SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Hoàn thiện mô hình bảo đảm chất lượng bên trong nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại TP.HCM

23-12-2021

Nhiệm vụ khoa học vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu đã gợi mở những thay đổi về hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong đối với các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) trên địa bàn Thành phố, đồng thời khuyến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng những chính sách hợp lý để hướng dẫn CSGDĐH triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong thành công.

Gần 20 năm qua, hệ thống BĐCL bên trong hầu hết CSGDĐH đều có một đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng (BĐCL) hệ thống BĐCL bên trong.

cldh

Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống BĐCL bên trong ở các CSGDĐH có sự phân hoá ở nhiều cấp độ khác nhau giữa các trường. Hệ thống BĐCL bên trong của nhiều CSGDĐH vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, chưa hiệu quả trong việc đạt các mục tiêu chiến lược. Ví dụ, các CSGDĐH đều có sứ mạng và tầm nhìn, nhưng chưa có sự liên kết của các hoạt động bảo đảm chất lượng với sứ mạng và tầm nhìn, đó là chưa kể đến hiện trạng rất ít CSGDĐH phát triển toàn diện một cơ chế bảo đảm chất lượng phù hợp với sứ mạng và tầm nhìn mà họ đang theo đuổi. Một ví dụ khác là các công cụ BĐCL bên trong của các CSGDĐH chưa phục vụ đắt lực cho cải tiến chất lượng, mà đôi khi chỉ tập trung vào việc thực hiện các yêu cầu tối thiểu của cơ quan quản lý như Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

cldh1

Hình 1: Hệ thống BĐCL bên trong của các trường đại học (theo khung lý thuyết của Luckett, 2007, tr. 5)

Do đó, nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đề xuất mô hình bảo đảm chất lượng bên trong hiệu quả cho các trường đại học tại TP.HCM nhằm nâng cao chất lượng giáo dục” do Viện Nghiên cứu Giáo dục – Trường Đại học Sư phạm TPHCM chủ trì thực hiện là rất cần thiết để tìm hiểu về những thách thức và rào cản mà các CSGDĐH tại TPHCM đã và đang gặp phải trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống BĐCL bên trong.

Nhiệm vụ đã xây dựng và đề xuất mô hình BĐCL bên trong cho các trường đại học ở TPHCM cùng với bộ tài liệu hướng dẫn xây dựng hệ thống BĐCL bên trong, gợi mở những thay đổi về cách xây dựng hệ thống BĐCL ở các trường đại học tại TPHCM. Nhiệm vụ cũng đưa ra các khuyến nghị gửi Bộ GD&ĐT để ban hành thông tư hướng dẫn CSGDĐH triển khai hệ thống BĐCL bên trong hiệu quả.

Xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng

TS Nguyễn Vũ Phương (chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ) cho biết hệ thống BĐCL nên bớt tập trung quá vào các vấn đề kỹ thuật mà cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức, ý nghĩa và nổ lực cải tiến chất lượng của từng cá nhân trong các CSGDĐH, từng bước hình thành văn hoá chất lượng. Theo mô tả của nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh phải thay đổi để thể hiện trách nhiệm giải trình và cải tiến liên lục, thì CSGDĐH cần tập trung xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng. Để có văn hóa chất lượng thì CSGD cần xem xét và hoàn thiện cấu trúc BĐCL bên trong và các yếu tố tâm lý tổ chức ở hai cấp độ cá nhân và tập thể. Về cấu trúc, việc xây dựng hệ thống BĐCL bên trong cần dựa trên sự cân bằng giữa cơ chế quản lý tập trung và phân cấp, thể hiện khuynh hướng phát huy sự tham gia các bên liên quan (“hợp lý tập thể” - collegial relationality) trong đó thể hiện sự cân bằng giữa quyền lực và kiểm soát. Các cá nhân trong một CSGD sẽ chia sẻ những giá trị chung (shared values) của tổ chức, cam kết (commitment), trách nhiệm (responsibility), và tham gia (engagement) vào tất cả các hoạt động của nhà trường. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng đòi hỏi sự lãnh đạo (leadership), thông tin và truyền thông (communication), và sự cam kết tham gia (commitment and participation) của các bên liên quan.

