SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nghiệm thu nhiệm vụ đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng vaccine Covid-19

29-08-2022

Đây là luận cứ khoa học khảo sát đáp ứng miễn dịch trong thời gian 6 tháng sau tiêm đủ 2 liều vaccine ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222) ở nhân viên y tế và người thân trong gia đình.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng vaccine ChdOx1 nCoV-19 (AZD1222)”. Đây là nhiệm vụ do Đại học Y dược TP.HCM chủ trì thực hiện.

covid19

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Bắc (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, nhóm thực hiện đã phân tích nồng độ kháng thể anti-S (bao gồm IgG) và kháng thể trung hòa hiện diện trong huyết thanh của người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin ChAdOx1(S) nCoV-19 trong khoảng thời gian 180 ngày (sau 6 tháng tiêm đủ 2 liều) nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu về khả năng sinh miễn dịch sau tiêm đủ liều của loại vắc xin này.

ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222) là vắc xin được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và hãng dược nổi tiếng thế giới – AstraZeneca (Anh), sử dụng công nghệ vector adenovirus, có mã di truyền là một phần gai protein được gọi tên là Spike hoặc S trên bề mặt của vi rút SARS-CoV-2. Gai protein này được gắn vào một loại vi-rút cảm là “vật mang” (adenovirus), không có khả năng gây hại, và không thể tăng sinh hoặc gây ra sự nhiễm trùng. Adenovirus có tác dụng đưa gai protein vào các tế bào của người được tiêm, sau đó, các tế bào trong cơ thể người được tiêm sẽ sản sinh các gai protein này. Hệ thống miễn dịch của người được tiêm sẽ được kích hoạt tạo ra kháng thể và tế bào miễn dịch chống lại vi-rút SARS-CoV-2. Vắc-xin ChAdOx1(S) nCoV-19 đã được cấp phép ở 138 quốc gia và được sử dụng cho hàng triệu người nên việc đánh giá hiệu quả của vắc xin ở nhiều quần thể khác nhau sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng cho chiến lược tiêm chủng toàn cầu và sự phát triển của vắc xin thế hệ tiếp theo. Tại Việt Nam, đây là loại vắc xin đã được đưa vào sử dụng trong tiêm phòng SARS-CoV-2 từ tháng 3 năm 2021.

Theo đó, các mẫu máu được chuyển tới Khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), ly tâm và tách chiết huyết thanh để đo kháng thể anti-N, kháng thể anti-S (bao gồm IgG) và kháng thể trung hòa ở 4 thời điểm trên bằng phương pháp ELISA. Nếu người tham gia đã nhiễm bệnh thì ngoài dữ liệu từ Phiếu thông tin thu thập trước khi lấy mẫu, xét nghiệm kháng thể anti-N sẽ cho kết quả dương tính. Những trường hợp “dương tính” với kháng thể anti-N sẽ được nghiên cứu viên thông báo kết quả xét nghiệm kháng thể và loại khỏi nghiên cứu.

Sau quá trình triển khai nhiệm vụ, nhóm thực hiện nhận xét 100% người tham gia có sự hiện diện của kháng thể anti-S và giảm dần nồng độ qua các thời điểm. Tý lệ giảm nồng độ kháng thể anti-S là 46% ở thời điểm 90 ngày (3 tháng) và hơn 67% ở thời điểm 180 ngày (6 tháng) sau tiêm mũi 2. Ở thời điểm 180 ngày, kháng thể ở nhóm 40-59 tuổi có nồng độ trung bình thấp nhất, và khác biệt theo nhóm tuổi. Vì vậy, nhóm thực hiện kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích và hỗ trợ người dân thực hiện tiêm mũi tăng cường nhằm củng cố đáp ứng miễn dịch, ngăn chặn dịch bùng phát trở lại.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353