SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Hội tụ sức mạnh tri thức từ mạng lưới trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM

28-06-2023

Việc hình thành một mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển nhân tạo tại các cơ sở đào tạo nghiên cứu là cần thiết nhằm tạo ra nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong 8 lĩnh vực mà TP.HCM đang ưu tiên phát triển, trong đó có lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. 

Sở KH&CN TP.HCM vừa tổ chức hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo".

Nhiệm vụ do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) làm cơ quan chủ trì thực hiện, và PGS.TS Trần Minh Triết là chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ.

Hinh dau tien.jpg
Tham gia vào mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu về TTNT trong các cơ sở nghiên cứu đào tạo mang lại lợi ích cho các bên liên quan, bao gồm các cơ sở nghiên cứu đào tạo, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và xã hội nói chung.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ, PGS.TS Trần Minh Triết khẳng định: Dựa trên các mô hình đã khảo sát, dựa trên nhận định về tình hình thực tiễn tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất 8 nguyên tắc mang tính định hướng chung cho việc đề xuất mô hình mạng lưới viện viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo.

Trong 8 nguyên tắc này đặt trọng tâm chính là “lấy con người làm trung tâm” và “đảm bảo quyền lợi các bên liên quan” là nền tảng. Sáu nguyên tắc còn lại chia làm 3 nhóm: (1) sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu với đào tạo và sự kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản với ứng dụng; (2) yếu tố nền tàng kết nối, hỗ trợ và sự tham vấn của các chuyên gia; (3) sự kết hợp với doanh nghiệp và sự hợp tác liên ngành, liên viện - trường.

H-2.jpg

Nguyên tắc định hướng chung xây dựng mạng lưới trường, viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo

Nhằm đảm bảo các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, các mạng lưới đẩy mạnh việc mời các doanh nghiệp và đối tác công nghiệp, đặc biệt là những đối tác có tầm ảnh hưởng lớn về mặt công nghệ, tham gia vào mạng lưới trong nhiều vai trò khác nhau, từ cố vấn đến nhà đầu tư cũng như đối tác nghiên cứu trong các dự án trong mạng lưới. Trong vai trò là những nhà đầu tư hoặc đối tác nghiên cứu trong mạng lưới, các đối tác công nghiệp có cơ hội cung cấp các nền tảng kỹ thuật công nghệ cũng như những ngữ cảnh, vấn đề thực tế nhằm đặt ra các thách thức về mặt nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu. Ngoài ra việc các doanh nghiệp tham gia vào các dự án nghiên cứu hợp tác cũng giúp cho quá trình chuyển giao tri thức và kết quả nghiên cứu từ học thuật sang thực tiễn được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trong vai trò cố vấn, các đối tác công nghiệp có cơ hội đưa ra những tham vấn phù hợp cho hội đồng quản lý mạng lưới nhằm có những điều chỉnh chiến lược ở tầm lãnh đạo nhằm giúp cho mạng lưới hoạt động hiệu quả, và đem tới những giá trị thực tiễn cho xã hội.

Thúc đẩy hợp tác - nghiên cứu liên ngành, viện - trường

Trong các tầm nhìn chung của các mạng lưới, việc tạo ra những giá trị và ảnh hưởng khoa học công nghệ cho xã hội và người dân trong xã hội luôn là một trong những mục tiêu lớn. Để làm được điều này, các nghiên cứu riêng rẽ theo những hướng khác nhau khó phát huy tác dụng rõ ràng. Vì vậy các mạng lưới luôn khuyến khích và thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu đa ngành nhằm tận dụng kiến thức, kỹ năng đa dạng từ nhiều lĩnh vực khác nhau vào các dự án nghiên cứu có tầm ảnh hưởng đến nhiều mặt, nhiều ngành nghề, nhiều đối tượng người dân trong xã hội. Ví dụ nhân lực nghiên cứu về khoa học xã hội kết hợp với nhân lực về công nghệ thông tin để phát triển những giải pháp công nghệ cho nhằm bảo lưu và phát triển văn hóa. Hay kết hợp các nhà nghiên cứu về tâm lý học và các nhà công nghệ để phát triển các công cụ liên quan đến sức khỏe tinh thần của người dân. Việc kết hợp này giúp kỹ năng, kiến thức các ngành nghề có thể bổ trợ lẫn nhau, giúp thành viên các dự án có góc nhìn đa chiều, bổ trợ nhau. Ngoài ra việc làm việc, hợp tác liên ngành cho phép các thành viên mở rộng góc nhìn, tư duy, nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực không chỉ chuyên và còn có kiến thức rộng, linh hoạt trong việc thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau, phù hợp xu thế hiện nay và tương lai.

