SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đề xuất mô hình xây dựng và vận hành Living Lab Trường Thọ thúc đẩy phát triển khu đô thị sáng tạo - tương tác cao phía Đông TP.HCM

14-11-2023

Living Lab Trường Thọ sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của khu đô thị, hỗ trợ định hướng chiến lược nghiên cứu và phát triển các dự án giải quyết vấn đề của đô thị thông minh, kêu gọi sự hợp tác nghiên cứu (kết hợp 4P), gắn liền với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại TP.HCM nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng.

Là địa phương năng động, có tốc độ đô thị hóa cao nên TP.HCM đồng thời phát sinh nhiều vấn đề, thách thức như ô nhiễm môi trường, ngập nước, ùn tắc giao thông và nhu cầu an sinh xã hội lớn… Để giải quyết những vấn đề mang tính thách thức này, thực tế đòi hỏi sự tồn tại của một môi trường mà tại đó người dân, chính quyền và các bên liên quan có thể trực tiếp đưa ra các ý tưởng sáng tạo, và sau đó thử nghiệm, đánh giá ý tưởng đó bởi chính họ. Hay nói cụ thể hơn, chính quyền và người dân sẽ cùng tương tác, điều chỉnh hành vi để cùng hướng đến một mục tiêu phát triển khu vực có môi trường sống tốt, mức độ an sinh xã hội cao.

Được biết, nhiều thành phố trên thế giới đã xây dựng và phát triển các Living Lab nhằm thực thi các ý tưởng giải quyết vấn đề của đô thị. Không gian Living Lab mang đến cơ hội cho chính quyền, doanh nghiệp, và người dân có cơ hội tham gia thử nghiệm và triển khai các ý tưởng mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho chính cư dân đô thị.

Đối với khu đô thị Trường Thọ (thành phố Thủ Đức, TP.HCM), mục tiêu phát triển Living Lab tại Trường Thọ không chỉ để thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, tạo kết nối liên ngành 4P (Public - Khu vực công, Institute Partner - Khối các tổ chức nghiên cứu, đại học, Private - Khối tư nhân, People - Cộng đồng dân cư), mà còn hướng đến tạo điều kiện cho việc đồng sáng tạo và thương mại hóa các ý tưởng mới nhằm giải quyết các vấn đề sẵn có của quá trình đô thị hóa (đưa ra được ý kiến thống nhất để tích hợp vào các giải pháp, các sản phẩm, dịch vụ trong môi trường thực tế), hướng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Ngoài ra, việc hình thành Living Lab tại Trường Thọ cũng phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố Thủ Đức vì gắn liền với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, góp phần thúc đẩy thành phố Thủ Đức trở thành trung tâm kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và cả nước.

Trịnh Tú Anh - chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình Living Lab cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố” cho biết, Living Lab Trường Thọ là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển khu đô thị tương tác cao phía Đông của TP.HCM và cả thành phố Thủ Đức, có thể kêu gọi sự hợp tác nghiên cứu và thu hút khu vực công, các công ty/tập đoàn tư nhân và viện/trường nghiên cứu tại khu đô thị tương tác cao khu vực phía Đông cùng tham gia xây dựng, triển khai và duy trì hoạt động. Người dân sinh sống tại khu đô thị Trường Thọ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ các giải pháp mới được thử nghiệm và triển khai thông qua hoạt động của các Living Lab.

NV-45-H2.png

Quy trình xây dựng Living Lab được đề xuất cho khu đô thị sáng tạo Trường Thọ

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hồi quý 3/2023 vừa qua, TS. Trịnh Tú Anh khẳng định rằng: Living Lab nên được xem là nền tảng nghiên cứu tích hợp để cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, tạo ra các sản phẩm/dịch vụ/hệ thống thực để giải quyết triệt để từng vấn đề của quá trình đô thị hóa bằng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo tại từng địa phương/khu vực cụ thể. Nền tảng tích hợp này phải được hiểu là một khu vực vật lý cụ thể hoặc thực tế ảo, hoặc không gian tương tác, trong đó các bên liên quan hình thành mối quan hệ đối tác ba bên giữa khu vực công - khu vực tư nhân - các đối tác khác, chính là đại diện của các cơ quan nhà nước, trường đại học/viện nghiên cứu, doanh nghiệp, người sử dụng và các đối tác liên quan khác. Dù các bước xây dựng Living Lab có thể được cập nhật thay đổi, nhưng việc dựa trên hợp tác 4P (Public - Private - People - Partnership) là không đổi.

"Điều tiên quyết để các Living Lab trên thế giới hoạt động thành công chính là sự hợp tác hiệu quả của 4P, không chỉ vậy, những đối tác tham gia quá trình phát triển Living Lab cũng có những lợi ích nhất định", TS. Trịnh Tú Anh nhấn mạnh.