cldh2

Hình 2: Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng (Sattler, Sonntag, Götzen, 2016)

cldh3

Hình 3: Mô hình hệ thống BĐCL bên trong đề xuất cho các trường đại học ở TPHCM

Những kiến nghị

CSGD cần tập trung hoàn thiện hệ thống BĐCL bên trong với các nội dung cốt lõi sau:

Xây dựng các quy định để thực hiện thành công hệ thống BĐCL bên trong

Các kết quả nghiên cứu cho thấy sự phân tán trong phương thức vận hành hệ thống BĐCL bên trong, bao gồm cấu trúc nhân sự BĐCL, hệ thống tài liệu bảo đảm chất lượng bên trong, phê duyệt, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; việc đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; hoạt động cải tiến liên tục; chế độ báo cáo; và hệ thống quản lý thông tin. Do đó, hệ thống hóa các quy định liên quan các nội dung này sẽ là cơ sở để thực hiện thành công hệ thống BĐCL bên trong.

- Mô hình hệ thống BĐCL bên trong

Kết quả nghiên cứu cho thấy các CSGD còn những hạn chế trong việc thiết lập hệ thống đo lường mục tiêu, chỉ số đánh giá hiệu quả CSGD tương thích với tầm nhìn, sứ mạng và các mục tiêu chiến lược. Do đó, việc thiết kế một hệ thống BĐCL bên trong nhấn mạnh vào tính hiệu quả của CSGD là cần thiết để đánh giá sự phù hợp của các kết quả so với các ưu tiên chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh của trường.

- Phát triển và nâng cao hiệu quả các công cụ BĐCL để cải tiến chất lượng giáo dục

Để thực hiện đảm bảo chất lượng chức năng, các CSGD cần có một hệ thống các công cụ và quy trình đảm bảo chất lượng, thành phần chính của mô hìnhBĐCL bên trong của AUN-QA. Công cụ BĐCL cần được xây dựng một cách khoa học và có hệ thống nhằm thu thập dữ liệu có giá trị giúp nhà trường thực hiện các hoạt động cải tiến. Việc các bên có liên quan tham gia vào việc xây dựng và hoàn thiện các công cụ BĐCL sẽ góp phần hình thành văn hóa chất lượng.

- Hệ thống thông tin BĐCL

Quá trình đánh giá tính hiệu quả của CSGD dựa trên việc kiểm tra xem liệu các kết quả hoạt động có phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu chiến lược, cũng như quy trình đảm bảo chất lượng chức năng; điều này đòi hỏi phải có hệ thống thông tin quản lý. Các CSGD phải đảm bảo việc thu thập, phân tích và sử dụng thông tin liên quan để quản lý hiệu quả các chương trình và các hoạt động khác. Dữ liệu đáng tin cậy là rất quan trọng để đưa ra quyết định dự trên thông tin đầy đủ và hiểu biết về các khía cạnh tích cực của hiệu quả và các lĩnh vực cần cải thiện. Do đó, các quy trình hiệu quả để thu thập và phân tích thông tin về các chương trình học và các hoạt động khác cần được tích hợp vào hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong.

Như đã đề cập ở trên, CSGD cần xây dựng hệ thống BĐCL bên trong hiệu quả và văn hóa chất lượng. Trong bối cảnh phải thay đổi để thể hiện trách nhiệm giải trình và cải tiến liên lục mà CSGD phải đáp ứng, ngoài những ảnh hưởng của các bên liên quan bên ngoài, thì yếu tố trung tâm hạn chế sự thay đổi là văn hóa, cụ thể là tập trung vào chất lượng trong văn hóa.

Chẳng hạn đối với trường hợp Trường L, khi phân tích hệ thống hệ thống BĐCL bên trong ở Trường L (tên trường đã thay đổi), nhóm nghiên cứu nhận xét Trường L có hệ thống thông tin quản lý giúp quản lý hoạt động và quá trình ra quyết định. Trường đã thực hiện lập kế hoạch chiến lược trong từng giai đoạn với các mục tiêu tương thích với tầm nhìn sứ mạng của trường, có các kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và định hướng quốc tế, nhưng gặp nhiều thách thức về nguồn tài chính (do bước sang giai đoạn tự chủ tài chính).