Việc thúc đẩy nghiên cứu liên ngành hoặc liên viện trường thường được tổ chức thông qua hai mô hình chính.

  • Mô hình nhóm nghiên cứu chuyên sâu, tập hợp những nhân sự từ nhiều trường làm nghiên cứu trong cùng lĩnh vực hẹp hay chủ đề liên quan vào một nhóm nghiên cứu nhằm tập hợp nguồn lực tốt nhất, hợp tác cùng nhau thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu tầm quốc tế trong lĩnh vực đó, thể hiện qua các công bố khoa học ở những tạp chí hoặc hội nghị danh giá. Nhân sự này vẫn công tác tại cơ sở viện trường mình thuộc biên chế nhưng sẽ thường xuyên sinh hoạt khoa học và cộng tác trên các dự án nghiên cứu trong lĩnh vực của nhóm mình, dưới sự bảo trợ của mạng lưới.
  • Mô hình nhóm nghiên cứu liên ngành: mô hình này nhằm tạo ra những đội ngũ liên ngành để thực hiện các dự án nghiên cứu ứng dụng nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp trong thực tiễn xã hội. Tùy vào nhu cầu hiện thời và trong tương lai của xã hội, mạng lưới sẽ tạo ra những nhóm/cộng đồng nghiên cứu ứng dụng cho các nhu cầu xã hội. Các nhân sự từ các ngành khác nhau của trường viên thành viên trong mạng lưới có thể chọn tham gia vào một hay nhiều nhóm này nếu năng lực phù hợp. Các nhóm này sẽ tiến hành các dự án nghiên cứu ứng dụng sử dụng năng lực đa ngành của các thành viên để tạo ra các sản phẩm giải quyết các vấn đề cụ thể trong xã hội, dưới sự hỗ trợ về tài chính, thủ tục cũng như hậu cần của mạng lưới.

Với nhiều mô hình mạng lưới viện trường (ví dụ Insight tại Ireland, Media Futures của Na Uy), việc tiến hành những nghiên cứu có thể ứng dụng được vào thực tế trở thành một trong những tiêu chí tiên quyết của bất kỳ một dự án nghiên cứu nào).

PGS. TS Trần Minh Triết khẳng định, việc đề xuất mô hình mạng lưới viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo (TTNT) tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo nhằm tăng cường hiệu quả và tiến bộ trong phát triển TTNT.

"Mô hình mạng lưới này giúp tạo ra một môi trường tương tác giữa các đơn vị nghiên cứu, hỗ trợ cho quá trình trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa các chuyên gia, giảng viên và sinh viên, và môi trường hợp tác này giúp các bên chia sẻ kiến thức và tài nguyên, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và đóng góp trực tiếp vào nhiệm vụ giải quyết các thách thức xã hội", đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ cho biết, "Trước khi đề xuất mô hình mạng lưới viện, trung tâm nghiên cứu phát triển TTNT tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo ở Việt Nam, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tình hình phát triển về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng TTNT trên thế giới, trong khu vực".

Kết quả khảo sát cho thấy, tại Việt Nam, TTNT cũng đang phát triển và được chú trọng bởi chính phủ và các tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, các hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế và chưa đạt được tiến bộ như mong đợi.

Vì thế, với mô hình mạng lưới viện, trung tâm nghiên cứu phát triển TTNT được nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ đề xuất, thì các cơ sở nghiên cứu đào tạo có cơ hội tiếp cận và sử dụng tài nguyên chuyên môn của nhau, giúp đẩy mạnh quá trình nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực TTNT. Mô hình mạng lưới này cũng hỗ trợ các nhà quản lý, các chuyên gia nghiên cứu và đào tạo trong việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn về TTNT.

Tuy nhiên, để thành công với mô hình mạng lưới này, cần có sự hợp tác, cam kết từ các đơn vị nghiên cứu, đào tạo và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan. Cần có các chiến lược, kế hoạch, chính sách phù hợp để đảm bảo mô hình mạng lưới được triển khai và hoạt động hiệu quả.

