụ trong thời gian tới.

dgcc3

(Ảnh minh họa)

Đề tài đã phân tích, làm rõ thực trạng công tác đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM trong thời gian qua trên cơ sở quy định pháp luật và thực tiễn triển khai công tác này tại TP.HCM. Về cơ bản, công tác đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM đã đạt những kết quả tích cực về nhiều phương diện như các văn bản pháp lý, tiêu chí đánh giá, quy trình đánh giá, phương pháp đánh giá và nhất là việc sử dụng kết quả đánh giá trong chi trả thu nhập tăng thêm cho đội ngũ công chức Thành phố theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, thực tiễn đánh giá công chức còn tồn tại những hạn chế nhất định. Thực tiễn đánh giá công chức trên địa bàn Thành phố cho thấy chưa hình thành đầy đủ phương thức đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ do các tiêu chí, phương pháp và quy trình đánh giá chưa thực sự xuất phát từ kết quả và gắn trực tiếp với kết quả thực thi công vụ. Những hạn chế từ chính bản thân các quy định là một trong những nội dung quan trọng khiến công tác đánh giá chưa đạt được kết quả như mong muốn; hay hạn chế về các tiêu chí đánh giá chưa được lượng hoá và gắn với kết quả đầu ra gây khó khăn cho việc đánh giá chính xác kết quả thực thi công vụ của công chức. Hơn nữa, trong quy trình đánh giá vẫn còn những bất cập, nhất là bước lấy ý kiến của tập thể đang thực hiện một cách “hình thức”, tâm lý “nể nang”, “ngại va chạm” làm cho kết quả đánh giá chưa thực chất; quy trình hiện còn mang nặng tính “nội bộ”, khép kín mà chưa mở rộng cho phép nhiều chủ thể tham gia, đặc biệt là một số vị trí công tác thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp chưa dựa trên phản hồi của “khách hàng” để đánh giá công chức,... Với những nhận định đó, nhóm nghiên cứu đã xác định các nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, yếu kém này làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ vừa được Sở KH&CN TP.HCM tổ chức trong quý 3/2022, TS. Nguyễn Thị Thu Hòa khẳng định “Xây dựng và từng bước hoàn thiện công tác đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM theo kết quả thực thi công vụ là một nhiệm vụ cần thiết, khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu CCHC trong bối cảnh TP.HCM đang triển khai chính quyền đô thị, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, gắn hoạt động của từng cơ quan, đơn vị với đề án vị trí việc làm của đội ngũ CB, CC cũng như các nội dung gắn với chính phủ số và chính quyền số”. 

Tuy nhiên, đổi mới công tác đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM cần dựa trên cơ sở các định hướng của Đảng, Nhà nước và Thành phố về công tác này. Với quan điểm đó, nhóm triển khai nhiệm vụ đã đề xuất một số giải pháp cho việc hoàn thiện công tác đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM cũng như kiến nghị việc áp dụng phương pháp đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ. Các đề xuất này bao gồm: (1) Nâng cao nhận thức của đội ngũ CB, CC; (2) Xây dựng khung năng lực và bản mô tả công việc cho các vị trí; (3) Hoàn thiện các tiêu chí đánh giá; (4) Đa dạng hóa các phương pháp đánh giá với nhiều chủ thể tham gia; (5) Hoàn thiện quy trình đánh giá; (6) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá công chức; (7) Sử dụng có hiệu quả kết quả đánh giá công chức; (8) Triển khai đánh giá công chức theo KPI. 

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Thu Hòa thì các kiến nghị và đề xuất nêu trên có thể áp dụng thành công hay không còn phụ thuộc rất lớn vào việc Thành phố có đảm bảo các điều kiện tiên quyết cho việc áp dụng mô hình này, bao gồm: Thay đổi văn hóa đánh giá công chức theo kết quả so với đánh giá truyền thống; Thể chế về đánh giá công chức hoàn thiện và đồng bộ; Quyết tâm và vai trò của người lãnh đạo trong đánh giá công chức được đảm bảo; Có nguồn thông tin thu thập phục vụ cho việc đánh giá kết quả thực thi công vụ của công chức; Có sự tham gia của nhiều chủ thể vào quá trình đánh giá; Có kế hoạch và thực tiễn sử dụng kết quả đánh giá thực thi công vụ vào thực hiện các chức năng quản lý nhân sự khoa học. 

Được biết, các số liệu, kết quả thống kê, khảo sát là một phần của nhiệm vụ khoa học - công nghệ này cũng đã đánh giá những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ và phác thảo lộ trình đưa mô hình này vào TP.HCM với các bước triển khai thật sự thận trọng.

Nhận xét về kết quả mà TS. Nguyễn Thị Thu Hòa và nhóm nghiên cứu thực hiện, TS. Bùi Thị Ngọc Trang (Học viện Cán bộ TP.HCM), thành viên Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ, cho rằng nhiệm vụ đã gắn liền với thực tiễn tại TP.HCM, đó là việc đánh giá công chức, viên chức theo Nghị quyết 03 (mỗi quý 1 lần). Các phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng; cơ sở thực tiễn và khoa học được thể hiện rõ, thể hiện độ chính xác của kết quả đầu ra của công trình nghiên cứu. Chưa dừng lại ở đó, quy trình đánh giá CC mà nhóm nghiên cứu đề xuất đã khắc phục những hạn chế của quy trình đánh giá hiện hữu.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Quỳnh Huy, Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐHQG Hà Nội khẳng định, nhiệm vụ đã cung cấp 1 bức tranh toàn cảnh, toàn diện về thực trạng đánh giá thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức  các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, đăc biệt các nhận xét, đề xuất của nhiệm vụ dành cho Sở Nội vụ, UBND TP.HCM gắn với KPI của đội ngũ CC là hoàn toàn hiệu quả, thiết thực.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng tư vấn nghiệm thu, PGS.TS Huỳnh Văn Thới (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM) và các thành viên hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ đều cho rằng, kết quả của nghiên cứu vừa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, thể hiện tinh thần thái độ nghiêm túc của nhóm nghiên cứu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến quá trình nghiên cứu, tuy nhiên nhóm nghiên cứu đã nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu theo đúng tiến độ. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM nói riêng và UBND TP.HCM nói chung có thể nghiên cứu để vận dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đánh giá công chức nói riêng và nâng cao công tác quản lý đội ngũ công chức nói chung. 

Thông tin liên hệ:

Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ  Hà

Nội tại TP.HCM

Địa chỉ: 181 Lê Đức Thọ, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM

E-mail: nguyenhoahchhcm@gmail.com

Điện thoại: 028.38943717 - 0982459547

Website: https://truongnoivu-csmn.edu.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353