SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

“Nhân tạo” hoa cái để tăng hiệu quả canh tác cây sacha inchi ở TP.HCM

12-07-2022

Giải pháp sử dụng chất điều hòa sinh trưởng giúp tăng năng suất thu hoạch hạt sachi inchi 5,28 lần so với đối chứng. Nhờ đó, cây sachi inchi trở thành giống phù hợp để đưa vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa tạo nguồn cung dầu omega3 ra thị trường.

Hiện nay, nhu cầu hạt có dầu và các sản phẩm từ hạt có dầu trong nước ngày càng tăng. Tuy nhiên, sản lượng hạt có dầu lại không tăng do năng suất thấp, diện tích canh tác không nhiều. Do đó, phát triển một loại cây để bổ sung vào cơ cấu cây lấy dầu và sản xuất protein thực vật, từ đó giảm bớt gánh nặng nhập khẩu là hướng nghiên cứu lâu dài, vô cùng cấp thiết trong nông nghiệp. 

Cây sacha inchi (đậu núi) được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia đưa về trồng thử nghiệm ở Việt Nam từ tháng 11/2013. Đây là loại cây dễ trồng, trồng một lần nhưng khai thác được lâu (15-20 năm), thời gian thu hoạch nhanh và có tính rải vụ cao, kỹ thuật chăm sóc đơn giản. Hạt sacha inchi là bộ phận có giá trị nhất của cây bởi chứa một lượng dầu rất lớn (41,4%) và protein (24,7%) và nhiều khoáng chất khác. Ngoài công dụng làm thực phẩm tốt cho sức khỏe thì dầu sacha inchi còn được sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm. 

sacha

Cây sacha inchi trồng tại huyện Củ Chi (TPHCM)

Cây sacha inchi phù hợp với khí hậu nhiệt đới, có thể xem là cây che phủ đất, chống xói mòn cho đất dốc. Cây sacha inchi cũng không đòi hỏi quá khắt khe về điều kiện đất đai, cây có thể sinh trưởng phát triển trên nhiều loại đất, kể cả đất bạc màu. Vì thế, nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu một số biện pháp trồng và thử nghiệm sơ chế hạt cây sacha inchi (Plukenetia volubilis) tại các huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận” nhằm tìm kiếm loại cây trồng mới, phù hợp với định hướng chuyển mạnh đất lúa, mía năng suất thấp sang cây trồng khác có thị trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đất nông nghiệp của Thành phố đã được triển khai thực hiện. Nhiệm vụ do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là cơ quan chủ trì thực hiện, và GS.TS Nguyễn Quang Thạch làm chủ nhiệm nhiệm vụ.

Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công  nghệ vừa được Sở KH&CN TPHCM tổ chức, TS. Phạm Hữu Nhượng (đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ) cho biết, nhóm thực hiện đã tìm hiểu và thu thập 5 mẫu giống cây sacha inchi ở nhiều vùng trồng (Đắc Lắk, Đắc Nông, Hòa Bình, Thái Lan), sau đó đem trồng thử nghiệm ở huyện Củ Chi (TP.HCM) và huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai). Chiều cao cây sachi inchi xuất vườn và sau 30 ngày trồng ở các mẫu giống không có sự khác biệt. Các mẫu giống sinh trưởng phát triển khá đồng đều nhau ở 2 vùng trồng Củ Chi và Cẩm Mỹ. Cây sacha inchi sau khoảng 248-264 ngày tính từ thời điểm gieo thì có thể thu hoạch. Các mẫu quả sacha inchi ở các vùng trồng Củ Chi và Cẩm Mỹ đều có đặc điểm quả có hình sao phân thùy từ 4 đến 7 thùy. Số lượng quả 4 thùy trên cây thu được nhiều nhất ( > 55% tổng số quả/cây), tiếp đến là quả 5 thùy chiếm khoảng 23-38% tổng số quả, quả 6 và 7 thùy xuất hiện rất ít trên cây. Quả sacha inchi càng ít thùy thì càng chắc hạt. Tỷ lệ hạt bị lép ở trong các quả 6-7 thùy nhiều hơn trong quả 4-5 thùy.

sacha2

Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu về kết quả thực hiện

So sánh kết quả thu hoạch, nhóm thực hiện nhận xét thấy mẫu giống ở Hòa Bình (S18) thu được nhiều quả nhất (trung bình 45-46 quả/cây), các mẫu giống còn lại có số quả dao động từ 38-42 quả/cây. Mẫu giống S18 cũng cho năng suất hạt (g/cây) và năng suất hạt thực thu ở lứa quả đầu tiên (kg/ha) cao nhất. Kết quả phân tích hàm lượng dầu cho thấy S18 là mẫu giống có hàm lượng dầu cao nhất (52,26%), trong đó, thành phần dầu 100% chứa A.Oleic (C18:1) 9,58%, A.Linoleic (C18:2) 38,57%, A.Linolenic (C18:3) 45,65%. Hàm lượng Omega 3/6/9 trong dầu sacha inchi ở mẫu giống S18 cũng tương đương với dầu sacha inchi do quốc tế công bố. 

Đặc biệt hơn, nhóm thực hiện đã triển khai sử dụng chất điều hòa sinh trưởng, qua đó giúp cho việc gia tăng tỷ lệ hoa cái trên chùm hoa, dẫn đến tăng số quả trên cây và cuối cùng là giúp tăng năng suất hạt sacha inchi. 