Nhằm góp phần giải quyết các vấn đề như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, quy hoạch và sử dụng đất, vấn đề nhà ở và ô nhiễm môi trường, thì một trong những mục tiêu và tầm nhìn đề ra cho TP.HCM phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là (1) tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng; (2) nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Để thực hiện mục tiêu này, Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 9/12/2020 chính thức thông qua Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM để hình thành vùng động lực tăng trưởng, trung tâm kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia, định hướng phát triển là đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông với kỳ vọng tạo ra một "cực tăng trưởng mới" trực tiếp thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, phường Trường Thọ được lựa chọn là khu trung tâm hành chính, tài chính - thương mại của thành phố mới Thủ Đức. Bên cạnh những lợi thế, thì Trường Thọ hiện cũng phải đối mặt với 5 hệ quả nghiêm trọng của đô thị hóa như các đô thị khác trên thế giới, đó là Suy thoái tài nguyên đất; Áp lực “dấu chân con người” (Human Footprint); Ô nhiễm môi trường; Sự nóng lên toàn cầu; và Sự bành trướng đô thị.

Như vậy để đạt được những kỳ vọng của chính quyền thì xây dựng và phát triển Trường Thọ trở thành thành phố thông minh hướng đến chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững là nhiệm cụ cấp bách.

Để thực hiện được kỳ vọng này, thì việc lựa chọn xây dựng và phát triển hệ thống Living Lab được xem là công cụ hiệu quả bởi vì mô hình được biết đến như một cách để quản lý các quá trình đổi mới theo cách tiếp cận mở, bao trùm, cách tiếp cận có sự tham gia và hợp tác, trong đó các đổi mới được phát triển bằng cách thu hút các bên liên quan khác nhau, bao gồm cả cộng đồng.

Trịnh Tú Anh

Là một mô hình mới có nhiều ưu việt so với các mô hình quản trị dự án truyền thống, mô hình Living Lab giải quyết các vấn đề phức tạp mà hiện tại chưa có thể khắc phục như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, mô hình Living Lab thu hút nhà nghiên cứu, chuyên gia, trường/viện, tập đoàn, công nghệ cùng tham gia trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. kết quả nghiên của đề tài giúp hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và cơ sở vật chất cho chiến lược chuyển đổi số và đô thị thông minh; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các nghiên cứu khoa học và công nghệ, các giải pháp công nghệ mới được thử nghiệm trong môi trường thực tế. Điều này giúp cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, công ty công nghệ có động lực phát triển, rút ngắn thời gian và chi phí nghiên cứu, tăng tính ứng dụng và khả thi của kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề thực; giúp mở rộng gắn kết liên ngành, tạo điều kiện cho việc đồng sáng tạo và thương mại hóa các ý tưởng mới. Phát triển mạng lưới giao thông kết nối đô thị, liên khu vực, liên vùng, tiếp cận dịch vụ và hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng hòa nhập, đảm bảo phân phối tốt hơn các lợi ích của tăng trưởng kinh tế.

Thông qua quá trình so sánh khả giải quyết vấn đề theo phạm vi sâu và rộng của các mô hình Living Lab, nhóm chuyên gia tại Viện Đổi mới sáng tạo (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - UEH) đề xuất mô hình Hồi sinh đô thị (OUR living lab_Urban on revitalization) với các hợp phần dự án thử nghiệm là Đo lường cảm xúc của người dân trước các thiết kế đô thị, và Quản lý giao thông thông minh là lựa chọn phù hợp cho Living Lab Trường Thọ.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, mô hình Hồi sinh đô thị không chỉ cung cấp được nhiều giải pháp cho các vấn đề thực tại ở khu đô thị Trường Thọ, mà còn đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang hướng tới. Bên cạnh đó, cách tiếp cận của mô hình là Enabler-driven cũng phù hợp bối cảnh phát triển dự án, khi mà cơ quan chính quyền là thành phần dẫn dắt các thay đổi và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

H-5C.jpg

Cơ cấu tổ chức của Living Lab Trường Thọ được đề xuất, trong đó Living Lab là đơn vị thuộc sự quản lý của UBND thành phố Thủ Đức

Các chuyên gia tại Viện Đổi mới sáng tạo (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - UEH) đồng thời kiến nghị những chiến lược, chiến dịch, kịch bản ngắn hạn hoặc dài hạn áp dụng ở Living Lab Trường Thọ cần tuân theo các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và phương pháp “Chiến lược phát triển thành phố” (CDS). Ngoài ra, để đảm gia tăng khả năng thành công của dự án, nhóm thực hiện nhiệm vụ cũng kiến nghị chính quyền khu đô thị Trường Thọ cần phát huy vai trò dẫn dắt của mình, dưới sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Thủ Đức và chính quyền TP.HCM. Trong đó, Ban quản lý dự án Living Lab Trường Thọ sẽ cùng các bên liên quan đánh giá tình trạng của dự án, rà soát các vấn đề tồn đọng và nguyên nhân, để kịp thời gỡ rối những cơ chế chính sách, gia tăng niềm tin cho các đối tác, đặc biệt là người dân.