Tóm lại, đề xuất mô hình mạng lưới viện, trung tâm nghiên cứu phát triển TTNT tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo là đóng góp quan trọng để nâng cao khả năng hợp tác và tiến bộ trong phát triển TTNT tại Việt Nam. Việc triển khai mô hình mạng lưới này cần được thực hiện một cách cẩn trọng, có sự hợp tác và đóng góp của nhiều bên để đạt được hiệu quả tối đa.

H-3.jpg

Cơ cấu tổ chức của mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo được đề xuất

Về kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu cũng đã chủ động đề xuất một mô hình mang tính tham khảo để có thể xây dựng và triển khai mạng lưới viện, trung tâm nghiên cứu phát triển TTNT tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo trên địa bàn TP.HCM.

Về giai đoạn triển khai, tầm nhìn của mạng lưới viện, trung tâm nghiên cứu TTNT tại TP.HCM là xây dựng một môi trường và cộng đồng tiên phong trong lĩnh vực TTNT, từ đó tạo nên sự phát triển và tiến bộ cho đất nước và cộng đồng. Nhóm các nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đề xuất việc từng bước xây dựng và phát triển mạng lưới viện, trung tâm nghiên cứu TTNT tại TP.HCM thành 3 giai đoạn như sau: (S1) Hình thành - (S2) Trưởng thành - (S3) Phát triển bền vững. Tùy theo tình hình thực tế cũng như chính sách đầu tư phát triển tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, mỗi giai đoạn có thể kéo dài hơn so với dự kiến.

Trong đó, giai đoạn Hình thành có trọng tâm tạo ra niềm tin và uy tín ban đầu; giai đoạn Trưởng thành với 2 mục tiêu chính yếu là hướng ra khu vực và quốc tế, hình thành các hạt nhân; và giai đoạn Phát triển bền vững với 2 hoạt động chủ lực là phát triển các cluster, và đẩy mạnh đóng góp cho cộng đồng và quốc tế.

Nhóm triển khai nhiệm vụ cũng đề xuất cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cho mạng lưới, đồng thời đề xuất 4 nhóm chương trình (A, B, C và D) với 10 chương trình trọng điểm (để tham khảo) cùng với kế hoạch, kinh phí và kết quả dự kiến tương ứng cho hoạt động của mạng lưới.

H-4.jpg

Nhóm chương trình và chương trình trọng điểm được đề xuất triển khai

Đảm bảo lợi ích các bên tham gia

Đại diện triển khai nhiệm vụ khẳng định, việc đảm bảo lợi ích của các bên liên quan khi tham gia vào mạng lưới các Viện, trung tâm nghiên cứu về TTNT trong cơ sở nghiên cứu đào tạo góp phần quan trọng vào phát triển bền vững của lĩnh vực TTNT và tạo ra giá trị cho xã hội. Bằng cách tập trung vào hợp tác, chia sẻ kiến thức và tài nguyên, cung cấp đào tạo chất lượng và giải quyết các thách thức xã hội, mạng lưới này đảm bảo rằng các bên liên quan đều có lợi ích cụ thể, đó là:

  • Cơ sở nghiên cứu đào tạo được nâng cao uy tín, danh tiếng và khả năng hợp tác nghiên cứu với các đối tác khác. Điều này tạo ra một môi trường đa dạng và sáng tạo, thu hút tài năng và nâng cao chất lượng đào tạo.
  • Nhà nghiên cứu được tiếp cận các nguồn tài nguyên và kiến thức đa dạng, từ đó tạo ra nghiên cứu chất lượng cao và có thể áp dụng vào thực tiễn. Nhà nghiên cứu cũng có cơ hội hợp tác với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, mở rộng mạng lưới kết nối và thúc đẩy sự phát triển cá nhân.
  • Doanh nghiệp được tiếp cận đến những tiến bộ và phát triển mới nhất trong lĩnh vực TTNT, giúp cải thiện sản phẩm, quy trình và dịch vụ. Doanh nghiệp cũng có cơ hội hợp tác với các cơ sở  nghiên cứu để  tạo ra giải pháp sáng tạo và nắm bắt cơ hội thị trường.
  • Xã hội nói chung được hưởng lợi từ các ứng dụng TTNT tiên tiến, từ việc cải thiện chất lượng cuộc sống, giải quyết các vấn đề xã hội lớn cho đến tăng cường hiệu suất và bảo vệ môi trường.