"Đây là giải pháp mới chưa có ai sử dụng", đại diện nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành khẳng định. Từ đó, nhóm nghiên cứu cũng đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho cách làm này với tên “Quy trình kích tăng tỷ lệ hoa cái trên cây sacha inchi Plukenetia volubilis”.

sacha3

Cụ thể, cây sacha inchi bắt đầu ra hoa sau 122 ngày sau gieo, thời gian ra một lứa hoa khoảng 38 ngày và cần khoảng 49 ngày để ra lứa hoa tiếp theo. Sự ra hoa là một bước ngoặt trong đời sống của thực vật, tức là sự chuyển hướng từ giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng sang giai đoạn sinh thực. Dưới tác dụng của nhiệt độ thích hợp và quang chu kì cảm ứng, trong lá cây xuất hiện các chất đặc hiệu được vận chuyển đến các mô phân sinh đầu cành để quy định sự hình thành các mầm hoa. Tác động chất điều hòa sinh trưởng vào giai đoạn ra hoa nhằm ức chế hoa đực, làm tăng số lượng hoa cái cây sacha inchi sẽ làm tăng đáng kể năng suất loại cây trồng mới này. Mặc dù tỷ lệ đậu quả thấp nhưng nhờ số hoa cái tăng lên đáng kể nên kết quả cuối cùng số quả đậu vẫn tăng rất cao, gấp 5,67 lần so với đối chứng. Nhờ đó, năng suất quả khô, năng suất hạt trên cây, năng suất hạt lứa quả đầu, năng suất hạt năm đầu trên cây đều cao nhất: năng suất quả khô đạt 1.331,97 g/cây; năng suất hạt trên cây đạt 850,20 g/cây, tăng 5,28 lần so với đối chứng; năng suất hạt thu được ở lứa quả đầu tiên đạt 2,05 tấn/ha, tăng 4,88 lần so với đối chứng; năng suất thực thu năm đầu tiên đạt 4,40 tấn/ha, gấp 4,4 lần so với đối chứng.

TS Phạm Hữu Nhượng cho biết thêm, cây sacha inchi cho thu hoạch quanh năm, ra hoa kết quả liên tục không theo mùa vụ, do đó quả chín rải rác, không tập trung, nên các đợt thu hoạch thường kéo dài trong nhiều ngày. Độ chín của trái càng tăng thì độ ẩm của hạt càng giảm trong khi hàm lượng dầu tăng. Tuy nhiên, sang tới giai đoạn trái quá chín, có màu nâu sẫm thì hàm lượng dầu sẽ giảm. Hạt sacha inchi ở các vùng trồng thử nghiệm đều cho hàm lượng dầu và protein cao, hàm lượng axit béo bão hòa, hàm lượng axit béo không bão hòa (Omega 6 và 9) cao hơn so với công bố trong nước và quốc tế, hàm lượng Omega 3 thì lại thấp hơn.

Hạt sacha inchi được thu hái, tách hạt và loại bỏ các tạp chất cơ học (sơ chế). Sau quá trình này, hạt sachi được phơi hoặc sấy ở nhiệt độ thấp 45 độ C, độ ẩm của hạt khoảng 5%. Hạt sachi sau đó được nghiền trong vòng 180 giây để cắt nhỏ hạt và bắt đầu ép. Quá trình ép được tiến hành làm 2 đợt với lực ép 190 kg/cm2 và thời gian ép 15 phút. Dầu sachi sau đó được lọc và đem vào sử dụng, như bào chế viên nang dầu. Từ 1kg hạt sacha inchi có thể thu được 320ml dầu. Dầu sacha inchi không có độc tính cấp đường uống ở liều tối đa có thể dùng theo đường uồng trên chuột nhắt trắng (50 mL/kg), liều Dmax = 50 mL/kg.

sacha4

Sản phẩm dầu sacha inchi

sacha5

Thành phẩm viên nén dầu sacha inchi

Trong quá trình theo dõi, đánh giá khả năng thích nghi của các mẫu giống sacha inchi, nhóm thực hiện đã thấy có xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại trên loại cây trồng này như: bệnh lở cổ rễ, tuyến trùng, sâu đục thân, tuy nhiên mức độ gây hại không đáng kể. Có thể sử dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như: làm sạch vườn, xử lý cỏ dại, tàn dư thực vật trước khi làm đất trồng cây, cắt tỉa cành thường xuyên, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gốc thảo mộc hoặc sinh học, chế phẩm sinh học để phun phòng hoặc trừ khi sâu bệnh mới bắt đầu xuất hiện. 

Từ những kết quả đạt được, nhóm thực hiện cũng đã xây dựng quy trình canh tác cây sacha inchi cho TP.HCM và các vùng phụ cận, có khả năng đạt đến trên 3 tấn/ha. Theo đó, cây sachi inchi hoàn toàn phù hợp để đưa vào cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất tại những vùng còn quỹ đất chưa sử dụng hết hoặc sử dụng kém hiệu quả. Điều này không chỉ giúp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng hiệu quả kinh tế tốt hơn, mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn, mà còn tự chủ được nguồn cung dầu Omega3 ra thị trường. Khi trồng sachi inchi, người dân có thể tận dụng tối đa các loại nguyên, vật liệu địa phương như tre, gỗ, tràm… để đóng cọc, làm giàn.

Thông tin liên hệ:
Đại học Nguyễn Tất Thành
Địa chỉ: 300A Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4, TP.HCM
Điện thoại: (028) 39401902

Email: research@ntt.edu.vn 

Website: www.nttu.edu.vn 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353