Về mặt kết nối và phát triển các Living Lab và các trung tâm đổi mới sáng tạo theo chiến lược phát triển khu đô thị tương tác cao phía Đông, Living Lab Trường Thọ sẽ hỗ trợ các nghiên cứu, dự án, sản phẩm ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của khu đô thị như: suy thoái tài nguyên đất do quá trình công nghiệp hóa, ô nhiễm môi trường, triều cường và ngập lụt, chất lượng sống của cư dân đô thị. Ngoài ra, Living Lab Trường Thọ còn hỗ trợ định hướng chiến lược để Trung tâm công nghệ cao có thể nghiên cứu và phát triển các dự án, sản phẩm, dịch vụ giải quyết các vấn đề của đô thị thông minh được thử nghiệm và ứng dụng tại đây như công nghệ thực tế ảo, công nghệ GIS… Đồng thời, Living Lab Trường Thọ có thể kêu gọi sự hợp tác nghiên cứu và thu hút khu vực công, các công ty/tập đoàn tư nhân và viện/trường nghiên cứu (sự kết hợp 4P) dựa trên mô hình cơ cấu tổ chức đã đề xuất tại khu đô thị tương tác cao khu vực phía Đông để cùng tham gia xây dựng, triển khai và duy trì hoạt động.

Dựa theo các bước trong quy trình mà nhóm nghiên cứu đã đề xuất cho việc xây dựng Living Lab Trường Thọ, quy trình Living Lab cần ứng dụng các công nghệ để thử nghiệm các kịch bản phương án khác nhau trong Living Lab. Đồng thời cụ thể hóa quy trình xây dựng tổ chức thực hiện Living Lab thành hướng dẫn cụ thể (guideline). Kế hoạch xây dựng nền tảng kết nối các đối tác trong mạng lưới living lab, kế hoạch phân bổ nguồn lực, mô hình tài chính đều là các bước quan trọng cần được chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của dự án. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức dự án sẽ rất cần sức mạnh của sự cam kết, cụ thể là cam kết từ các nhà tài trợ. Sự cam kết lỏng lẻo hoặc bất nhất từ một trong các nhà tài trợ cũng sẽ làm chậm tiến độ dự án hoặc khiến dự án không hiệu quả. Vì vậy, hoạt động giám sát dự án và minh bạch tài chính, nhóm nghiên cứu kiến nghị nên được giao cho đại diện các nhà tài trợ. Quá trình triển khai dự án chắc chắn sẽ có sự phụ thuộc hoặc tương tác với các dự án khác, đôi khi là dự án cạnh tranh sự phân bổ nguồn lực công, đôi khi là dự án hỗ trợ cùng đạt mục tiêu phát triển. Vì vậy, các bên liên quan và đơn vị quản lý vận hành dự án phải theo sát các cơ chế chính sách và tiến độ các dự án đang được triển khai trên địa bàn. Từ đó, dự án sẽ có hướng giải quyết kịp thời và phù hợp nhất.

Ngoài ra, tầm quan trọng của việc kết nối các bên liên quan đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Living Lab. Do đó, nhóm nghiên cứu chủ động đề xuất Living Lab muốn kết nối thành công cần dựa trên nền tảng các đơn vị cùng trao đổi, thảo luận mở, xác định tầm nhìn, các bên đều cùng được hưởng lợi dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation). Đơn vị tổ chức phải xây dựng nền tảng kết nối giữa người dân, đơn vị nghiên cứu, khu vực công, khu vực tư nhân. Đơn vị tổ chức phải tìm các đối tượng phù hợp để cùng tham gia dự án. Đơn vị tổ chức có trách nhiệm tổ chức các sự kiện để thúc đẩy sự giao tiếp giữa các bên liên quan xoay quanh vấn đề - ý tưởng, xác định một địa điểm cố định để các đối tác gặp gỡ, tổ chức sự kiện cho dự án. Thêm vào đó, hoạt động truyền thông cần được triển khai cùng đồng hành và xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Living Lab để nâng cao nhận thức cho các bên liên quan.