Do vậy, đối với Trường L, nhóm nghiên cứu đề xuất các chiến lược và giải pháp cải tiến hệ thống BĐCL bên trong cho Trường L tập trung vào việc xác định các kết quả mong đợi (chẳng hạn, các chỉ số thực hiện chính – KPIs) và xây dựng hệ thống công cụ để đo lường hiệu quả hoạt động của Trường, song song với việc xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng. Phát triển hệ thống thông tin quản lý, tích hợp cơ sở dữ liệu. Hệ thống công cụ đo lường việc đạt được các kết quả mong đợi và hệ thống thông tin quản lý sẽ giúp đối sánh nội bộ, quốc gia, quốc tế làm cơ sở để đánh giá hiệu quả và cải tiến liên tục. Kế hoạch chiến lược BĐCL có thể tích hợp vào kế hoạch chiến lược của Trường. Chẳng hạn, các chiến lược giúp tăng nguồn thu với các quy tắc, quy định BĐCL. Tăng nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đi với việc hoàn thiện cơ chế phối hợp, phân quyền cho các đơn vị trong việc chủ động tìm kiếm nguồn thu từ dịch vụ, tư vấn pháp lý; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các trường đại học uy tín trên thế giới, nâng cao số lượng chương trình và nguồn thu từ liên kết đào tạo quốc tế thông qua cải tiến chương trình; hình thành các trung tâm/viện/công ty cung cấp các dịch vụ cho người học, xã hội theo hướng tiên phong, gắn với nhu cầu phát triển năng động của TP.HCM và các tỉnh thành. Đối với chiến lược nâng cao hình ảnh của trường, trường có thể xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về khả năng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; thu thập ý kiến phản hồi của các bên có liên quan chất lượng đào tạo, thực hiện trách nhiệm công khai, giải trình về các cam kết chất lượng đào tạo đối với xã hội; định kỳ thực hiện rà soát và điều chỉnh chương trình đào tạo, đối chiếu và so sánh với các tiêu chuẩn kiểm định, chương trình của các trường đại học có uy tín quốc tế để không ngừng nâng cao chất lượng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đảm bảo cho việc triển khai đánh giá các chương trình đào tạo thuận lợi, hiệu quả; xây dựng bộ chỉ số theo dõi các kết quả đã đạt được trong đánh giá đảm bảo chất lượng.

CSGD cần thực hiện chu kỳ đánh giá hoạt động (xem hình 4). Đứng đầu mô hình đánh giá của CSGD là chu kỳ đánh giá. Trước khi bắt đầu quá trình này, điều cần thiết là phải xây dựng một Kế hoạch đánh giá. Mục tiêu chính của kế hoạch này phải dựa trên nhu cầu của đơn vị và phù hợp với sứ mạng của đơn vị. Một Chu kỳ Đánh giá nên bao gồm sứ mạng và mục tiêu của đơn vị, kết quả, các hoạt động đã xác định, các biện pháp/tiêu chí đánh giá thành công và quan trọng nhất là phần “kết thúc vòng lặp” bao gồm phân tích kết quả và thực hiện các cải tiến.

cldh4

 Hình 4: Chu kỳ đánh giá CSGD

Chu kỳ đánh giá hoạt động bao gồm 6 bước: Xác định nhiệm vụ và mục tiêu của đơn vị; Xây dựng và sửa đổi mục tiêu; Xác định các Hoạt động/Nguồn dữ liệu; Thiết lập các biện pháp và tiêu chí để đánh giá mức độ thành công; Thu thập dữ liệu; Phân tích kết quả và cải tiến.

Từ kết quả của nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các nghiên cứu đánh giá các chỉ số thực hiện hiệu quả của CSGDĐH, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý phục vụ xây dựng hệ thống hệ thống BĐCL bên trong ở cả cấp nhà nước và cấp CSGDĐH, nghiên cứu về mức độ minh bạch thông tin làm cơ sở cải tiến chất lượng. Đề tài thành công trong việc xây dựng hướng dẫn triển khai các hoạt động BĐCL bên trong cho các trường đại học ở Việt Nam cùng với bản khuyến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính sách BĐCL bên trong cho hệ thống GDĐH của Việt Nam.

Thông tin liên hệ:
Viện Nghiên cứu Giáo dục
Địa chỉ: 115 Hai Bà Trưng, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38245955. Email: viennghiencuu@ieredu.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353