SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Giảm chi phí, nâng chất lượng nông sản nhờ phương pháp sấy tiên tiến

27-02-2019

Nhà sấy gần như sử dụng hoàn toàn năng lượng tự nhiên. Thời gian sấy cũng giảm được khoảng 50 – 60%. Đặc biệt, thời gian sấy hạt Macca giảm đến hơn 70%, từ 15 ngày chỉ còn 4 ngày.

Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ thất thoát của nông sản sau thu hoạch của Việt Nam còn rất lớn. Có những loại nông sản tỷ lệ thất thoát lên tới 40- 45%. Một trong những lý do chính dẫn đến việc này nằm ở hạn chế ở công nghệ chế biến sau thu hoạch.

Nhằm khắc phục những hạn chế vừa nêu trên Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. HCM phối hợp với Công ty Cổ phần Máy Nông Nghiệp Santavi đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ sấy tối ưu trong nâng cao giá trị gia tăng nông sản” vào sáng ngày 26.2. Tại hội thảo, nhiều giải pháp sấy tiên tiến đã được giới thiệu nhằm giúp người nông dân và các nhà sản xuất có những lựa chọn hiệu quả nâng cao chất lượng nông sản.

Một phương pháp sấy đang được sử dụng ngày càng phổ biến là phương pháp sấy bơm nhiệt sử dụng hệ thống tách ẩm. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc công ty Santavi cho biết theo phương pháp này, không khí sẽ được làm khô ở giàn lạnh, sau đó gia nhiệt ở giàn nóng và đi vào buồng sấy. Tại đây, độ ẩm của sản phẩm sấy sẽ khuếch tán vào không khí khô và đi tới giàn lạnh để tiếp tục chu trình tuần hoàn mới.

Giảm chi phí, nâng chất lượng nông sản nhờ phương pháp sấy tiên tiến - 1

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc công ty Santavi giới thiệu các phương pháp sấy tiên tiến đang được áp dụng

Điểm mạnh của công nghệ này là bảo toàn được phần lớn nhiệt năng, tránh lãng phí điện. Chu trình sấy được thực hiện hoàn toàn khép kín nên bảo vệ sản phẩm khỏi các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, bụi bẩn, côn trùng. Ngoài ra, sản phẩm sấy cũng giữ được màu sắc, hương vị tốt hơn so với sấy thông thường. Trong quá trình sấy, hệ thống có thể kết hợp sử dụng đèn UV để diệt khuẩn.

Với những ưu điểm trên, hệ thống đã được ứng dụng rộng rãi từ sấy khô cá tại Kiên Giang, sấy sâm đất tại Bến Tre... cho tới sử dụng cho những loại nông sản tương đối mới như hạt macca ở Lâm Đồng.

Tại những địa phương còn hạn chế về hệ thống điện, nhà sấy bằng khí nóng đối lưu là một lựa chọn phù hợp. Phương pháp này đã được nhiều đơn vị tại Long An, TP.HCM... sử dụng hiệu quả.

Giảm chi phí, nâng chất lượng nông sản nhờ phương pháp sấy tiên tiến - 2

Mô hình nhà sấy đối lưu

Nhà sấy sử dụng nguyên lý hiệu ứng nhà kính và đối lưu tự nhiên của dòng khí để làm khô sản phẩm, gần như không cần sử dụng năng lượng bổ sung. Các tấm thu nhiệt và kết cấu nhà sấy dạng vòm giúp hấp thu và giữ nhiệt trong nhà sấy, giúp nhiệt độ trong nhà sấy cao gấp rưỡi nhiệt độ bên ngoài vào ban ngày.

Kết quả thực tế cho thấy phương pháp này giúp giàm đáng kể thời gian sấy nông sản. Cụ thể, quá trình sấy chuối bằng phương pháp này chỉ mất 4 ngày so với thời gian 7 ngày của phương pháp phơi sấy thông thường. Với các loại nông sản khác, thời gian sấy cũng giảm được khoảng 50 – 60%. Đặc biệt, thời gian sấy hạt Macca giảm đến hơn 70%, từ 15 ngày chỉ còn 4 ngày.

Ngoài ra, nông sản trong quá trình sấy được cách ly hoàn toàn với các yếu tố có hại từ môi trường bên ngoài như công trùng, bụi bẩn giúp sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Màu sắc, hình dáng của sản phẩm cũng được giữ hấp dẫn. Khi thời tiết không thuận lợi (mưa, ít nắng...) hoặc cần sấy cả ban đêm, nhà sấy có thể kết hợp hệ thống bơm nhiệt.

Giảm chi phí, nâng chất lượng nông sản nhờ phương pháp sấy tiên tiến - 3

Sản phẩm sấy bằng nhà sấy giữ được màu sắc, hình dáng hơn hẳn sản phẩm phơi sấy thông thường 

Những nông sản có giá trị cao như sâm Ngọc Linh, nấm linh chi hay yến sào có thể áp dụng phương pháp sấy thăng hoa để giữ nguyên màu sắc, hình dáng và các hoạt chất quý trong sản phẩm.

Nhận xét về tác dụng của những phương pháp sấy tiên tiến đang được áp dụng, ông Tạ Từ Phúc thuộc khoa Công nghệ Hóa học (Cao đẳng Công thương) nói: “Sấy thủ công có rất nhiều nhược điểm như hiệu suất thấp, tốn nhiều công lao động... khiến cho chi phí bị nâng lên. Những phương pháp sấy hiện đại có thể khắc phục được những hạn chế đó, vừa tiết kiệm được chi phí lao động vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị.

Đặc biệt, sản phẩm muốn có giá trị cao, xuất khẩu được vào những thị trường khó tính thì vấn đề vi sinh trong thực phẩm cần đặc biệt quan trọng. Những phương pháp được giới thiệu cũng hạn chế được rất nhiều vấn đề này. ”

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353