Là một phần của nhiệm vụ khoa học - công nghệ, TS. Trịnh Tú Anh và các cộng sự đã xây dựng tầm nhìn và mục tiêu thực hiện Living Lab khu đô thị Trường Thọ. Theo đó, dự án Living Lab là một nền tảng nghiên cứu tích hợp để cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, tạo ra các sản phẩm/dịch vụ/hệ thống thực để giải quyết triệt để từng vấn đề của quá trình đô thị hóa bằng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kết nối và phát triển Living Lab và trung tâm đổi mới sáng tạo theo chiến lược phát triển khu đô thị tương tác cao phía Đông của TP.HCM nhằm hỗ trợ thực thi các giải pháp tái cấu trúc khu đô thị cảng Trường Thọ; thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; và tạo ra tác động thúc đẩy tích cực phát triển kinh tế - xã hội.

Về nguồn tài chính cho việc xây dựng và vận hành Living Lab, trong giai đoạn mới đi vào thử nghiệm và vận hành, Living Lab Trường Thọ có thể xem xét đến mô hình tài chính nhận hỗ trợ phần lớn từ tài trợ từ tổ chức chính phủ và nhà nước như: nguồn vốn đẩu tư công theo Luật đầu tư công cho các dự án nhóm C với mức vốn hỗ trợ 40 tỷ đồng; tìm kiếm, kết nối và đề xuất đề án hỗ trợ từ nguồn kinh phí của thành phố liên quan đến các dự án thử nghiệm triển khai như giải quyết các vấn đề về tài nguyên môi trường và quản lý đô thị.

Dựa trên tham khảo từ các dự án công tư thực tế tại Việt Nam gần đây, tỷ lệ góp vốn của Living Lab đề xuất là khoảng 55% vốn từ ngân sách nhà nước và thành phố; 45% là từ huy động tài trợ khu vực tư (15%), doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận (15%), người dân (15%). Tuy nhiên, tùy từng dự án mà tỷ lệ phân bố này có sự điều chỉnh, thay đổi về mức phân bổ cho phù hợp.

NV-45-H4.png

Đề xuất tỷ lệ góp vốn dự kiến giữa các bên trong dự án Living Lab

Giống mạng lưới Living Lab tại châu Âu thường xuyên thực hiện tổng kết kinh nghiệm, thì Living Lab Trường Thọ về cơ bản đóng vai trò là một trong những dự án tiên phong về Living Lab tại Việt Nam cũng cần phải có các bước nghiên cứu để đúc kết kinh nghiệm, đóng góp kiến thức cho các dự án Living Lab sau này dù cùng hay khác lĩnh vực. Từ những kinh nghiệm đã học được từ giai đoạn đầu, các Living Lab sẽ liên tục cập nhật và chỉnh sửa lại những bước phía trước để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của dự án. Ngoài ra hoạt động này cũng sẽ khiến cho khả năng thành công của các Living Lab sau này càng ngày càng tăng khi học hỏi được rất nhiều, từ thành công lẫn thất bại của các dự án trước đó. Những kinh nghiệm này cũng sẽ được lập thành những báo cáo, hướng dẫn chi tiết rõ ràng bởi các trường Đại học và Viện nghiên cứu.

Nhận định về hiệu quả kinh tế - xã hội của nhiệm vụ, TS. Trịnh Tú Anh khẳng định, mô hình Living Lab tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các nghiên cứu khoa học và công  nghệ, các giải pháp công nghệ mới được thử nghiệm trong môi trường thực tế. Điều này giúp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, công ty công nghệ có động lực phát triển, rút ngắn thời gian và chi phí nghiên cứu, tăng tính ứng dụng và khả thi của kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề thực; đồng thời mô hình Living Lab giúp mở rộng gắn kết liên ngành, tạo điều kiện cho việc đồng sáng tạo và thương mại hóa các ý tưởng mới, cũng như phát triển mạng lưới giao thông kết nối đô thị, liên khu vực, liên vùng, tiếp cận dịch vụ và hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng hòa nhập, đảm bảo phân phối tốt hơn các lợi ích của tăng trưởng kinh tế. Ngoài việc, Living Lab cũng thu hút doanh nghiệp công nghệ, tập đoàn, đội ngũ các nhà nghiên cứu đến làm việc, sinh sống tại khu đô thị Trường Thọ và thành phố Thủ Đức trong tương lai.

Tựu trung, Living Lab Trường Thọ là một nền tảng nghiên cứu tích hợp để cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, tạo ra các sản phẩm/dịch vụ/hệ thống thực để giải quyết triệt để từng vấn đề của quá trình đô thị hóa bằng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hay nói cách khác, nếu được triển khai trong thời gian tới thì chắc chắn rằng Living Lab Trường Thọ sẽ trở thành hình mẫu, qua đó dẫn dắt các Living Lab khác và trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thông tin liên hệ:
Viện Đổi mới sáng tạo (UEH)
Địa chỉ: 232/6 Võ Thị Sáu, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: (028) 363698008

E-mail: uii@ueh.edu.vn - trinhtuanh@ueh.edu.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353