Là một phần của kết quả thực hiện, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ đưa ra các kiến nghị cho TP.HCM nhằm xây dựng và triển khai mô hình mạng lưới này, đó là:

  • Tăng cường đầu tư vào đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng TTNT: TP.HCM cần có kế hoạch và chính sách đầu tư dài hạn để phát triển lĩnh vực TTNT. Điều này có thể bao gồm cải tiến các chương trình đào tạo và đào tạo lại các chuyên gia trong lĩnh vực này, cải tiến hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng.
  • Thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo: TP.HCM cần tạo ra một môi trường tương tác giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, đẩy mạnh quá trình trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa các chuyên gia, giảng viên và sinh viên. Các hoạt động hợp tác và liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo cần được khuyến khích và đẩy mạnh.
  • Tạo ra những chương trình, nhiệm vụ gắn liền với hệ thống mạng lưới nghiên cứu và phát triển TTNT: TP.HCM cần đẩy mạnh việc kết nối các cơ sở nghiên cứu và đào tạo với nhau. Các đơn vị nghiên cứu và đào tạo cần được tạo điều kiện để có thể trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và hợp tác trong các dự án nghiên cứu.
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu và ứng dụng TTNT: TP.HCM cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu và ứng dụng.

Trong các kiến nghị trên, yếu tố chính sách và cơ chế sandbox đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và triển khai mô hình mạng lưới viện, trung tâm nghiên cứu phát triển TTNT tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo trên địa bàn TP.HCM.

Chính sách và cơ chế sandbox là công cụ quan trọng để khuyến khích sự đổi mới, thử nghiệm các giải pháp mới trong lĩnh vực TTNT. TP.HCM cần xây dựng và áp dụng các chính sách và cơ chế sandbox để hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức tham gia vào hoạt động nghiên cứu và ứng dụng TTNT. Các cơ chế này cần đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần cải thiện cơ chế quản lý và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn về TTNT. Cần tạo ra các chính sách và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chuyên môn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chuyên gia và nhân viên có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này.

Xét ở tổng thể, việc xây dựng và triển khai mô hình mạng lưới viện, trung tâm nghiên cứu phát triển TTNT tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo trên đại bàn TP.HCM là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên liên quan. Chính sách và cơ chế sandbox sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới và phát triển lĩnh vực TTNT tại TP.HCM.

Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã định hướng việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong 8 lĩnh vực ưu tiên: công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI nhiệm kỳ 2020 -2025 cũng một lần nữa khẳng định: TP.HCM tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong 8 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có trí tuệ nhân tạo.

Ngày 23/2/2021, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; đưa trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số; cung cấp giải pháp thông minh cho các dịch vụ và sản phẩm thông minh. Đồng thời theo đó, TP.HCM sẽ trở thành một trong những trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo; có trình độ phát triển trí tuệ nhân tạo nằm trong nhóm các thành phố dẫn đầu trong khu vực ASEAN.

TP.HCM cũng lên kế hoạch xây dựng 9 đề án, dự án để phát triển trí tuệ nhân tạo bao gồm: (1) Đề án xây dựng hạ tầng số; (2) Đề án xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao; (3) Dự án xây dựng Cổng thông tin giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; (4) Tổ chức ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo TP.HCM; (5) Hạng mục khảo sát nhu cầu ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo; (6) Hạng mục xây dựng cơ chế, chính sách về trí tuệ nhân tạo; (7) Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao trí tuệ nhân tạo TP.HCM; (8) Đề án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo; (9) Đề án Đào tạo nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo.
Như vậy, nhiệm vụ khoa học - công nghệ do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) triển khai thuộc phạm vi nhiệm vụ thứ 8 trong số 9 đề án, dự án để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của TP.HCM.

 

Thông tin liên hệ:
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM)
Địa chỉ: 227 Nguyễn Văn Cừ, P.4, Q.5, TP.HCM
Điện thoại: 0903 612 464 - (028) 62884499

E-mail: information@hcmus.edu.vn - tmtriet@hcmus.edu.vn

Website: https://www.hcmus.edu.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353