SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Khởi động Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2021

21-09-2021

Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2021 sắp diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Việc tổ chức triển lãm trực tuyến trở thành một xu hướng tất yếu nhằm thích ứng với giai đoạn giãn cách xã hội do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Techmart Công nghệ sau thu hoạch trực tuyến năm 2021 gồm 3 hoạt động chính: trưng bày, giới thiệu công nghệ và thiết bị (CN&TB); hội thảo trình diễn công nghệ và tư vấn chuyên gia về công nghệ. Dự kiến Techmart sẽ được tổ chức trong tháng 10/2021. Sự kiện thu hút sự tham gia của 50 đơn vị đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM trưng bày, giới thiệu hơn 150 CN&TB trong và ngoài nước sẵn sàng cung cấp chuyển giao.

Đây là sự kiện thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường phục nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Techmart còn là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác để phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, Techmart có vai trò thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ TP.HCM, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Năm 2020, Techmart đã thu hút hơn 100 công nghệ của 50 đơn vị, doanh nghiệp; tiếp đón hơn 500 lượt khách đến tham quan sự kiện, trong đó có 109 lượt giao dịch trực tiếp tại gian hàng. Tại sự kiện, 8 chuyên gia tư vấn chuyên sâu về công nghệ sau thu hoạch đã tư vấn 48 lượt cho các tổ chức và cá nhân; 205 yêu cầu tư vấn công nghệ và thiết bị đã được kết nối trực tiếp.

tmsauthuhoach

Hình ảnh tại Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2020.

Với hoạt động trưng bày, giới thiệu CN&TB trực tuyến, Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2021 sẽ tập trung giới thiệu các công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch, tạo ra thực phẩm có chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao, không tồn dư các hóa chất độc hại và an toàn cho người sử dụng. Một số công nghệ nổi bật có thể kể đến như: Giải pháp chuyển đổi số ứng dụng trong công nghệ sau thu hoạch (hệ thống giám sát nhiệt độ độ ẩm kho lạnh qua smartphone); Nền tảng IoT platform giám sát và đồng bộ dữ liệu hoạt động sản xuất nông nghiệp trên đám mây (Cloud); Giải pháp quản lý hệ thống sản xuất, phân phối và truy xuất nguồn gốc sản phẩm;…

Các CN&TB bảo quản nông sản, thực phẩm như: công nghệ bảo quản thực phẩm đông lạnh CAS (Cells Alive System); công nghệ bảo quản thực phẩm sử dụng nano bạc, bao bì đa lớp, màng sinh học; công nghệ sơ chế và ức chế quá trình chín nhanh bằng túi hút khí ethylene; giải pháp kiểm soát không khí và giám sát hành trình trong quá trình vận chuyển; các loại máy hút ẩm, thiết bị hấp thụ khí, thiết bị tiệt trùng,…

CN&TB chế biến nông sản, thực phẩm: công nghệ, thiết bị sản xuất collagen bằng phương pháp HPP (High Pressure Processing); công nghệ sản xuất các loại tinh dầu; công nghệ sản xuất thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến; công nghệ và thiết bị phòng sạch nuối cấy đông trùng hạ thảo; máy tách tạp chất; hệ thống máy rửa, phân cỡ, cắt gọt rau củ quả; các loại máy sấy nhiệt, sấy lạnh, sấy thăng hoa, sấy năng lượng mặt trời; máy chiên chân không; máy định lượng, trộn, nghiền bột; máy chiết xuất và thu hồi cồn; máy tách hạt thanh long;…

CN&TB kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm: hệ thống cân kiểm tra và loại bỏ sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn; máy phân tích độc tố nấm, dư lượng thuốc trừ sâu, chất kháng sinh và chỉ số nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm; máy quang phổ cận hồng ngoại phân tích độ ẩm, chất đạm, chất béo; các thiết bị phân tích mẫu thực phẩm trong phòng thí nghiệm;…

Ngoài ra còn có các CN&TB đóng gói, các dịch vụ hỗ trợ (dịch vụ tư vấn đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ, tư vấn thành lập doanh nghiệp, dịch vụ kiểm nghiệm chất dinh dưỡng và độc tố trong thực phẩm,…).

Hoạt động hội thảo trình diễn công nghệ trực tuyến tại Techmart 2021 gồm 14 chuyên đề hội thảo. Cụ thể như: Ứng dung một số quy trình và công nghệ trong làm sạch, xử lý và bảo quản để đảm bảo chất lượng và kéo dài thời gian tiêu thụ cho các loại trái cây ở các tỉnh phía Nam; Giải pháp số hóa quy trình quản lý, truy xuất nguồn gốc nông sản – cơ hội đổi mới phương thức kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; Ứng dụng công nghệ mã vạch RFID trong quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn nông sản sau thu hoạch; Công nghệ chiết xuất màu tự nhiên từ hoa đậu biếc, củ dền, lá dứa, nghệ… ứng dụng làm màu tự nhiên trong chế biến thực phẩm; Giải pháp xử lý nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ để sản xuất thực phẩm oranic phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Công nghệ sấy phun tạo hạt vi nang chứa hoạt chất sinh học và lợi khuẩn ứng dụng trong sản xuất thực phẩm; Thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời và các ứng dụng trong chế biến nông sản sau thu hoạch;…

Hoạt động tư vấn chuyên gia về công nghệ trực tuyến của Techmart được tổ chức nhằm thúc đẩy quá trình kết nối, giao dịch giữa nhà cung cấp công nghệ và khách hàng. Đội ngũ 8 chuyên gia của Techmart bên cạnh khả năng tư vấn về công nghệ sẽ tư vấn miễn phí về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và giúp khách hàng giải đáp những vướng mắc trong quá trình tìm hiểu, mua bán, chuyển giao các công nghệ thuộc lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. Đến nay có hàng chục đơn vị/cá nhân đã gửi yêu cầu tư vấn về cho Ban tổ chức và được xếp lịch tư vấn trực tiếp ngay tại sự kiện. Các đơn vị/cá nhân có nhu cầu tư vấn có thể tiếp tục đăng ký trực tiếp với Ban tổ chức tại triển lãm Techmart.

Thông tin chi tiết về Techmart Công nghệ sau thu hoạch vui lòng liên hệ tại:

Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (CESTI)

Phòng Giao dịch công nghệ

Địa chỉ: 79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM

Điện thoại: (028) 3521 0735 – 3822 1635

Fax: (028) 3829 1957.

Email: duykhanh@cesti.gov.vn

Mobile: 079 652 3381 (gặp anh Khanh).

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353